Đề thi môn Ngữ Văn: Đề hay, học sinh trung bình cũng đạt 5 điểm

(Dân trí) - Nhận định về đề thi Ngữ văn THPT quốc gia 2017, nhiều giáo viên cho rằng, đề khá hay và có khả năng phân loại học sinh. Từng phần của đề thi đã điều chỉnh để phù hợp với thời gian làm bài.


Đề thi Ngữ Văn THPT quốc gia 2017

Đề thi Ngữ Văn THPT quốc gia 2017

Nguyễn Thanh Liêm - học sinh THPT Việt Đức là thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi trước khi hết 120 phút làm bài. Liêm cho biết: "Đề Văn không khó, bám sát chương trình học. Câu phân tích về "lòng trắc ẩn" chúng em đã được ôn luyện đề tương tự nên không bị làm khó. Câu về bài thơ "Đất nước" cũng không ngoài dự đoán".

Thí sinh Đặng Thuý Ngân chia sẻ: "Phần nghị luận xã hội khá dễ nhưng câu về bài thơ "Đất nước" khá bất ngờ với em nhưng em vẫn làm được. Em làm tốt khoảng 70-80% đề bài. Em cho rằng đề bài khá hay và có tính phân loại".

TS.Trịnh Thu Tuyết – Nguyên giáo viên Ngữ văn – Trường THPT Chu Văn An – Hà Nội nhận định: Từ năm 2017, đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn có sự thay đổi lớn từ cấu trúc, nội dung đến thời gian thi. Không còn một bài thi Ngữ văn thông thường với thời gian làm bài là 180 phút, đề thi năm 2017 chỉ có thời gian làm bài là 120 phút với hai phần là Đọc hiểu và Làm văn. Từng phần của đề thi cũng có sự điều chỉnh để phù hợp với thời gian làm bài.

Cụ thể:

- Phần Đọc hiểu: Không còn tám câu hỏi nhỏ với chia đều cho hai ngữ liệu. Đề thi Ngữ văn năm 2017 chỉ gồm 1 ngữ liệu đi kèm 4 câu hỏi nhỏ với các cấp độ nhận thức Nhận biết – Thông hiểu – Vận dụng. Ngữ liệu nằm ngoài/trong chương trình sách giáo khoa.

Câu 1 chỉ dừng lại ở việc kiểm tra học sinh ở mức độ Nhận biết – nhớ kiến thức tiếng Việt với câu hỏi cụ thể về phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Học sinh sẽ hoàn thành yêu cầu của đề rất dễ dàng.

Riêng câu 2 với yêu cầu giải thích khái niệm thấu cảm, dường như đề đã chạm tới mức độ thông hiểu theo tiêu chí thông thường của các câu hỏi đọc hiểu.

Tuy nhiên, có thể thấy, câu hỏi hai thực chất học sinh chỉ cần chép lại những ý cơ bản trong phần một của đoạn trích, và gần như không cần sự sáng tạo. Đó là nguyên nhân khiến tiêu chí về sự thông hiểu bị hạn chế.

Mức độ suy luận của thí sinh ở câu 3 không cần huy động nhiều hơn so với câu hai bởi thực chất, để nhận xét về “hành vi của đứa trẻ ba tuổi, cô gái có bạn bị ốm, cậu bé Bồ Đào Nha được nhắc đến trong đoạn trích”, thí sinh chỉ cần quay trở lại câu mở đoạn “Thấu cảm xảy ra trong từng khoảnh khắc của cuộc sống”, và chỉ cần thêm bớt một vài ý kiến cá nhân trên cơ sở nhận định của câu mở đoạn.

Câu hỏi duy nhất đòi hỏi tư duy, trải nghiệm, sự suy ngẫm và “thấu cảm” của thí sinh chính là câu bốn, đây là câu hỏi có thể coi đã đạt tới mục đích của Vận dung – Vận dụng cao theo tiêu chí của bài Đọc hiểu. Tuy nhiên, tần suất tư duy cho một phần Đọc hiểu như vậy là hơi “khiêm tốn” trong một đề thi quốc gia.

Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội đảm bảo đúng mối quan hệ hữu cơ với phần Đọc hiểu theo cấu trúc các đề minh hoạ, thử nghiệm, tham khảo của Bộ trước đây. Trong đó, việc lựa chọn ngữ liệu Đọc hiểu cùng một vài ý trong các câu hỏi Đọc hiểu đã giúp thí sinh phần nào xác định được nội dung, chủ đề và hướng triển khai trong câu viết đoạn văn nghị luận xã hội.

Vấn đề về sự “thấu cảm” vừa là vấn đề muôn đời trong cuộc sống nhân sinh, thế sự, vừa là điều có thể chạm tới phần nào thực tế bức bối của cách sống vô cảm khá phổ biến hiện nay. Trong khá nhiều những vấn đề của cuộc sống thời hiện tại, có lẽ sự “thấu cảm” cũng là điều nên nói.

Điều đáng ghi nhận đầu tiên ở câu NLVH chính là việc lựa chọn đoạn thơ cảm nhận trong 1 đoạn trích dài 90 câu – đoạn thơ đã giúp người đọc – học trò…có những cảm nhận khá đầy đủ về Đất nước: đất nước được đặt trong chiều dài “đằng đẵng” của thời gian lịch sử, được đặt trong chiều rộng “mênh mông” của không gian địa lí, trong chiều sâu, bề dày của văn hóa, phong tục…

Từ 3 bình diện ấy, đất nước đem đến những cảm nhận vừa bình dị, gần gũi với cuộc sống nhân dân, vừa thiêng liêng, cao cả hướng tới những khái niệm về cội nguồn về nhân dân, đất nước. Sau những cảm nhận bình dị và thiêng liêng ấy, đoạn thơ cũng đã đề cập đến trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với đất nước; và toàn bộ đoạn thơ 20 câu đã hướng tới thể hiện tư tưởng chủ đạo của đoạn trích – tư tưởng “đất nước của nhân dân”.

