Đề GDCD, Sử và Địa đều dễ, thí sinh phấn khởi kết thúc kỳ thi

(Dân trí) - Các thí sinh vừa thi xong môn Giáo dục công dân (GDCD) - môn thi cuối cùng trong tổ hợp Khoa học xã hội của kỳ thi THPT quốc gia 2017. Nhiều em cho biết đề GDCD dễ lấy điểm 7-8. Trước đó, nhiều thí sinh phấn khởi vì đề thi Lịch sử và Địa lý khá "dễ thở".

Sáng nay 24/6, thí sinh trên cả nước dự thi bài thi Khoa học Xã hội. Bài thi khoa học xã hội gồm: Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Mỗi môn thành phần có 40 câu trắc nghiệm với thời gian làm bài 50 phút/môn.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có hơn 430.000 thí sinh chọn thi môn giáo dục công dân, gần 500.000 thí sinh chọn môn địa lý, 513.000 thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử.

Sáng nay, sau khi hết giờ làm bài thi ở môn Lịch sử và Địa lý, các thí sinh tự do đăng ký thi hai môn này đã được phép rời phòng thi.

Sau khi hoàn thành bài thi môn Giáo dục Công dân, môn thi cuối cùng trong tổ hợp Khoa học xã hội, nhiều thí sinh phấn khởi cho biết làm được bài vì đề dễ.

Ghi nhận tại TPHCM:

Vừa tan thi môn GDCD, thí sinh Lâm Triều Ngọc Bích, thi vào ĐH Mở chia sẻ, đề thi rất mở, tính thực tiễn cao, chỉ có khoảng 5 câu lý thuyết còn nữa là các câu hỏi thực tế, tình huống dựa vào sự hiểu biết của thí sinh.

Ở mã đề 303, Bích ấn tượng với câu tình huống về ngoại tình, đánh ghen yêu cầu thí sinh nắm về luật Hôn nhân gia đình để chọn đáp án đúng. Bích cũng nói thêm, đề thi này thí sinh không phải học thuộc và cũng không phải học nhiều. Bích là thí sinh tự do, em không ôn môn tập môn GDCD nhưng em đánh giá mình làm bài tốt, đạt khoảng 8 điểm.

Nhiều thí sinh ở TPHCM cũng tỏ ra vô cùng hài lòng với đề thi môn GDCD, môn học lần đầu tiên được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia. "Môn học GDCD trở nên sống động, ý nghĩa hơn nhờ đề thi mở, bỏ lối học vẹt, nhồi nhét lâu nay", một thí sinh tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương, TPHCM nêu quan điểm.

Thí sinh tại TPHCM tan thi môn GDCD. (Ảnh: Lê Phương)
Thí sinh tại TPHCM tan thi môn GDCD. (Ảnh: Lê Phương)

Trước đó, tại điểm thi trường THCS Võ Trường Toản (TPHCM), thí sinh vui vẻ vì thi xong 2 môn quan trọng. Nhận định của đa số thí sinh, đề Địa dễ hơn đề Sử.

Các thí sinh TPHCM bàn luận sau buổi thi môn Địa lý. (Ảnh: Lê Phương)
Các thí sinh TPHCM bàn luận sau buổi thi môn Địa lý. (Ảnh: Lê Phương)

Thí sinh Trương Phan Kim Anh, học Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 1 cho biết mình thi mã đề 320. Thí sinh này khoe đề Địa lý dễ hơn đề Sử trước đó.

“So với đề minh họa trước đó không khác nhiều nên em thấy cũng dễ làm. Đề 40 câu, trong đó tầm 5-6 câu vận dụng Atlat để làm như câu chè trông nhiều ở Tây Nguyên. Ngoài ra, đề còn có nội dung hỏi về thống kê, biểu đồ hỏi hình tròn hay kết hợp".

Theo Kim Anh, đề cũng có một số câu hỏi vận dụng kiến thức thực tế như vấn đề thất nghiệp hiện nay xảy ra nhiều ở đâu, ở nông thôn hay thành thị. Thí sinh này cho biết mình làm được khoảng 6-7điểm môn Địa.


Thí sinh TPHCM sau buổi thi môn Địa. (Ảnh: Lê Phương)

Thí sinh TPHCM sau buổi thi môn Địa. (Ảnh: Lê Phương)

Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Lê Trí ở quận 1 cho biết mã đề 423 của em thi dễ hơn đề minh họa đã ôn tập ở trường. Em mất có 25 phút làm xong bài nhưng dành 10 phút đọc lại bài vẫn còn dư thời gian. Theo Trí, đề thi này ít câu hỏi vận dụng kiến thức bên ngoài. Ngoài ra có 8 câu sử dụng atlat. Số câu dễ khoảng 30 câu, còn lại 4 câu khó vận dụng hiểu biết sâu để chọn ra học sinh giỏi.

