Đề thi THPT quốc gia 2018: Buộc giáo viên, học sinh phải thay đổi cách dạy và học

(Dân trí) - Đề bài thi Khoa học Xã hội THPT quốc gia 2018 cho thấy, giáo viên phải thay đổi cách dạy, không chỉ tập trung kiến thức SGK mà cần liên hệ, mở rộng kiến thức xã hội và thực tế; đồng thời “không chấp nhận” những học sinh học thuộc lòng SGK.

Đề thi THPT quốc gia 2018: Buộc giáo viên, học sinh phải thay đổi cách dạy và học - 1

Môn Lịch sử: “Không chấp nhận” những học sinh học thuộc lòng sách giáo khoa

Đề thi không còn các câu hỏi chỉ yêu cầu học sinh (HS) nhớ các mốc sự kiện như trước đây. Việc này khiến thay đổi cách nhìn của dư luận, của xã hội vốn rất nặng nề, định kiến với môn Sử là môn “học thuộc lòng”, chỉ nhớ sự kiện.

Đề thi có xu hướng không chấp nhận những học sinh chỉ học thuộc lòng sách giáo khoa (SGK) và những giáo viên (GV) chỉ dạy y nguyên SGK vì các lý do sau:

Thứ nhất, đề thi xuất hiện các thuật ngữ lịch sử khi đề cập đến các chiến dịch, các sự kiện, do đó học sinh và GV cần đọc thêm các tư liệu lịch sử, từ điển thuật ngữ lịch sử, GV cần giải thích cho HS các thuật ngữ đó (không đề cập đến trong SGK) trong quá trình giảng dạy, đặc biệt là đối với các HS mong muốn thi vào các khoa khoa học xã hội của các trường đại học tốp cao.

Thứ hai, đề thi đang chuyển dần sang xu hướng học để hiểu, học sự kiện này cần phải liên hệ với giai đoạn trước đó (yếu tố thời gian), đặt các sự kiện trong các bối cảnh chung của tình hình thế giới (yếu tố không gian) theo quan điểm Việt Nam là bộ phận của thế giới. Như vậy, điều này rất cần thiết với các em – những công dân của thời đại mới, trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa.

Học sinh cần học chắc kiến thức về các sự kiện, nắm các điểm chính (từ khóa nổi bật, đại diện) của mỗi giai đoạn, mỗi sự kiện bởi dù không kiểm tra trực tiếp việc ghi nhớ các mốc sự kiện nhưng để làm được, học sinh phải có kiến thức căn bản về sự kiện, đặc biệt là các sự kiện dấu mốc như Cách mạng Tháng 8; Đại hội đảng lần thứ VI; Chiến tranh thế giới…

Các GV đặc biệt lưu ý khi dạy các bài tổng kết chương, tổng kết học kì bởi các bài tổng kết là dịp để hệ thống lại kiến thức xuyên suốt giúp học sinh có cái nhìn toàn diện về cả một giai đoạn dài thay vì chỉ nắm được các kiến thức ở các giai đoạn nhỏ lẻ…

Môn Địa lí không phải là môn học lí thuyết

Đề thi Địa lí 2018 đã nhấn mạnh vào yếu tố thực hành, giảm hẳn ghi nhớ máy móc SGK. Trước đây, Địa lí cũng như những môn xã hội khác thường bị coi là môn học chỉ cần thuộc lòng là có thể đạt điểm cao. Tuy nhiên, với số lượng câu hỏi thực hành đang ngày càng tăng lên trong đề thi Địa lí cho thấy, học sinh còn cần có kĩ năng thực hành Địa lí đặc biệt là kĩ năng sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam. Thậm chí, nếu biết cách khai thác tốt, học sinh còn sử dụng được Atlat để trả lời cả những câu hỏi lí thuyết.

Đề thi không khô khan mà đã khai thác được những vấn đề xã hội: Địa lí là môn học được ứng dụng nhiều trong thực tiễn, tuy nhiên, cách học và cách thi trước đây đã làm cho môn học nặng về lí thuyết. Đề thi 2018 đã khéo léo lồng ghép nhiều vấn đề mang tính thời sự như vấn đề du lịch biển đảo, vấn đề Biển Đông, vấn đề việc làm… làm cho đề thi sát với thực tế, gần gũi với học sinh hơn.

