Đề xuất đưa môn “Hạnh phúc” vào các trường đại học

(Dân trí) - Khoa học nghiên cứu về hạnh phúc tại Việt Nam đến nay hầu như còn bỏ trống. PGS. TS Lê Ngọc Văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) bày tỏ tham vọng xây dựng môn khoa học có tên "Hạnh phúc" đưa vào các trường đại học, học viện ở Việt Nam.

Vấn đề được PGS. TS Lê Ngọc Văn nhấn mạnh tại buổi ra mắt cuốn sách khoa học "Hạnh phúc của người Việt Nam: Khái niệm, cách tiếp cận & chỉ số đánh giá" diễn ta tại TPHCM ngày 24/8.

Đề xuất đưa môn “Hạnh phúc” vào các trường đại học - 1

PGS.TS Lê Ngọc Văn

TS. Lê Ngọc Văn cho hay, hiện nay rất nhiều trường đại học trên thế giới quan tâm đến môn học Hạnh phúc. Như ở Harvard năm học vừa rồi có đến 900 sinh viên chọn học môn Hạnh phúc. Ở Ấn Độ, riêng ở thủ đô New Delhi, năm học vừa rồi đã yêu cầu 20.000 giáo viên của 1.000 trường tập trung học môn hạnh phúc để giảng dạy lại cho học sinh phổ thông.

Hay như tin ông Văn mới nắm được qua tổ chức quốc tế ở Việt Nam, tại Trường ĐH Canada, tất cả các khoa đều phải có Giám đốc Hạnh phúc với lý do, học sinh đến trường không nhất thiết cứ phải căn cứ vào điểm số. Học sinh phải được thoải mái thì trí tuệ, sáng tạo tăng lên; học sinh hạnh phúc thì bạo lực học đường giảm đi. 

Một điều rõ ràng, muốn học sinh hạnh phúc, cô giáo phải hạnh phúc. Tác giả Lê Ngọc Văn nhấn mạnh, đưa môn này vào giảng dạy ở các trường ĐH thì lợi ích xã hội vô cùng lớn.  

Ông ham muốn, các các trường ĐH, học viện ở Việt Nam sẽ học môn học này. Về mặt nghiên cứu, chủ đề hạnh phúc cực kỳ sôi động, nóng bỏng, đồ sộ với rất nhiều đề tài... Gần như tất cả mọi vấn đề đều có thể gắn vào hạnh phúc để nghiên cứu.

Nếu chưa thể đưa vào như một môn khoa học chính thức, theo TS Lê Ngọc Văn, có thể đưa vào theo chuyên đề ở trường ĐH, học viện để sinh viên, học viên tự chọn.

TS. Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM) cho rằng tham vọng đưa môn học hạnh phúc vào trường ĐH, học viện ở Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. Bộ GD-ĐT đã phát động trường học hạnh phúc, mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Hạnh phúc của học sinh khi đến trường bắt nguồn từ hạnh phúc của giáo viên.  

Đề xuất đưa môn “Hạnh phúc” vào các trường đại học - 2

Nhiều chuyên gia, diễn giả đồng tình với việc đưa môn khoa học "Hạnh phúc" vào trường ĐH 

3 năm gần đây, TS Phạm Thị Thúy cùng nhóm cộng sự đã tổ chức khóa học An cho giáo viên, khóa gần nhất là đợt hè vừa rồi tại Đà Lạt. Hiệu trưởng nhiều trường học thấy được giá trị này đã mời bà đến nói chuyện về chuyên đề hạnh phúc cho giáo viên.  

Bà Phạm Thị Thúy nêu ý kiến, nếu ngành Giáo dục không kịp thời vào cuộc thì sẽ đi rất chậm, rất xa. Hiện các doanh nghiệp tư nhân, các tập đoàn nước ngoài ở Việt Nam họ rất quan tâm đến vấn đề này.

Họ mời các chuyên gia về nói chuyện, chia sẻ về hạnh phúc cho nhân sự rất nhiều. Họ muốn nhân viên hạnh phúc, chuyển hóa cảm xúc nóng giận, để bình an hơn... Qua đó, xây dựng môi trường làm việc tích cực cực, tăng năng suất lao động. 

Vào tháng 4/2019, tại Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cùng Bộ GD-ĐT phát động "Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc". 
 
Với thông điệp, thầy cô giáo thay đổi để hướng đến một môi trường sư phạm văn minh, thân thiện. Trường học hạnh phúc được tạo nên  bởi các hành vi chuẩn mực, trước hết là của thầy, cô giáo có đạo đức trong sáng, yêu nghề, tận tâm, tận lực. 
 
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh đến 3 tiêu chí để xây dựng trường học hạnh phúc gồm: yêu thương, an toàn, tôn trọng. 
 

Hoài Nam