Thí sinh Lê Trí tự tin bài làm đạt điểm 8 và hi vọng khả năng trúng tuyển Đại học. Trí cho biết năm nay em thi lấy kết quả xét tuyển vào trường ĐH Ngoại ngữ Tin học, ngành Quản trị nhà hàng khách sạn.


Thí sinh TPHCM sau buổi thi môn Địa. (Ảnh: Lê Phương)

Thí sinh TPHCM sau buổi thi môn Địa. (Ảnh: Lê Phương)

Trước đó, nhiều thí sinh thi xong môn Lịch sử - môn thi đầu tiên trong tổ hợp Khoa học xã hội đều hớn hở khoe làm bài xong sớm trước thời gian. Nhiều em cho biết đề trắc nghiệm 40 câu nhưng chỉ mất 30 phút hoàn thành.

Ra khỏi phòng thi môn Sử, thí sinh Vũ Quang Nam (ở Lâm Đồng, thi tại điểm thi trường THCS Võ Trường Toản, TPHCM) cho biết đề vừa sức mình.

“Em ôn kỹ từ trước nên không mất nhiều thời gian làm bài, phòng em thi 21 bạn nhưng làm bài xong sớm. Em mất 30 phút hoàn thành bài thi của mình. Dù làm hết bài nhưng em nghĩ khả năng đạt 7 điểm thôi”, thí sinh Nam cho biết.

Thí sinh này cho hay, mã đề của em có nhiều câu vận dụng hiểu biết bên ngoài xã hội như câu hỏi về tổ chức của chính phủ như thế nào. Ngoài ra, các câu đều bám sát nội dung chương trình lớp 12.


Thí sinh tại TPHCM sau buổi thi môn Sử. (Ảnh: Hoài Nam)

Thí sinh tại TPHCM sau buổi thi môn Sử. (Ảnh: Hoài Nam)

Thí sinh sau buổi thi môn Sử tại điểm thi Trường THCS Võ Trường Toản, TPHCM. (Ảnh: Hoài Nam)
Thí sinh sau buổi thi môn Sử tại điểm thi Trường THCS Võ Trường Toản, TPHCM. (Ảnh: Hoài Nam)

Còn thí sinh Lưu Quang Tuấn, ở quận 1 cho biết mình làm được 60-70% bài. Đề khá dễ nên mất 40 phút làm xong. Nội dung trong chương trình học gồm lịch sử Việt Nam giai đoạn 1930-1931, 1936-1939; còn lịch sử thế giới cho ra nội dung về Mỹ và Tây Âu.

Được biết, sáng nay tại TPHCM có hơn 22.000 thí sinh làm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). So với những buổi thi trước, số thí sinh dự thi ít nhất nên số hội đồng thi giảm xuống còn 85 điểm thi.

Ghi nhận tại Quảng Bình:

Theo nhiều thí sinh tại Quảng Bình, đề thi Lịch sử và Địa lý không quá khó và dễ lấy điểm, nhiều thí sinh cho biết đã hoàn thành bài thi khi chỉ mới hơn một nửa thời gian làm bài.

Nhiều thí sinh tại Quảng Bình nhận xét đề thi Lịch sử và Địa lý không khó. (Ảnh Tiến Thành)
Nhiều thí sinh tại Quảng Bình nhận xét đề thi Lịch sử và Địa lý không khó. (Ảnh Tiến Thành)

Chia sẻ sau khi vừa bước ra khỏi trường thi, em Trần Quang Huy cho biết: “Buổi sáng nay em thi hai môn là Lịch sử và Địa lý, vì năm nay thi dưới hình thức trắc nghiệm nên em không quá căng thẳng, đề thi cũng nằm ở mức độ vừa phải bám sát chương trình học”.

Nhiều thí sinh phấn khởi sau khi hoàn thành bài thi. (Ảnh Tiến Thành)
Nhiều thí sinh phấn khởi sau khi hoàn thành bài thi. (Ảnh Tiến Thành)

Cũng như thí sinh Huy, chiến sỹ Nguyễn Kim Long, một thí sinh tự do chia sẻ: “Em hiện đang là lính nghĩa vụ, em muốn được tiếp tục gắn bó với màu áo lính nên đăng ký dự thi để dự tuyển vào trường quân sự, em ngại nhất là môn Lịch sử nhưng với đề hôm nay thì em thấy đề Sử còn dễ hơn môn Địa lý, em làm bài hai môn này khá tốt và có thể đạt trên 7 điểm”.

