Tâm sự giáo viên:

Đề thi sai sót, chuyện không nhỏ!

(Dân trí) - Đọc bài viết “Băn khoăn Phòng Giáo dục ra đề thi” trên báo Dân trí, tôi rất đồng cảm với cô giáo L.T. về câu chuyện đề thi ở bậc phổ thông hiện nay. Là giáo viên Ngữ văn trung học cơ sở, nhiều lần tôi chứng kiến sai sót lỗi này lỗi kia từ đề thi và cả đáp án.

Và không chỉ một, hai địa phương tồn tại cảnh đề thi sai sót rồi rút kinh nghiệm. Bởi đây là câu chuyện không mới ở giáo dục nước ta. Một vài vụ việc bị đưa lên mặt báo đã phần nào phản ánh sự thiếu cẩn trọng trong công tác ra đề, thẩm định của các cơ sở giáo dục.

Ở địa phương tôi, mỗi mùa thi cử về là giáo viên các bộ môn đều nhận nhiệm vụ ra đề đề xuất nộp về Phòng Giáo dục để  lập ngân hàng đề và đề thi chính thức được chọn lọc trong ngân hàng đề đó. Thú thật, nhiều giáo viên mang tâm lý phòng chẳng bao giờ chọn đề mình gửi lên nên có phần hời hợt trong khâu ra đề đề xuất.

Đề thi liên tục đổi mới về hình thức, nội dung, cách thức ra đề nhưng không phải tất cả đều thẩm thấu tinh thần đổi mới kiểm tra thi cử ấy. Vậy nên mới diễn ra thực trạng đáng buồn khi những sai sót liên tục xảy ra, chẳng hạn kiến thức giảm tải vẫn đưa vào đề, đáp án thiếu chuẩn xác…

Vậy nên tôi rất đồng tình với kiến nghị của cô giáo L.T.: “Nếu là đề thi chung cho toàn huyện, thành phố thì tổ ra đề cần cân nhắc sao cho phù hợp nhất. Những câu hỏi cần phân loại đúng đối tượng học sinh. Câu hỏi và đáp án cần rõ ràng, chính xác, tránh kiểu nói mơ hồ, đánh đố học sinh. Những người ra đề cần phải có chuyên môn vững, kiến thức sâu rộng. Nếu chẳng may bị phản ánh cần chân thành nhận lỗi, rút kinh nghiệm chứ không nên đổ thừa”.

Và tôi cũng băn khoăn rất nhiều về vai trò trách nhiệm của bộ phận thẩm định đề. Ban thẩm định đề đã hoạt động thế nào để tạo nên hiện trạng “dở khóc dở cười” ấy?

Bởi theo tôi biết thì quy trình ra đề thi chung cho các Sở và Phòng GD&ĐT thường khá nghiêm ngặt từ khâu biên soạn đến khâu thẩm định, đánh giá, phản biện đề. Tuy nhiên, không phải lúc nào người biên soạn cũng hoàn thiện đề thi 100% về nội dung và hình thức. Lúc này, vai trò của bộ phận thẩm định đề cực kỳ quan trọng để phát hiện sai sót và chỉnh sửa kịp thời trước khi triển khai thực hiện.

Vậy mà lắm lúc chúng ta phải đặt một dấu chấm hỏi lớn về sự tồn tại của ban thẩm định đề khi những lỗi sai không đáng có lại hiển hiện rõ mười mươi. Nào là bốn đáp án trắc nghiệm chẳng có đáp án đúng, nào là tổng điểm cho đề thi lên đến 10,25 điểm, nào là lỗi chính tả và lỗi dấu câu, nào là “cóp” và “dán” theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” trong đáp án…

Đừng xem nhẹ sai sót trong đề thi! Nó thật sự nguy hại bởi không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập, thi cử của học sinh mà còn tác động xấu đến tâm lý của người học. Tôi đã từng bắt gặp môt nụ cười nửa miệng và ánh mắt bỡn cợt của cậu học sinh lớp 6 khi đề kiểm tra một tiết của mình mắc lỗi chính tả do đánh máy. Giật mình, chột dạ, xấu hổ… Đó là những cảm giác chẳng dễ chịu chút nào bởi niềm tin của học trò vào người thầy bị lung lay phần nào.

Khi các cuộc thi quy mô lớn, quan trọng xảy ra sai sót trong đề thi, khó tránh khỏi sự đánh giá theo chiều hướng tiêu cực từ dư luận xã hội. Và biết đâu đề thi, đề kiểm tra cấp trường, cấp lớp lại càng “lộn xộn” hơn nữa vì lúc này người thầy “n trong một” tự ra đề, tự thẩm định, tự chấm bài, tự trả và sửa bài...

Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận đúng tầm quan trọng của khâu ra đề và thẩm định đề. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của giáo viên trong khâu ra đề; đặt “tâm sáng” của người thầy vào việc kiểm tra đánh giá học sinh; siết chặt hơn nữa quy trình thẩm định, đánh giá, phản biện đề; có giải pháp răn đe cần thiết đối với những trường hợp sai phạm… là việc làm thật sự cấp bách!

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!