Đề nghị Thủ tướng thành lập tiểu ban chuyên trách về xây dựng Xã hội học tập

(Dân trí) - Đề nghị Thủ tướng cho phép thành lập tiểu ban chuyên trách về xây dựng XHHT thuộc Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào để duy trì công tác chỉ đạo của các Ban Chỉ đạo xây dựng XHHT ở các địa phương.

Đó là đề nghị của Bộ GD&ĐT tại hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Đề án xây dựng Xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020 ngày 13/1/2016.

Ông Nguyễn Công Hinh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT cho biết, sau 03 năm triển khai Đề án, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như nhận thức của cán bộ và người dân về ý nghĩa của Học tập suốt đời (HTSĐ) và xây dựng Xã hội học tập (XHHT) đã chuyển biến tích cực. Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức trong quá trình xây dựng XHHT được tăng cường và hiệu quả.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã ban hành các văn bản để chỉ đạo thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng XHHT; xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Đề án và đưa vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương để triển khai thực hiện.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nói chung và cơ sở GDTX nói riêng được củng cố và phát triển, đặc biệt là mạng lưới các TTHTCĐ phát triển mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu học tập của mọi lứa tuổi, góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động. Các thiết chế văn hóa, các phương tiện thông tiên đại chúng đã từng bước tham gia cung ứng giáo dục.

Đề nghị Thủ tướng thành lập tiểu ban chuyên trách về xây dựng Xã hội học tập - 1

Về phần của Hội Khuyến học Việt Nam đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”; phối hợp với Bộ GDĐT xây dựng Bộ Tiêu chí đánh giá, công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” ở cơ sở thuộc cấp xã quản lý và tổ chức triển khai thí điểm tại một số địa phương, trên cơ sở đó hoàn thiện và ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, công nhận các danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”;

Tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm triển khai Đề án “Đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”; Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua Dự án công nghệ thông tin (Bill&Melinda) và công tác thư viện (Mạng internet của thư viện Bưu điện văn hóa xã), thông qua Báo khuyến học, Dân trí, Báo điện tử Dân trí, Web Hội Khuyến học; Gắn kết chặt chẽ với ngành giáo dục tổ chức nhiều hoạt động về XHHT như: Tuần lễ hưởng ứng HTSĐ; Đẩy mạnh hoạt động các TTHTCĐ.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm đến xây dựng XHTT; thiếu cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, các tổ chức, các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Đề án. Việc huy động các nguồn lực của xã hội tham gia xây dựng XHHT còn hạn chế. Việc điều tra số người mù chữ và việc vận động người dân tham gia lớp học xóa mù và duy trì sĩ số lớp học rất khó khăn, tỷ lệ huy động ra lớp thấp.

Nhiều tỉnh chưa bố trí được nguồn kinh phí thực hiện Đề án mà hoạt động chủ yếu là lồng ghép vào các chương trình, dự án và nguồn ngân sách chi thường xuyên của các cơ quan đơn vị nên việc triển khai các biện pháp hỗ trợ người học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả Học tập suốt đời còn hạn chế…

Khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Bộ GD&ĐT đề nghị Thủ tướng cho phép thành lập tiểu ban chuyên trách về xây dựng XHHT thuộc Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo (Quyết định số 764/QĐ-TTg ngày 26/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ) để duy trì công tác chỉ đạo của các Ban Chỉ đạo xây dựng XHHT ở các địa phương.

Bộ Nội vụ tiếp tục xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức đến năm 2020.

Đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan có văn bản quy định, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động của ngành tham gia tích cực học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu và vị trí việc làm (Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ GDĐT đã có văn bản quy định về bồi dưỡng cán bộ, công chức).

Đề nghị các địa phương tiếp tục duy trì và phát huy vai trò của Ban chỉ đạo xây dựng XHHT các cấp.

Hồng Hạnh