Đây đều là những vấn đề thiết thực, không chỉ kiểm tra kiến thức của học sinh mà còn giáo dục học sinh lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm với bản thân và đất nước, những hiểu biết về các vấn đề xã hội, những thông tin rất cần cho các sinh viên sau này.

Đề thi góp phần làm thay đổi quan niệm của học sinh và giáo viên về bộ môn này. Đề thi cho thấy, học sinh không chỉ học hoàn toàn trong sách giáo khoa, mà còn cần có kiến thức xã hội, không chỉ học thuộc lòng mà phải học để hiểu vấn đề, không học dàn trải mà nên tập trung vào các từ khóa.

Từ đề thi, giáo viên cũng cần thay đổi cách dạy, không chỉ tập trung kiến thức sách giáo khoa mà cần liên hệ, mở rộng kiến thức xã hội và thực tế, không chỉ trang bị kiến thức mà còn phải rèn luyện cho học sinh những kĩ năng cần thiết, thậm chí là những mẹo để ghi nhớ kiến thức tốt hơn và dành tỉ trọng cao hơn cho rèn luyện bài tập.

Giáo dục công dân: Quan sát, chọn lọc thông tin từ cuộc sống hàng ngày

Từ một môn phụ, không được đưa vào các kì thi quan trọng, năm 2017 và năm 2018 môn GDCD đã trở thành 1 môn thi chính thức của bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, đề thi đặt ra các yêu cầu ngày càng hoàn thiện hơn đối với việc đánh giá năng lực của học sinh, nhất là học sinh mong muốn thi vào các trường ĐH nhóm ngành khoa học xã hội uy tín.

Nằm trong xu hướng chung của các môn khoa học xã hội, đề thi GDCD đã giảm các yêu cầu phải ghi nhớ máy móc. Đề thi không còn các câu hỏi yêu cầu thí sinh nhớ các điều luật mà đi vào bản chất, nội dung, thậm chí là từ khóa (đại diện và nổi bật) của các điều luật. Từ đó buộc học sinh phải thay đổi cách học từ việc học thuộc lòng sang hiểu bản chất của vấn đề.

Đề thi tăng số lượng câu hỏi thực tế và đưa nhiều vấn đề thời sự vào đề thi. Việc này làm thay đổi quan điểm của dư luận về môn học này, trước đây người ta quan niệm đây là môn học khô khan. Nhưng đề thi 2018 đã cho thấy tính vận dụng thực tế cao của bộ môn này.

Ngoài ra, với cách ra đề này buộc giáo viên phải thay đổi cách dạy; học sinh phải thay thay đổi tư duy, phương thức tiếp cận đối với môn học. Thay vì trước đây chỉ học lí thuyết, ít vận dụng thực tế, học sinh mong muốn vào được các trường ĐH với điểm cao của môn GDCD thì bắt buộc phải tìm hiểu các vấn đề xã hội, các tình huống hàng ngày trong cuộc sống và vận dụng kiến thức pháp luật.

Mặc dù nhiều câu hỏi trong đề thi có dữ liệu chưa rõ ràng hoặc thiếu tính liên kết với các phương án trả lời hay các phương án lựa chọn gây nhiễu đưa ra trong đề thi chưa thực sự hay, ở một số câu hỏi học sinh có thể loại trừ ngay phương án nhiều sau khi đọc xong đầu bài nhưng rõ ràng đề thi GDCD trong kì thi THPTQG năm 2018 tiếp tục cho thấy đây là một môn học mà học sinh cần phải vận dụng tư duy, áp dụng kiến thức và hiểu biết các vấn đề thời sự xã hội để làm bài.

Do vậy, ngoài việc học ở lớp, tiếp thu kiến thức từ thầy cô, học sinh cần quan sát, chọn lọc và xử lý các thông tin trong cuộc sống hàng ngày từ những tình huống cuộc sống đến thông tin thời sự, báo chí.

Giáo viên Trung tâm Học Mãi