Ghi nhận tại Thanh Hóa:

Sáng nay, nhiều thí sinh đã hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của mình với môn thi Lịch sử và Địa lý, vì vậy, sau khi hết giờ làm bài, các em rời phòng thi với tâm lý thoải mái.

Nhiều thí sinh học tại các Trung tâm giáo dục Thường xuyên và Cao đẳng nghề không phải thi môn Giáo dục công dân nên sau khi hoàn thành xong bài thi môn Lịch sử và Địa lý, các em đã nộp bài và đước rời khỏi phòng thi.

Nhiều thí sinh được hỏi đều nhận định, đề thi môn Lịch sử khó hơn do kiến thức dàn trải, còn đề thi môn Địa lý các thí sinh đánh giá là khá dễ.

Thí sinh Phạm Văn Thái, học tại trường Cao đẳng Thể dục thể thao, thi tại điểm thi trường THPT Tô Hiến Thành chia sẻ: "Bọn em không phải thi môn Giáo dục công dân nên được ra sớm. Mỗi môn thi có 40 câu, nhưng em thấy môn Lịch sử khó hơn, nhiều sự kiện, mốc thời gian nên khó nhớ hết, còn môn Địa lý em làm bài cũng tạm được."


Sau khi thi Sử và Địa, các thí sinh tiếp tục dự thi môn Giáo dục công dân (Ảnh: Duy Tuyên)

Sau khi thi Sử và Địa, các thí sinh tiếp tục dự thi môn Giáo dục công dân (Ảnh: Duy Tuyên)

Tại điểm thi trường THPT Hàm Rồng, kết thúc môn thi Địa lý, có khoảng hơn 40 thí sinh dự thi, chủ yếu là các thí sinh học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên rời phòng thi.

Theo em Đỗ Văn Toàn, học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên thành phố Thanh Hóa, cho biết “Đề thi Địa lý năm nay có 40 câu và 4 mã đề thi, đề ra phù hợp với lực học của bọn em, em làm chắc chắn được khoảng 25 - 30 câu, những câu còn lại em chưa tự tin với kết quả lắm”.

Còn thí sinh Nguyễn Thị Nhung, thi tại điểm thi THPT Hàm Rồng, cho biết “Đề thi môn Địa lý bình thường, sát với chương trình sách giáo khoa đã được học, em làm được khoảng 60% bài thi”.

Kết thúc buổi thi môn GDCD, theo nhận định chung của nhiều thí sinh thì môn thi cuối cùng rất nhẹ nhàng, nên tâm lý của các thí sinh như được xả hơi.

Các thí sinh đánh giá rất thích thú và bất ngờ với đề thi môn GDCD.

Thí sinh rời phòng thì trong tâm trạng hớn hở
Thí sinh rời phòng thì trong tâm trạng hớn hở

Em Nguyễn Thị Thu Huyền, thi tại điểm thi trường THPT Tô Hiến Thành, nhận định: “Đề Sử và Địa năm nay thi trắc nghiệm nên rất dễ làm và dễ lấy điểm cao. Chính vì trắc nghiệm nên thời gian làm bài cũng dễ chịu hơn so với thi tự luận. Còn đối với môn Giáo dục công dân, em chỉ mất khoảng hơn 15 phút là làm xong bài thi trắc nghiệm".

Thí sinh xem lại đề thi
Thí sinh xem lại đề thi

Em Trịnh Quốc Đạt, thi tại điểm thi trường THPT chuyên Lam Sơn, chia sẻ: "Em thấy khá hài lòng với buổi thi hôm nay. Cả ba môn đều vừa sức so với lực học của em. Em thích nhất đề thi môn Giáo dục công dân.


Thí sinh kết thúc kỳ thi bằng môn thi được đánh giá khá nhẹ nhàng. (Ảnh: Tùng Anh)

Thí sinh kết thúc kỳ thi bằng môn thi được đánh giá khá nhẹ nhàng. (Ảnh: Tùng Anh)

Cũng theo thí sinh Trịnh Quốc Đạt: “Môn Giáo dục công dân là môn thi cuối nhưng phải nói là rất dễ chịu. Toàn bộ nội dung câu hỏi rất sát với cuộc sống thực tế. Môn này không chỉ em mà các bạn khác đều làm rất tốt. Em nghĩ việc đưa môn Giáo dục công dân vào thi là hợp lý, nó giúp chúng em nắm bắt hơn nữa về những kiến thức xã hội, giao tiếp, ứng xử...".

Ghi nhận tại Hà Nội:

Em Phan Thị Thu Phương, thí sinh THPT Trần Phú cho biết đề Giáo dục công dân "không học cũng biết", dễ lấy điểm 7-8.