"Nếu cần nói thêm về câu nghị luận văn học thì có lẽ là một chút băn khoăn: câu lệnh đưa ra hai yêu cầu cảm nhận về đoạn thơ và bình luận quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm – đây là hai yêu cầu thực ra không thể tách rời trong quá trình làm bài, triển khai luận điểm của học trò, và yêu cầu “bình luận về quan niệm đất nước của Nguyễn Khoa Điềm” nên cụ thể hóa để hướng tới tư tưởng “đất nước của nhân dân” và nhập vào trong yêu cầu cảm nhận" - TS Tuyết cho hay.

Học sinh trung bình dễ dàng đạt điểm 5

Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy Văn, thầy Đặng Ngọc Khương đề Văn THPT quốc gia 2017 khá hay và có khả năng phân loại học sinh.

Nội dung kiến thức của đề bám sát với bám sát phương án thi đã được Bộ GD&ĐT công bố trước đó. Cấu trúc đề và biểu điểm cho từng phần không có gì thay đổi.

Phần I - Đọc hiểu có ngữ liệu hay, vừa có tính thẩm mĩ vừa có ý nghĩa giáo dục, đủ nội dung thông tin và chiều sâu triết lí để học sinh có thể khai thác, cảm nhận và bình luận.

Chủ đề đoạn trích nói về sự thấu cảm và lòng trắc ẩn của con người. Sự thấu cảm chính là nguồn gốc của lòng trắc ẩn. Trong cuộc sống hiện đại, khi những giá trị vật chất được đề cao, khi cái tôi cá nhân được xếp ở vị trí tối thượng, khi sự vô cảm có dấu hiệu lan tràn như một thứ “dịch bệnh” thì việc đề cao sự thấu cảm và lòng trắc ẩn là điều rất cần thiết.

Hệ thống câu hỏi đọc hiểu vừa sức. Câu 1, 2 thuộc dạng câu hỏi nhận biết, hỏi về phương thức biểu đạt (phương thức nghị luận) và ý nghĩa của từ thấu cảm theo cách hiểu của tác giả (câu trả lời có ngay trong ngữ liệu), tạo điều kiện học sinh đạt điểm tối đa. Câu 3, câu 4 là câu hỏi vận dụng nhưng đòi hỏi không quá cao, yêu cầu đưa ra rất rõ, đáp án theo hướng mở giúp học sinh có thể linh hoạt trong việc trả lời.

Phần II - Làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh trình bày về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống. Đây là một chủ đề nghị luận có ý nghĩa thiết thực. Để làm tốt đề này, học sinh phải hiểu rõ ý nghĩa của từ “thấu cảm” (thấu hiểu và cảm thông/thấu hiểu để cảm thông) từ đó biết cách phân tích, chứng minh và bình luận mở rộng vấn đề.

Từ “thấu cảm” gần nghĩa với “đồng cảm” nhưng sắc thái ý nghĩa của nó mạnh hơn “đồng cảm”. Có “thấu cảm” thì mới có “đồng cảm” và từ đó mới có sự động viên, sẻ chia và thậm chí là cả sự bao dung, tha thứ. Có “thấu cảm” con người sẽ nảy sinh lòng “trắc ẩn”, từ đó biết yêu thương và sống nhân ái với cuộc đời. Có “thấu cảm” con người sẽ tránh được lối sống thờ ơ, vô tâm, ích kỉ.

Câu nghị luận văn học thuộc dạng đề cơ bản. Cụ thể, đề yêu cầu cảm nhận về đoạn thơ “định nghĩa về Đất Nước – Đất Nước là gì?” và bình luận quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.

Thầy Đặng Ngọc Khương cho rằng, đa số học sinh sẽ không gặp khó khăn nếu đã nắm vững những kiến thức cơ bản về bài thơ Đất Nước. Đoạn thơ có độ dài vừa phải (20 câu) và được trích dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khai thác. Câu lệnh tách riêng làm 2 vế nên 2 yêu cầu: cảm nhận và bình luận, giúp học sinh định hình được những nội dung lớn của bài làm.

Ở phần cảm nhận, học sinh phải làm nổi bật được vẻ đẹp của đất nước qua việc phân tích những định nghĩa về đất nước ở của nhà thơ ở hai phương diện: không gian địa lý và thời gian lịch sử. Ở phần bình luận, phải khẳng định được quan niệm về đất nước của nhà thơ là quan niệm mới mẻ. Nhà thơ đã đem đến cho người đọc một hình ảnh đất nước hiện lên qua đọan thơ vừa gần gũi - cụ thể, vừa thiêng liêng - khái quát...

“Nhìn chung, đề thi Ngữ văn 2017 đáp ứng được yêu cầu của kì thi Tốt nghiệp THPT quốc gia. Đối với học sinh khá, giỏi thì đây sẽ là một đề thi hay, là cơ hội để các em thể hiện kiến thức và kỹ năng. Còn đối với những học sinh trung bình thì việc đạt được điểm 5 cũng cũng không quá khó”, thầy Khương đánh giá.

Nhóm PV