Đề Sử THPT quốc gia: Dễ dàng đạt 5 - 6 điểm nhưng điểm tuyệt đối sẽ ít

(Dân trí) - Nhận xét về đề thi môn Lịch sử trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, nhiều giáo viên cho rằng, từ câu 1-24, chủ yếu ở hai mức độ là nhận biết và thông hiểu, dành cho học sinh có học lực trung bình, trung bình khá, có tiêu chí chỉ xét tốt nghiệp THPT và dễ dàng đạt từ 5-6 điểm nhưng điểm tuyệt đối rất ít vì nhiều câu hỏi khó phân loại học sinh.


Đề lịch sử bám sát mục tiêu dùng dữ liệu để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Đề lịch sử bám sát mục tiêu dùng dữ liệu để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Cô giáo Lê Thị Mỹ Dung - giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội): “Đề phân hóa rất tốt”

Là giáo viên bộ môn, tôi lo lắng vì không biết mức độ khó của đề như thế nào, vì xuất hiện kiến thức cơ bản lớp 11. Nhưng khi quan sát đề, cảm giác đó mất đi.

Trong 40 câu có 8 câu là kiến thức lớp 11, đều là phần kiến thức cơ bản và học sinh đã được thầy cô ôn luyện nhiều; còn lại 32 câu trải đều ở toàn bộ các giai đoạn lịch sử của chương trình Lịch sử thế giới và Việt Nam ở lớp 12.

Đây cũng là những kiến thức rất trọng tâm của chương trình Lịch sử 12 và học sinh đã được chuẩn bị tâm thế rất kĩ với dạng câu hỏi như thế này. Vì vậy, theo quan điểm cá nhân tôi, học sinh sẽ làm tốt.

Với việc lần đầu tiên học sinh phải thi cả phần kiến thức lớp 11 trong đề thi, bắt buộc học sinh phải học thật sự, có thái độ nghiêm túc với bộ môn mới có thể làm tốt được bài. Vì với thể thức ra đề như hiện nay, học sinh phải biết khái quát kiến thức một cách cơ bản và có hệ thống, không thể học lệch, học tủ.

Đề thi năm nay, học sinh chỉ cần hiểu bản chất các sự kiện lịch sử, các vấn đề lịch sử mà không cần phải ghi nhớ một cách máy móc các ngày tháng, mốc thời gian là đã có thể làm tốt bài thi.

Với ma trận đề năm nay, từ câu 1-24, chủ yếu ở hai mức độ là nhận biết và thông hiểu, dành cho học sinh có học lực trung bình, trung bình khá, có tiêu chí chỉ xét tốt nghiệp THPT. Theo quan điểm của tôi, học sinh dễ dàng đạt từ 5-6 điểm.

Từ câu 25-40, mức độ khó tăng dần, dành cho học sinh có học lực khá giỏi; đặc biệt 4 câu cuối dành cho học sinh giỏi, có tiêu chí xét tuyển đại học. Phổ điểm chủ yếu là điểm 6-7.

Để đạt điểm tuyệt đối, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức lịch sử sâu, rộng, biết vận dụng, liên hệ tốt.

Với cách ra đề như năm nay, tôi đánh giá tích cực về đề, về cơ bản có sự phân hóa rất tốt; đã chuyển tải được nội dung cơ bản, định hướng được học sinh và đáp ứng được mục tiêu giáo dục phát triển năng lực.

Ở góc độ bộ môn, là giáo viên trực tiếp giảng dạy, tôi thấy với cách thi hiện nay, đây là một tín hiệu vui, đó là Bộ GD&ĐT đang dần trả lại vị thế cho bộ môn Lịch sử, nhất là trong xu thế hiện nay.

Cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền - giáo viên Trường THPT Việt Đức (Hà Nội): Đề thi không yêu cầu học sinh ghi nhớ máy móc

Đề bám sát mục tiêu dùng dữ liệu để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Cấu trúc đề theo ma trận của đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, tức có 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao. Điểm mới năm nay là có phần kiến thức Lịch sử 11, chiếm 20% nội dung đề thi.

Về chuẩn kiến thức, kĩ năng: Ở phần kiến thức lớp 11 (8 câu), các câu hỏi đều hỏi về kiến thức trọng tâm, cơ bản. Ví dụ câu 1 về phong trào cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX; câu 35 về cách mạng tháng 10 Nga… Do đó học sinh sẽ làm tốt các câu này.

32 câu còn lại (kiến thức Lịch sử 12), chiếm 80%, kiến thức rải đều các giai đoạn lịch sử, bao phủ toàn bộ chương trình lịch sử 12. Các câu hỏi thiết kế rất hay, theo 4 cấp độ nhận thức của học sinh (nhận biết, hiểu, vận dụng, vận dụng cao).

Câu hỏi trong đề thi thường sắp xếp từ dễ đến khó, càng về cuối càng phân hóa. Do đó, thí sinh nên làm bài tuần tự.

Tương quan kiến thức lịch sử Việt Nam và thế giới trong sách giáo khoa là 7/3, thì ở đề thi, nội dung câu hỏi về lịch sử Việt Nam và thế giới cũng tương đương như vậy.

Theo tôi, đây là đề khá hay, không yêu cầu học sinh ghi nhớ máy móc, định hướng được công tác giảng dạy môn Lịch sử trong trường THPT.

Thái Bình