Thí sinh Hà Nội tan thi môn GDCD. (Ảnh: Mai Châm)
Thí sinh Hà Nội tan thi môn GDCD. (Ảnh: Mai Châm)

Rời phòng thi với môn thi cuối cùng là Giáo dục công dân, các thí sinh đều vui tươi rạng rỡ vì đã trút được "gánh nặng" mùa thi. Đa phần thí sinh cho rằng môn Giáo dục công dân rất dễ dàng vượt qua.

Lần đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi THPT Quốc gia, nhiều sĩ tử băn khoăn liệu đề có khó. Tuy nhiên sau rời phòng thi, tất cả các thí sinh đều vui mừng cho biết đề rất dễ. Nhiều em thậm chí cho rằng, đề dễ “ngoài sức tưởng tượng”.

Thí sinh Hà Nội nhận định về đề thi Giáo dục công dân

Tại điểm thi trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy), thí sinh Đỗ Thủy Tiên (học sinh lớp 12D, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ) cho biết: Em không hề gặp khó khăn nào ở môn thi GDCD. Các kiến thức cơ bản, em nghĩ thí sinh nào cũng có thể vượt qua.”

Thí sinh hớn hở sau khi thi xong môn Giáo dục công dân. (Ảnh: Lệ Thu)
Thí sinh hớn hở sau khi thi xong môn Giáo dục công dân. (Ảnh: Lệ Thu)

Em Nguyễn Hữu Nam (học sinh trường THPT Yên Hòa) chia sẻ: “Em nghĩ chắc ai cũng làm được đề Giáo dục công dân. Kiến thức đề thi nằm trong những nội dung chúng em được ôn tập và cũng khá gần gũi. Em đoán học sinh nào không ôn nhưng có hiểu biết cơ bản về xã hội vẫn có thể đạt điểm khá”.

Hà Nội: Thí sinh thở phào với đề Sử, Địa

Ghi nhận tại điểm thi trường THPT Chu Văn An, thí sinh hài lòng với bài thi tổ hợp 3 môn xã hội của mình, hào hứng kết thúc kì thi THPT Quốc gia năm 2017.

Kết thúc những ngày áp lực, thí sinh vui vẻ khi hoàn thành tốt bài thi. (Ảnh: Hà Cường)
Kết thúc những ngày áp lực, thí sinh vui vẻ khi hoàn thành tốt bài thi. (Ảnh: Hà Cường)

Thí sinh Lê Đình Tâm vui vẻ khoe với mẹ về hoàn thành tốt bài thi và nhất định sẽ đành dược điểm cao, nhất là môn Giáo dục công dân và Địa lý. Khi được hỏi về bài thi môn Lịch sử, Tâm nói: “Đề Lịch sử hỏi có phần khó hơn một chút vì có những câu so sánh giữa các sự kiện trong 2 cuộc chiến tranh với nhau hay những câu sau thời kì đổi mới đất nước mà trước giờ chúng em vẫn chủ quan xem nhẹ phần ôn đó. Đề ra sát với đề thi thử và có chiều hướng số câu khó dễ rõ ràng phân định.”

Đề thi môn GDCD sát với chương trình học, thí sinh dễ dàng chọn đáp án. (Ảnh: Hà Cường)
Đề thi môn GDCD sát với chương trình học, thí sinh dễ dàng chọn đáp án. (Ảnh: Hà Cường)

Thí Hà Phương Thảo tươi cười: “Em làm được hết tất cả các câu hỏi, nhất là môn Giáo dục công dân em chỉ mất 30 phút để khoanh đáp án, ngoài một số câu có nhiều đáp án “na ná” nhau để “đánh lừa” thí sinh thì đa phần đều rất dễ vì hoàn toàn nằm trong bộ câu hỏi chúng em được ôn và thi thử. Địa lý thì đều có trong atlat hết rồi nên không quá khó để khoanh. Khó nhất chắc vẫn là Lịch sử, đề tuy có hơi dài và nhiều mốc thời gian dễ bị loạn thông tin các câu với nhau."

Thí sinh Hà Nội nhận định về đề thi tổ hợp KHXH

Ghi nhận tại Cần Thơ:

Kết thúc 2 môn thi Sử, Địa nhiều thí sinh rời khỏi phòng thi với gương mặt rạng ngời, các em đều cho biết đề thi Sử, Địa vừa sức, bài làm đạt trên 50%.


