Để học đại học bằng tiếng Anh thật sự hiệu quả

(Dân trí) - Sức hấp dẫn của các chương trình đào tạo đại học bằng tiếng Anh (thường được gọi là chương trình cử nhân chất lượng cao) của các đại học Việt đang ngày càng lớn. Song làm sao để việc học và dạy thực sự có hiệu quả là thách thức với nhiều đơn vị đào tạo và sinh viên Việt Nam.

Gia tăng về lượng

Với điểm trung bình tiếng Anh học phổ thông ở Thái Nguyên đạt hơn 8,0, Trần Thu Hà chưa thực sự tự tin với vốn từ vựng, kĩ năng nghe và nói của mình khi đặt bút đăng ký xét tuyển vào ngành cử nhân Phân tích dữ liệu kinh doanh đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh ở Khoa Quốc tế - ĐHQGHN. Thế nhưng, khi được tin trúng tuyển, Hà vẫn quyết định sẽ nhập học ngành này, với mong muốn khi tốt nghiệp cô sẽ sở hữu một tấm “bằng kép” về cả kiến thức chuyên ngành và vốn tiếng Anh hiệu quả, để có cơ hội tìm việc làm tốt hơn.

Ở Việt Nam, hiện có hơn 20 trường áp dụng giảng dạy đại học bằng tiếng Anh trong nhiều lĩnh vực, ngành học khác nhau. Chỉ tiêu tuyển sinh các chương trình cử nhân bằng tiếng Anh trong năm 2019 của ĐHQGHN lên tới trên 2.700 sinh viên. Riêng tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN, đã có hơn 700 sinh viên như Thu Hà nhập học các chương trình cử nhân đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh trong năm 2019, mức cao nhất từ trước đến nay.

Việc lựa chọn học đại học bằng tiếng Anh ngày càng nhiều khiến cho nhiều trường đại học Việt Nam bắt đầu áp dụng tuyển sinh đại học bằng cách kết hợp xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và điểm thi THPT quốc gia hoặc học bạ THPT từ năm 2019, mở đường cho xu hướng “du học tại chỗ” với đại học Việt ngày càng mạnh mẽ.

Để học đại học bằng tiếng Anh thật sự hiệu quả - 1

Hội thảo quốc tế “Sử dụng tiếng Anh như phương tiện trong giảng dạy và nghiên cứu: Cơ hội và thách thức tại các quốc gia Châu Á" thu hút được sự quan tâm của đông đảo giảng viên.

“Chất” chưa đồng đều

Mặc dù số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng lên mỗi năm, tỉ lệ các thí sinh đã đạt đủ trình độ tiếng Anh yêu cầu (tương đương IELTS 5.0 đến 6.0) ngay sau khi tốt nghiệp THPT chưa có sự gia tăng đột biến. “Tỉ lệ tân sinh viên vào thẳng các chương trình cử nhân đào tạo bằng tiếng Anh tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN thường ở mức dưới 10% tổng số thí sinh. Đại đa số thí sinh vẫn cần học dự bị tiếng Anh tại Khoa với vốn tiếng Anh han chế ở bậc phổ thông” – TS. Nguyễn Trung Hiển, Thư ký Hội đồng Tuyển sinh Khoa Quốc tế - ĐHQGHN cho biết. Đây dường như cũng là thực trạng chung tại các đơn vị đại học triển khai giảng dạy bằng tiếng Anh.

Nhưng ngay cả câu chuyện học bổ sung tiếng Anh cũng không đơn giản. Theo ThS. Nguyễn Thị Tố Hoa, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Đào tạo dự bị Khoa Quốc tế - ĐHQGHN, để đủ trình độ tiếng Anh theo học đại học bằng tiếng Anh trong khoảng thời gian đã định, các sinh viên cần phải rất nỗ lực. “Sau khi tốt nghiệp THPT, các em có trình độ tiếng Anh rất khác nhau, nên có em sẽ cần học bổ sung nhiều hơn em khác. Ở cùng một cấp độ, có sinh viên mạnh về kĩ năng này nhưng yếu hơn về kĩ năng khác.” - cô Hoa nói.

Giảng dạy bằng tiếng Anh còn đặt ra một bài toán khác về chất lượng giảng viên. Tại Hội thảo quốc tế “Moving Forward in EMI: Challenges and Prospects in Asian Countries” vừa tổ chức cuối tháng 8 tại ĐHQGHN, TS. Vũ Thị Thanh Nhã, Chủ nhiệm Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN cho biết: “Dùng tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy không chỉ là sự thay đổi về ngôn ngữ mà là thay đổi toàn bộ quan điểm giảng dạy, kiểm tra đánh giá sinh viên. Nếu không đồng bộ thì việc giảng dạy của giảng viên cũng gặp nhiều hạn chế”.

Để học đại học bằng tiếng Anh thật sự hiệu quả - 2
Sinh viên Khoa Quốc tế - ĐHQGHN chia sẻ về việc học tiếng Anh tại tuần lễ hội nhập dành cho tân sinh viên.

“Quốc tế hóa” là chìa khóa

Đối với Khoa Quốc tế - ĐHQGHN, chìa khóa để giải những vấn đề trên chính là quốc tế hóa qua việc tăng cường thu hút sinh viên và giảng viên quốc tế đến học tập và làm việc tại Khoa. Đặc biệt, để củng cố chất lượng giảng dạy, bên cạnh tăng cường thu hút giảng viên quốc tế chất lượng cao từ các trường đại học đối tác và ở Việt Nam, từ năm 2016, Khoa Quốc tế cũng là đơn vị tiên phong và đầu tiên trong ĐHQGHN triển khai chương trình thu hút học giả,trong đó nhiều giáo sư ở nước ngoài tham gia vào công tác, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại Khoa.

Để học đại học bằng tiếng Anh thật sự hiệu quả - 3
Sinh viên Khoa Quốc tế - ĐHQGHN trình bày bảo về đề tài nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh năm 2019

Giải pháp tăng cường giao lưu sinh viên quốc tế cũng được chú trọng và đẩy mạnh ở Khoa Quốc tế - ĐHQGHN và các đơn vị, mang lại không khí học tập, giao lưu trao đổi quốc tế sôi động trong sinh viên.

“Với việc tạo ra môi trường sử dụng tiếng Anh trong học tập và sinh hoạt, Khoa luôn đảm bảo được năng lực tiếng Anh của sinh viên để các em tự tin tiếp cận nguồn tri thức khổng lồ của nhân loại”. - TS. Nguyễn Quang Thuận, Phó Chủ nhiệm Khoa Quốc tế - ĐHQGHN nói.

Khánh Hạ