Để giáo viên Lịch sử không “tụt hậu“

Việc tiếp cận Internet một cách hợp lí, trên cơ sở chọn lọc nguồn tài nguyên phù hợp sẽ đem đến những điều kiện thuận lợi phục vụ tốt yêu cầu tự học, tự nghiên cứu của giáo viên Lịch sử, giúp giáo viên không bị tụt hậu và kịp thời nắm bắt tri thức nhân loại.

Nhiều lợi ích bất ngờ từ Internet

Thầy Nguyễn Quốc Toàn (Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, Tây Ninh) cho biết: Internet đã đem đến cho những người nghiên cứu Lịch sử một nguồn tư liệu khổng lồ, bao gồm nhiều lĩnh vực, từ phổ thông đến chuyên sâu, từ nhiều hướng tiếp cận và nhiều quan điểm, chính kiến, giúp người đọc có được cái nhìn đa chiều, khách quan.

Để giáo viên Lịch sử không “tụt hậu“ - 1

Một đặc điểm khác của nguồn sử liệu internet là cách tiếp cận rất đơn giản và thuận tiện, từ mọi nơi, mọi lúc có kết nối internet, giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc. Đây là những ưu điểm rất lớn mà những nguồn sử liệu khác không thể có được.

"Sử liệu internet có đặc tính cập nhật rất nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu các vấn đề mang tính thời sự, giúp rút ra bài học về sự vận động và xu thế phát triển của lịch sử một cách "nóng hổi”, xác lập được mối liên hệ thực tế, tạo hứng thú cao cho người học" - Thầy Nguyễn Quốc Toàn

Thầy Nguyễn Quốc Toàn cũng đề cập đến việc ứng dụng CNTT và các phương tiện hiện đại vào quá trình dạy học Lịch sử.

"Hiện nay, một bộ phận giáo viên Lịch sử có tâm lí không nhất thiết phải “rành” CNTT và tự tách việc giảng dạy bộ môn xa dần các phương pháp và kĩ thuật hiện đại.

Đây là quan điểm sai lầm, bởi lẽ bên cạnh các bộ phần mềm văn phòng thông dụng đã được tích hợp sẵn trong bộ Microsoft Office, việc sử dụng internet sẽ giúp chúng ta có thể tự nghiên cứu nhằm tiếp cận và sử dụng được các chương trình xử lý đồ họa và video như Herovideo, Paint, Adobe PhotoShop... để cắt phim, xây dựng bản đồ, thiết kế và chỉnh sửa các ký hiệu trên bản đồ, lược đồ (từ “tĩnh” chuyển sang “động”), sử dụng các phần mềm học tập khác để phục vụ cho việc dạy học bộ môn trở nên sinh động và hấp dẫn hơn" - thầy Nguyễn Quốc Toàn cho biết.

Một khái niệm khá mới cũng được thầy Nguyễn Quốc Toàn đề cập là "bảo tàng ảo". Mặc dù bảo tàng ảo không lưu giữ và trưng bày hiện vật thật, song không có nghĩa những hiện vật số hóa đó lại không liên quan về nội dung, khác về hình thức so với hiện vật thật. Nó có thể tạo ra sự tương tác cao với người dùng theo mô hình thực tại ảo.

Tính số hóa của bảo tàng ảo còn thể hiện ở tính năng kết nối cao, giúp truyền gửi tham quan từ nhiều khu vực khác nhau bằng internet hay phần mềm Powerpoint, từ đó người ta dễ dàng tìm được các tài liệu hiếm với kho dữ liệu dễ sử dụng, tiện nghi hình ảnh, phim, âm nhạc giới thiệu về những kiệt tác thông qua các tour hướng dẫn trên mạng, đồng thời có thể tải về những thông tin và hình ảnh bổ trợ cho việc dạy học.

Dù bảo tàng ảo có mặt hạn chế là không nhìn thấy kích cỡ, bề mặt, kết cấu hay độ dày thực của hiện vật nhưng tựu chung lại, nguồn tài nguyên này có thể giúp cho người giáo viên lịch sử giải quyết ngay được phần trực quan “trăm nghe (đọc) không bằng mắt thấy” một cách dễ dàng nhất.

Cẩn trọng với nguồn thông tin

Mặc dù lợi ích của internet là không thể bàn cãi, nhưng để sử dụng hiệu quả tư liệu và làm chủ được phương hướng nghiên cứu, đòi hỏi người giáo viên Lịch sử phải nắm vững phương pháp luận Sử học, xây dựng được cho mình kiến thức vững vàng, trước khi đưa ra quan điểm và nhận xét cần phải có sự so sánh đối chiếu với các nguồn tư liệu khác.