Cả thí sinh và phụ huynh đều cười tươi khi kết thúc 2 môn thi cuối cùng Sử, Địa. (Ảnh: Phạm Tâm)

Cả thí sinh và phụ huynh đều cười tươi khi kết thúc 2 môn thi cuối cùng Sử, Địa. (Ảnh: Phạm Tâm)

Thí sinh Mai Hữu Thiện nói: “Đề thi môn Sử và Địa vừa sức học sinh, nằm trong chương trình học. Riêng đề sử, khả năng đạt 8-9 điểm. Còn đối với đề môn địa thì khả năng 97,5 đến 10 điểm. Cơ cấu đề Địa dễ hơn Sử nhiều”.

Còn thí sinh Đoàn Thị Ngọc Anh (22 tuổi, thi môn Sử và Địa để xét tuyển đại học ngành Luật) nhận xét: “Đề thi môn địa vừa sức mình còn đề thi sử nằm trong chương trình nên làm bài khá tốt. Cả hai đề Sử và Địa đề dễ hơn năm trước”.


Thí sinh Đồng Thị Ngọc Hân đi thi nhưng có chồng và con đợi sẵn ở cổng để cổ vũ tinh thần. (Ảnh: Phạm Tâm)

Thí sinh Đồng Thị Ngọc Hân đi thi nhưng có chồng và con đợi sẵn ở cổng để cổ vũ tinh thần. (Ảnh: Phạm Tâm)

Thí sinh Đồng Thị Ngọc Hân ở Hội đồng thi trường Lương Thế Vinh (quận Ninh Kiều) có chồng và con nhỏ đợi ở cổng trường vui vẻ nói: “Đề thi năm nay nằm trong chương trình ôn, cả hai môn Địa và Sử đều làm được điểm trên trung bình”.

Ghi nhận của phóng viên Dân trí tại Cần Thơ, sau khi kết thúc môn Giáo dục công dân, tại các điểm thi nhiều thí sinh vui vẻ, thoải mái.


Em Nguyễn Ngọc Vân Thy cho biết, đề giáo dục công dân rất dễ. (Ảnh: Phạm Tâm)

Em Nguyễn Ngọc Vân Thy cho biết, đề giáo dục công dân rất dễ. (Ảnh: Phạm Tâm)

Thí sinh Nguyễn Ngọc Vân Thy, học sinh trường THPT Thái Bình Dương thuộc hội đồng thi Châu Văn Liêm -quận Ninh Kiều cho biết, ba môn thi trong buổi sáng nay đều làm tốt, đặc biệt môn giáo dục công dân đề rất dễ nên khả năng đạt được điểm 8 hoặc 9.

Em Trần Thảo Như, thí sinh ở Hội đồng thi trường THPT Nguyễn Việt Hồng nói, “em không ngờ đề thi môn giáo dục công dân lại dễ như thế. Kết thúc môn thi cuối cùng em cảm thấy thoải mái lắm. Bây giờ chỉ đợi kết quả thôi”.

Ghi nhận tại Đắk Nông:

Sáng 24/6, hơn 3.150 thí sinh Đắk Nông bước vào ngày thi cuối cùng với tổ hợp thi Khoa học xã hội.

Theo ghi nhận tại điểm thi THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Long (TX. Gia Nghĩa), phần lớn thí sinh tự do chỉ thi môn Lịch sử, Địa Lý nên nhiều em vui mừng vì đề thi dễ, bám sát SGK.

Bạn Nguyễn Đình Dũng (thí sinh tự do) cho biết: "Đề thi năm nay không quá khó, phần lớn nằm trong đề cương ôn tập. Em làm mã đề 306, trong đó nhiều câu hỏi về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1936-1975. Việc thay đổi cách thức ra đề thi môn Lịch sử, yêu cầu thí sinh phải nhớ rõ sự kiện, nắm chắc bản chất của vấn đề. Vì vậy một số câu hỏi khó buộc thí sinh đưa ra nhận định về sự kiện lịch sử khiến thí sinh băn khoăn. Nếu nắm vững kiến thức, thí sinh dễ dàng làm được 70% đề."

Thí sinh lần đầu tiên thi THPT Quốc gia môn trắc nghiệm Lịch sử
Thí sinh lần đầu tiên thi THPT Quốc gia môn trắc nghiệm Lịch sử

“Đề thi Địa lý khá dễ, chỉ cần dựa vào Atlat địa lý có thể hoàn thành khoảng 60-70% số câu hỏi. Đề thi không bắt buộc thí sinh phải học thuộc, nhưng cần nắm chắc kiến thức trong sách giám khoa. Tuy nhiên có một số câu tính toán nhưng em không mang máy tính vào nên không chọn được đáp án”, Nguyễn Thị Kiều Hoa (THPT Lê Duẩn), thí sinh hội đồng thi THPT Chu Văn An cho biết.

