Đề tham khảo THPT quốc gia môn Hóa sai sót, thầy trò lo lắng

(Dân trí) - Thầy Nguyễn Đình Độ, Phó hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân (TPHCM) chia sẻ đề tham khảo môn Hóa học mà Bộ GD-ĐT mới công bố có tính phân hóa tốt, đủ các mức độ để xét tuyển vào các trường khác nhau và bám sát nội dung chương trình 12. Đáng tiếc có một sai sót đã "phá hỏng" đề thi này.

Là một người có chuyên môn về Hóa học lâu năm, thầy Độ cho rằng trong thi trắc nghiệm, một câu không thể có cùng lúc 2 đáp án đúng được, thế nhưng câu 74 của đề tham khảo lại rơi vào trường hợp này.

Câu 74. Hỗn hợp E gồm chất X (C3H10N2O4) và chất Y (C3H12N2O3). Chất X là muối của a xít hữu cơ đa chức, chất Y là muối của một a xít vô cơ. Cho 2,62 gr E tác dụng với dung dịch NaOH dư, đun nóng, thu được 0,04 mol hỗn hợp hai khí (có tỷ lệ mol 1 : 3) và dung dịch chứa m gr muối. Giá trị của m là

A.2,40. B.2,54. C.3,46. D.2,26

Câu hỏi này có lời giải như sau:

Có 2 khả năng với E:

Đề tham khảo THPT quốc gia môn Hóa sai sót, thầy trò lo lắng - 1

Như vậy bài toán đã cho có 2 phương án trả lời đều đúng. Đây là sai sót đáng tiếc ở một câu được cho là khá hay trong đề này. Thầy Độ cho rằng, để chọn một phương án duy nhất, đề nên cho như sau: “thu được 0,04 mol hỗn hợp hai khí Z, T (MZ < MT; nZ : nT = 1 : 3)...” để chọn phương án trả lời đúng là 2,40. Hoặc cho “thu được 0,04 mol hỗn hợp hai khí Z, T (MZ > MT; nZ : nT = 1 : 3)...” để có phương án trả lời đúng là 2,54.

Thí sinh TPHCM thi thử trước kỳ thi THPT quốc gia 2017
Thí sinh TPHCM thi thử trước kỳ thi THPT quốc gia 2017

Thầy Nguyễn Đình Độ cũng tỏ ra lo lắng, nếu đề thi của một kỳ thi cấp quốc gia mà xảy ra sai sót tương tự như trên là điều không nên, bởi nó sẽ ảnh hưởng kết quả của học sinh. Do đó, ông kiến nghị rằng: “Sau kỳ thi chính thức vào tháng 6 tới, Bộ nên công khai đề thi các môn trắc nghiệm để mọi người còn biết được mức độ khó dễ, đúng sai. Trước đó có nghe Bộ dự kiến chỉ công khai 2 môn thi cuối cùng thuộc 2 tổ hợp KHTN và KHXH là Sinh và GDCD, thế thì giả sử có những sai sót trong đề tương tự như trường hợp đề tham khảo vừa rồi và cuối cùng người thiệt thòi sẽ là học sinh mà không hay biết”.

Chia sẻ điều này, em Ngọc Hà, học sinh lớp 12 trường THPT Nhân Việt cũng băn khoăn: “Mỗi môn trắc nghiệm có đến 24 mã đề, nếu lỡ em làm đề có câu bị sai mà 23 bạn khác không bị sai thì có phải em chịu thiệt không? Chưa kể, làm sao biết được 24 đề này có độ khó ngang nhau hay không? Học sinh chúng em thi để xét tuyển vào ĐH, lỡ trúng đề sai mất 0,25 hay 0,5 điểm thì trượt oan khỏi trường mình thích thì phải làm sao”.

Lê Phương (ghi)