Đề thi Khoa học xã hội: Học thực chất mới làm được bài thi

(Dân trí) - Lần đầu tiên Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức trắc nghiệm, lần đầu tiên Giáo dục công dân trở thành môn thi tốt nghiệp THPT, lần đầu tiên tổ hợp KHXH được đông đảo học sinh lựa chọn. Đây là những yếu tố làm cho đề thi tổ hợp KHXH được giáo viên bộ môn hết sức mong đợi.


Cô giáo Lê Thị Mỹ Dung

Cô giáo Lê Thị Mỹ Dung

Cô giáo Lê Thị Mỹ Dung, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội: “Học sinh buộc phải học thực sự”

Đề thi Lịch sử năm nay ra rất cơ bản, khoa học và bảo quát toàn bộ chương trình Sách giáo khoa lớp 12 phù hợp với nội dung học của thí sinh.

Đề có sự phân hóa cao, cụ thể ở mã đề 319, từ câu 1 đến câu 24 ở 2 mức độ nhận biết, thông hiểu, phù hợp với các học sinh có học lực trung bình khá và có mục tiêu chỉ xét tốt nghiệp THPT. Với đề ra như vậy, các em sẽ dễ dàng đạt được mức 5 điểm. Từ câu 25 đến câu 40, mức độ phân hóa tăng dần, dành cho đối tượng học sinh khá, giỏi. Đặc biệt những câu cuối dành cho học sinh giỏi với tiêu chí là xét tuyển đại học ở bộ môn này.

Cơ bản, đề thi này đã phân loại và đánh giá đúng năng lực học sinh. Những vấn đề đề bao quát đã chuyển tải được nội dung, tính giáo dục và định hướng cho thí sinh.

Ở những câu hỏi 39, 40 ở các mã đề, để đạt được điểm cao tuyệt đối học sinh phải hiểu biết kiến thức rất sâu mới có thể giải quyết được.

Đối với hình thức thi trắc nghiệm dành cho bộ môn Lịch sử, sau nhiều năm giảng dạy với hình thức thi truyền thống là thi tự luận, tôi nhận thấy tính tích cực chính là học sinh buộc phải học hết kiến thức và không thể học tủ, học lệch để có thể giải quyết được bài thi này. Với cách ra đề thi hiện nay, các thí sinh buộc phải học thật sự mới có thể làm bài tốt.

Hình thức thi trắc nghiệm cũng giúp học sinh học bộ môn Lịch sử hào hứng hơn và tích cực hơn, không còn thấy nặng nề, nhàm chán, khả năng mở rộng liên hệ trong bài giảng của các thầy cô cũng sẽ linh hoạt hơn bởi cùng một vấn đề nhưng đề thi trắc nghiệm có thể hỏi được rất nhiều khía cạnh, linh hoạt và đa dạng.

Với cách ra đề và thể thức thi trắc nghiệm như bây giờ, giáo viên cần phải đổi mới, tìm tòi, sáng tạo hơn trong bài giảng để đáp ứng được yêu cầu dạy học phù hợp với năng lực của học sinh.


Cô giáo Mai Thị Thủy

Cô giáo Mai Thị Thủy

Cô giáo Mai Thị Thủy, Giáo viên môn Địa lý Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam: “Đề hay, vừa sức học sinh và có tính phân hóa cao”

Theo tôi, đề thi vừa sức với học sinh, câu hỏi rõ ràng chính xác, bám sát CT SGK lớp 12. Với đề lần này, 80% học sinh đạt được trên điểm trung bình, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT

Tính phân hóa của đề rất tốt, câu hỏi phân hóa rõ ràng, có một số câu ở mức độ khó giúp phân loại trình độ học sinh để đáp ứng mục tiêu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.

Thi trắc nghiệm khách quan như năm nay có ưu điểm là đề bao quát hết được chương trình, tránh được học sinh học tủ, sử dụng tài liệu trong phòng thi

Cấu trúc, nội dung và mức độ khó của đề tương thích với đề minh họa Bộ đã đưa ra từ trước, giúp cho các em được chuẩn bị kỹ kiến thức, kỹ năng trong quá trình ôn tập ở trường. Điều này rất quan trọng, giúp các em học sinh có tâm lý thoải mái khi làm bài trong kỳ thi chính thức.

Đề đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức SGK và cũng đòi hỏi các em kỹ năng vận dụng kiến thức thực tế và kỹ năng thực hành, đặc biệt là kỹ năng sử dụng Atlat. Trong đề có nhiều câu yêu cầu dựa vào Atlat để trả lời, cũng có những câu không yêu cầu dùng Atlat nhưng nếu học sinh không nhớ được kiến thức trong SGK vẫn có thể dùng Atlat để tìm được câu trả lời.

Nội dung các câu hỏi phong phú, có 5 câu về bảng số liệu và biểu đồ. Những câu hỏi này đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng phân tích, nhận xét biểu đồ, bảng biểu để chọn được đáp án đúng, hoặc yêu cầu học sinh dựa vào bảng số liệu để chọn dạng biểu đồ… Có cả phần câu hỏi về địa lý tự nhiên và câu hỏi về địa lý kinh tế - xã hội, nhiều câu hỏi đề cập kiến thức về biển, đảo và vấn đề bảo vệ môi trường.

Theo tôi, phổ điểm chủ yếu sẽ rơi vào 6, 7. Những học sinh nào nắm vững và vận dụng kiến thức và kỹ năng thực hành tốt sẽ đạt được trên 9 điểm.


Cô giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt, giáo viên Giáo dục công dân Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông): “Đề thi bao quát được rộng rãi kiến thức thực tiễn”

Theo tôi, cấu trúc đề thi năm nay đảm bảo theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, sát với các đề minh họa đã công bố. Về nội dung kiến thức, bám sát kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, phổ đều tất cả các bài trong chương trình Giáo dục công dân. Nếu nắm được kiến thức cơ bản, học sinh hoàn toàn có thể làm bài được 6 - 7 điểm.

Ở đề này, 24 câu đầu là nhận biết và thông hiểu, học sinh nếu nắm kiến thức cơ bản có thể đọc đề và nhanh chóng có đáp án ngay.

Đề thi có nhiều tình huống hay, có tính thực tiễn cao. Ví dụ như mã đề 316, từ câu 117 đến 120 là những câu vận với những tình huống rất thực tế trong cuộc sống, cũng là câu có tác dụng phân hóa. Để làm được những câu hỏi này, học sinh ngoài kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, cần vận dụng những kiến thức đó trong thực tế mới có đáp án đúng.

Tuy nhiên, những tình huống đưa ra ở trong các câu nói trên có độ phức tạp nhất định, có từ ngữ “đánh lừa” học sinh. Do đó, trên cơ sở kiến thức đã nắm vững, các em phải đọc thật kĩ để phân tích được chuẩn tình huống mới đưa ra chuẩn đáp án.

Tôi cho rằng, việc đưa Giáo dục công dân vào thi là hợp lí vì đây là bộ môn giúp học sinh có những kiến thức cơ bản, thiết yếu trong cuộc sống. Cách thức thi trắc nghiệm cũng là phù hợp, vì có tính phổ quát kiến thức rộng. Một đề thi, ngoài các kiến thức trong chương trình học còn có thể bao quát được rộng rãi các nội dung kiến thức thực tiễn.

Nhóm PV