Phần lớn thí sinh đánh giá đề thi tổ hợp KHXH tương đối dễ (ảnh: Dương Phong)
Phần lớn thí sinh đánh giá đề thi tổ hợp KHXH tương đối dễ (ảnh: Dương Phong)

Trong khi đó, thí sinh dự thi đầy đủ cả 3 môn thi thuộc tổ hợp KHXH cho rằng đề thi Giáo dục công dân nằm trọn vẹn trong chương trình lớp 12. “Làm khó thí sinh là những câu hỏi tình huống, yêu cầu học sinh không chỉ dùng kiến thức sách vở mà còn phải dựa vào kinh nghiệm, tình hình thực tế”, Thị Hơn, thí sinh dự thi tại HĐT THPT Gia Nghĩa cho biết.

Theo báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT Đắk Nông, về cơ bản kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 tại tỉnh Đắk Nông đã diễn ra an toàn, nghiêm túc. Không có giám thị vi phạm quy chế thi và có 1 thí sinh dự thi tại HĐT THPT Phạm Văn Đồng vi phạm quy chế thi do mang điện thoại vào phòng.

Ghi nhận tại Quảng Nam:

Sáng nay, các sĩ tử đã chính thức hoàn thành kỳ thi THPT Quốc gia 2017 với các môn thi khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Theo đánh giá chung của thí sinh trên địa bàn Quảng Nam, đề thi năm nay vừa sức, gần với chương trình ôn thi lớp 12 nên các em khá thoải mái khi hoàn thành phần thi của mình.

Với tâm trạng phấn khởi, em Lê Hoài Anh (Hội đồng thi Kim Đồng, Hội An) chia sẻ: “Sáng nay đề thi các môn khá “dễ thở”, hầu hết đều nằm trong chương trình ôn thi lớp 12 nên chúng em hoàn thành bài khá tốt. Mã đề Lịch sử của em có nhiều câu vận dụng hiểu biết bên ngoài như câu hỏi về tổ chức chính phủ như thế nào; còn đề Địa lý thì chủ yếu tập trung về địa lý miền duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên... Em hoàn thành được khoảng 70% bài làm”.

Các thi sinh ở Hội An ra về sau buổi thi cuối
Các thi sinh ở Hội An ra về sau buổi thi cuối

Còn thí sinh Đỗ Văn Nam (Hội đồng thi Nguyễn Trãi, Hội An) cho biết em làm được khoảng 60-70% bài thi, đề thi bám khá sát với chương trình lớp 12 nên các em khá thoải mái khi làm. Đề Địa lý dễ hơn so với Lịch sử, các câu hỏi hầu hết nằm trong chương trình ôn tập và thí sinh cũng có thể sử dụng Atlat địa lý để vận dụng vào bài viết.

“Theo em, kỳ thi năm nay chủ yếu là các câu hỏi trắc nghiệm nên giảm được bớt áp lực cho thí sinh, bên cạnh đó các câu hỏi bám sát chương trình lớp 12 nên thí sinh vận dụng được tốt cho bài thi”, thí sinh Nam chia sẻ thêm.

Thí sinh phấn khởi sau khi hoàn thành các bài thi cuối cùng. (Ảnh: N.Linh)
Thí sinh phấn khởi sau khi hoàn thành các bài thi cuối cùng. (Ảnh: N.Linh)

Tại Hội đồng thi trường Kim Đồng - Hội An, chỉ có 6 thí sinh tham dự phần thi Giáo dục công dân. Thí sinh Lê Hà My nhận xét: “Em thấy đề Giáo dục công dân dễ và vừa sức với thí sinh, các câu hỏi chủ yếu liên quan đến các vấn đề vi phạm pháp luật: như đạo đức, cách ứng xử của cán bộ nhà nước với công dân, của người thi hành công vụ với người vi phạm… Em hoàn thành được khoảng 80% bài thi”.

Đứng chờ con hoàn thành phần thi cuối cùng, ông Nguyễn Văn Năm (xã Cẩm Hà, Hội An) cho biết: “Năm nay các thí sinh được chia về địa phương thi cử tôi thấy rất tốt, vừa giảm áp lực, căng thẳng cho thí sinh và cũng vừa tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh. Nghe con nói các bài thi trắc nghiệm bám sát chương trình học, ôn thi nên khi làm bài các cháu thấy thoải mái hơn rất nhiều”.

Ghi nhận tại Hà Tĩnh:

Kết thúc tổ hợp 3 môn xã hội, nhiều thí sinh đánh giá đề Sừ và Địa không hề khó.