Đây là vấn đề cần đặc biệt chú ý bởi tâm lí phần đông, không riêng gì giáo viên Lịch sử khi cần tham khảo tài liệu (thường trong thời gian ngắn, soạn bài...) là phụ thuộc và tin tưởng hoàn toàn vào nguồn sử liệu này dẫn đến những sai lệch nghiêm trọng không chỉ về kiến thức mà còn cả về tư tưởng.

Đưa ra những lưu ý từ trải nghiệm bản thân, thầy Nguyễn Quốc Toàn cho rằng, internet cũng không phải là một kho tàng nguyên vô tận, sự hiển thị kết quả tìm kiếm không hẳn đã là chính xác, các trang web về lịch sử không chiếm được số lượng nhiều. Hơn nữa, rất hiếm tài nguyên lịch sử có giá trị được cung cấp miễn phí trên internet.

"Cần lưu ý rằng, vai trò của thư viện truyền thống và thư viện số vẫn còn hiện hữu, bởi lẽ internet thiếu hẳn những đặc điểm quan trọng của việc sưu tầm và tổ chức thông tin; giống như một kho khổng lồ không được tổ chức sắp xếp, trong khi thư viện và thư viện số ngày càng được hoàn thiện về mặt tổ chức.

Do đó, đánh giá đúng vai trò của internet, tự tích lũy kiến thức, rèn luyện phương pháp nghiên cứu, năng lực chuyên môn và kĩ năng dạy học là những nhiệm vụ mà người giáo viên lịch sử cần phải thực hiện mọi lúc, mọi nơi (tiếp cận với tài liệu trong thư viện, nhà sách, các cuộc hội họp chuyên môn, hội thảo khoa học...) để có thể xây dựng được nội lực chuyên môn vững vàng mà không quá phụ thuộc vào internet" - thầy Nguyễn Quốc Toàn lưu ý.

Với việc sử dụng phần mềm dạy học, theo thầy Nguyễn Quốc Toàn, cần biết phần mềm dạy học nào phù hợp và có tiện ích cao cho nghiên cứu và giảng dạy. Bởi với tính đặc thù bộ môn, giáo viên Lịch sử cần tránh lạm dụng thái quá các phương tiện và phương pháp hiện đại, mà cần biết lựa chọn tình huống sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm một cách linh hoạt và phù hợp để dạy học có hiệu quả.

Cuối cùng, với đặc thù chuyên ngành, người giáo viên nghiên cứu Lịch sử thường tiếp cận với những những sự kiện và quan điểm đối lập, nhất là trong giai đoạn lịch sử Việt Nam hiện đại. Do đó, việc giao lưu chia sẻ thông tin cũng cần được thực hiện một cách chừng mực trong tầm kiểm soát, tránh bị lợi dụng vào những mục đích xấu khi tham gia vào các hội, nhóm trong các mạng xã hội.

Nguồn lợi từ mạng xã hội với giáo viên Lịch sử

"Qua internet, giáo viên có thể trao đổi thông tin bằng email, giao tiếp và hợp tác chuyên môn với đồng nghiệp và với các lực lượng hỗ trợ giáo dục khác.

Khai thác mạng xã hội phục vụ tự học, tự nghiên cứu cũng là một ý tưởng mà người giáo viên lịch sử cần quan tâm.

Trong đó, một mạng xã hội khá đặc biệt chia sẻ hình ảnh dưới dạng các bộ sưu tập mang tên Pinternet xuất hiện từ giữa năm 2011 và hiện nay đã trở nên phổ biến.

Nó tập hợp các đoạn băng và hình ảnh rời rạc thành từng bộ sưu tập dưới dạng bảng ghim (pinboard). Mỗi bảng (board) là một chủ đề tạo nên bởi một tác giả, ở đó bao gồm nhiều ghim (pin).

Mỗi ghim có thể chỉ đơn giản là một bức ảnh, một video hay một đoạn phim nhưng cũng có thể là một bộ đường dẫn đến các tài nguyên học tập phong phú hơn từ mức độ chuyên ngành đến chuyên sâu, giúp giáo viên tự xây dựng được các "tủ” tài liệu lịch sử sẵn sàng phục vụ khi có nhu cầu".

Thầy Nguyễn Quốc Toàn

Theo Hải Bình

Giáo dục & Thời đại