Đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2020: Phù hợp với thực tế, điểm 8 – 9 sẽ rất ít
(Dân trí) - Nhiều giáo viên nhận định, đề thi Ngữ Văn tốt nghiệp THPT 2020 rất phù hợp với tình hình thực tế trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đề có tính phân loại nên điểm 8 – 9 sẽ rất ít.
Cô giáo Vũ Thị Bình, Trường THPT Trần Phú (Hà Nội): Đề Văn phù hợp với thực tế
Cấu trúc đề thi Ngữ văn năm nay không thay đổi so với kỳ thi THPT Quốc gia 2019, bám sát đề thi minh họa lần 2 năm 2020. Nội dung kiến thức nằm trong khung chương trình đã được tinh giản sau khi điều chỉnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nội dung không gây bất ngờ với học sinh, tập trung vào phần trọng tâm kiến thức cơ bản. Đề thi có cả phần cơ bản và phần nâng cao để phân loại học sinh.
Cụ thể, phần đọc hiểu hay, tư liệu gọn, thiết thực. Các câu hỏi tường minh, học sinh dễ trả lời để đáp ứng yêu cầu của đề. Phần này có 3 câu đầu là câu hỏi nhận biết, câu 4 là câu vận dụng.
Đoạn văn nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ “trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày”. Phần này có ý nghĩa định hướng tư tưởng đúng đắn cho thanh niên trong tình hình thực tế. Đây chính là câu hỏi vận dụng cao.
Câu nghị luận văn học, đề ra vào “tư tưởng Đất Nước của Nhân dân” trong đoạn trích “Đất Nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, có trích dẫn đoạn thơ cụ thể. Ngữ liệu tuy hơi dài nhưng nội dung này rất hay và thiết thực, hầu hết học sinh đều có thể đáp ứng được yêu cầu của đề bài.
Với những học sinh khá giỏi sẽ có “đất” để các em “dụng võ” ở những phần nâng cao khi bàn luận sâu hơn về “tư tưởng Đất Nước của Nhân dân”.
Ý nghĩa thực tế của đề thi: Đề bài rất phù hợp với tình hình thực tế trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, đòi hỏi cao về ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với đất nước, đề cao vai trò của nhân dân với đất nước.
Dự đoán, với nội dung đề thi năm nay, phổ điểm trung bình sẽ dao động từ 6 – 7 điểm, sẽ có nhiều điểm giỏi cho những học sinh có năng lực, đảm bảo đáp ứng 2 tiêu chí: xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng.
Thầy Nguyễn Văn Khoa, Tổ trưởng Tổ Xã hội, Trường THPT Ban Mai, Hà Nội: Điểm 8-9 có thể sẽ ít
Về cấu trúc, đề đảm bảo đúng như cấu trúc đề minh họa bao gồm 2 phần, phần đọc-hiểu gồm 4 câu hỏi có độ khó tăng dận theo mức độ: nhận biết-thông hiểu-vận dụng thấp và vận dụng cao; phần Làm văn vẫn là 1 câu nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn 200 từ bàn về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày và 1 câu nghị luận văn học cảm nhận về một đoạn trích trong bài “Đất nước” có chỉ dẫn “tư tưởng Đất nước của Nhân dân”
Đề thi đã đảm bảo bám sát nội dung đã giảm tải của Bộ GDĐT. Đề ra không mới, vẫn trong ngưỡng an toàn, chưa có sự khác biệt so với các năm trước
Ở phần đọc hiểu, câu 1 hỏi về phương thức biểu đạt: qua ngữ liệu học sinh có thể dễ dàng nhận biết được đó là phương thức nghị luận.
Câu 2 yêu cầu học sinh dựa vào đoạn trích để hỏi về cách sống của loài thực vật ở vùng Tsunoda thuộc Bắc cực. Đây là câu hỏi nhận biết thông thường nên không có tính đánh đố, học sinh dựa vào văn bản là có thể trả lời được.
Câu 3 yêu cầu chỉ ra sự tương đồng về sự sống của các loài thực vật ở hai vùng Tsunoda thuộc Bắc cực và sa mạc Sahara cũng không làm khó được học sinh. Bởi học sinh chỉ cần dựa vào ngữ liệu. Tuy nhiên học sinh khá-giỏi cần phải biết khái quát lại điểm tương đồng chứ không phải chép lại văn bản. Vì vậy ở câu này, học sinh khó đạt điểm tối đa.
Câu 4 chính là câu hỏi vận dụng. Học sinh phải dùng kiến thức và kinh nghiệm của bản thân để trả lời câu hỏi có đồng tình hay không đồng tình và giải thích tại sao? Học sinh có thể trả lời đồng ý hoặc không đồng ý nhưng phải lí giải thuyết phục.
Câu nghị luận văn học ở phần làm văn yêu cầu học sinh viết một đoạn văn 200 từ trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày.
Trong đề này học sinh cần lưu ý, đề chỉ yêu cầu viết một đoạn văn, đặc biệt chỉ nêu ra một vấn đề: sự cần thiết; nghĩa là học sinh phải đưa ra được những lập luận dẫn chứng để chứng minh tác dụng tích cực của việc trân trọng cuộc sống mỗi ngày.
Nếu học sinh không đọc kĩ đề và hiểu câu lệnh sẽ rất dễ nhầm sang viết một bài văn nghị luận xã hội.
Ở đề này học sinh chỉ cần giới thiệu ngắn gọn vấn đề sau đó chỉ ra sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày.
Bên cạnh đó cũng cần phản đề: lên án những người không biết trân trọng cuộc sống, không trân trọng hiện tại và những gì xung quanh, sống ảo tưởng, không mục đích,..sau đó có thể đưa ra bài học về nhận thức và hành động cho bản thân
Trong câu nghị luận văn học là câu hỏi quen thuộc yêu cầu học sinh cảm nhận về đoạn trích trong bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm theo gợi dẫn có sẵn đó là: làm rõ tư tưởng Đất nước của nhân dân.
Để làm được điều này thí sinh cần phải làm rõ hai luận điểm: Nhân dân là người tạo nên lịch sử, xây dựng và bảo vệ Đất nước; nhân dân là người kiến tạo nên những giá trị văn minh về vật chất và tinh thần. Từ hai luận điểm này đi đến kết luận tư tưởng Đất nước của Nhân dân
Tuy nhiên để làm tốt đề này, thí sinh cần lưu ý đến bố cục, tương quan vị trí của đoạn thơ so với các đoạn trước, lưu ý căn chỉnh thời gian cho hợp lí vì ngữ liệu là một đoạn thơ dài.
Phổ điểm dự kiến đa phần sẽ ở mức 5-6.5; điểm 8-9 có những sẽ ít. Với đề này sẽ rất ít học sinh dưới điểm trung bình.