Sáng nay, kỳ thi THPT Quốc gia bước vào buổi thi cuối cùng với môn thi tổ hợp khoa học xã hội. Tại Hà Tĩnh có hơn hơn 11.000 thí sinh tham gia. Trong số đó, thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử là 11.848, Địa lý là 11.520 và Giáo dục công dân là 10.369.

Ở bài thi tổ hợp khoa học xã hội, lần đầu tiên các môn thi Lịch sử, Địa lý được chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm. Đây cũng là kỳ thi THPT Quốc gia đầu tiên, môn Giáo dục công dân được đưa vào thi.

Áp lực của bài thi tổ hợp Khoa học xã hội không quá lớn là lý do khiến nhiều thí sinh đăng ký thi ở bài thi tự chọn này cao hơn nhiều so với bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên.

Thí sinh hào hứng kết thúc những môn thi cuối cùng
Thí sinh hào hứng kết thúc những môn thi cuối cùng

Thí sinh Lê Thị Linh Nhi (Trường THPT Phan Đình Phùng) nhận xét: Em thi khối D, em thấy môn Địa không hề khó. Phần biểu đồ cũng không đánh đố thi sinh. Còn đề Sử em thấy khó khăn hơn nhất là từ câu 20. Em tự tin khoảng 50 % bài làm môn Sử.

Em Hoàng Thị Lê Mai (trường THPT Phan Đình Phùng) nhận định: Làm dân khối em thấy Địa lý và Lịch Sử năm nay không hề đánh đố thí sinh. Các câu hỏi đều hỏi trực tiếp, đề ra đều bám sát nội dung sách giáo khoa.

Nhiều bạn tỏ ra rất hào hứng vì năm nay môn GDCD được đưa vào kỳ thi THPT Quốc gia.


Nhiều thí sinh thấy thú vị khi GDCD được đưa vào kỳ thi THPT Quốc gia. (Ảnh: Phượng Vũ)

Nhiều thí sinh thấy thú vị khi GDCD được đưa vào kỳ thi THPT Quốc gia. (Ảnh: Phượng Vũ)

Bạn Linh Nhi cho biết: "Trong các câu hỏi, em thích nhất là câu hỏi có liên quan đến Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. Các câu hỏi trong đề GDCD cũng rất thiết thực."

Bạn Minh Toàn cũng cho biết: "Em thấy đưa GDCD vào thi THPT Quốc gia rất thú vị. Giúp chúng em hiểu thêm về pháp luật và nhà nước mình. Đây đều là những kiến thức thực tiễn và thiết thực. Tuy nhiên nếu không có kỳ thi thì nhiều bạn cũng không để ý."

Ghi nhận tại Hà Nam:

Nhiều thí sinh Hà Nam nhận định, đề bài thi Khoa học xã hội khá “dễ thở”, thậm chí nhiều thí sinh còn hoàn thành bài thi trước thời gian 50 phút.

Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2017, nhiều thí sinh không giấu niềm vui mừng, các thí sinh đã bỏ được áp lực sau 3 ngày thi căng thẳng nên thoải mái trò chuyện với nhau. Nhiều thí sinh nhận định, ở bài thi môn Lịch sử và Giáo dục công dân đề cũng khá “dễ thở”, áp sát chương trình ôn tập, vừa sức học nên nhiều thí sinh học khá có thể hoàn thành xong sớm.

Thí sinh Hà Nam hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 (ảnh: Đức Văn)
Thí sinh Hà Nam hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 (ảnh: Đức Văn)

Ở môn Địa lý, các thí sinh cũng nhận định, đề không quá khó và cũng khá thú vị ở phần vận dụng thực tế như vấn đề thất nghiệp. Sau khi hoàn thành xong bài thi tổ hợp 3 môn, nhiều thí sinh khá tự tin khi cho rằng mình chắc chắn có thể lấy điểm trung bình khá ở cả 3 môn Địa lý và Lịch sử và Giáo dục công dân.

Thí sinh Nguyễn Đình Tiến cho biết: “Em làm khá tốt, nói chung cả 3 đề bám sát chương trình học và ôn tập của thầy cô ạ, chỉ cần bạn nào nắm vững kiến thức lấy điểm trung bình cũng không có gì khó”.

Ghi nhận tại Gia Lai:

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết, các môn khối Khoa học xã hội gồm Sử: 8.294 thí sinh đăng kí, Địa: 7.883 thí sinh đăng kí, Giáo dục công dân: 6.866 thí sinh đăng kí tham dự kì thi THPT quốc gia 2017. Trong đó có 196 thí sinh vắng trong ngày 24/6.

Thí sinh “đội mưa” sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng
Thí sinh “đội mưa” sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng

Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, các thí sinh tham gia bộ môn Khoa học xã hội cảm nhận đề thi vừa sức. Tuy là các môn xã hội nhưng lại thi theo hình thức trắc nghiệm nên cũng đã tạo điều kiện nhiều cho thí sinh trong công tác học bài và làm bài thi. Với những đổi mới của Bộ GD-ĐT về cách thức thi và thêm một số môn trong thi để cho các thí sinh lựa chọn. Trong đó môn Giáo dục công dân được nhiều học sinh chọn vào các môn thi của mình như một cách “cứu cánh” nhằm củng cố thêm số điểm của mình.


Thí sinh vui mừng sau khi làm bài thì của các môn xã hội. (Ảnh: Phạm Hoàng)

Thí sinh vui mừng sau khi làm bài thì của các môn xã hội. (Ảnh: Phạm Hoàng)

Theo em Nguyễn Thị Thu Hà (điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Ia Grai, Gia Lai) cho biết: “Trong tư tưởng ban đầu của em và các bạn thì môn GDCD sẽ dễ và đăng kí thi để có thể tích lũy thêm điểm. Nhưng khi vào thi cũng nhận thấy cũng không dễ lắm các kiến thức cũng được nâng cao. Em thấy môn này rất hay giúp có những kinh nghiệm để bước ra môi trường mới. Trong ngày thi hôm nay cũng khá tự tin với điểm 7 trở lên vì đề thi khá dễ chỉ có một số câu nâng cao…”

Em Trần Hoàng Quân (điểm thi Trường Chuyên Hùng Vương, TP.Pleiku, Gia Lai): “Do em chuyên bên ban xã hội nên đề thi cũng dễ để kiếm điểm. Năm nay em nhận thấy môn Giáo dục công dân đề thi khá dễ. Đây cũng là môn em nâng cao số điểm tích lũy."

Ghi nhận tại Quảng Trị:

Sau buổi thi tổ hợp môn KHXH, các thí sinh tại Quảng Trị thở phào nhẹ nhõm rời khỏi phòng thi vì đã kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia. Các em đều phấn khởi vì làm bài tốt, đề thi không quá khó.

Môn thi tổ hợp KHXH (Sử, Địa, GDCD), cụm thi 31 Quảng Trị có 5.406 thí sinh đăng ký thi. Năm nay, Bộ GD-ĐT áp dụng phương thức thi trắc nghiệm đối với 2 môn Sử, Địa và đưa vào môn mới là GDCD nhưng các thí sinh vẫn làm bài tốt, tự tin.

Các thí sinh rời phòng thi với tâm trạng khá thoải mái
Các thí sinh rời phòng thi với tâm trạng khá thoải mái

Ghi nhận tại điểm thi THPT Lê Lợi, các thí sinh rời khỏi phòng thi đều mang tâm trạng thoải mái vì làm được bài. Em Phạm Thảo Nguyên (học sinh trường THPT Phan Châu Trinh) cho biết, đề thi tổ hợp KHXH vừa sức, nhưng môn Lịch Sử hơi khó, còn các môn Địa và GDCD đều dễ. Em nghĩ rằng, với đề thi này thì tất cả các bạn đều làm được bài vì nội dung bài thi bám sát chương trình phổ thông.


Nụ cười hớn hở trên môi các thí sinh. (Ảnh: Đ. Đức)

Nụ cười hớn hở trên môi các thí sinh. (Ảnh: Đ. Đức)

Còn em Nguyễn Thị Như Quỳnh (học sinh trường THPT Chuyên Lê Qúy Đôn) đánh giá, đề thi có sự phân hóa rất rõ, nhất là môn Lịch sử. Tuy nhiên, kiến thức ra trong đề thi thì đều nằm trong chương trình. Đối với đề thi môn Địa và GDCD thì dễ hơn. Đề Địa cơ bản bám sát Atlat là làm được.

Thí sinh Lê Hữu Tài đánh giá đề thi không quá khó. Môn Sử khó hơn và có sự phân hóa. Các môn còn lại dễ hơn nên thí sinh trung bình cũng làm được 60-70% bài thi.

Ghi nhận tại Bình Định:

Kết thúc 150 phút làm bài tổ hợp 3 môn Sử, Địa và Giáo dục công dân, các thí sinh tại Bình Định phấn khởi cho rằng đề thi vừa tầm với lực học của thí sính.

Em Tạ Quốc Huy, học sinh Trường THPT Quốc học Quy Nhơn cho biết: “Khác với hình thức thi tự luận đòi hỏi phải trình bày bài thi khoa học, thi theo hình thức trắc nghiệm đòi hỏi thí sinh ngoài nắm vững kiến thức còn phải có tư duy lô gic. Trong 150 phút phải làm 3 môn thực sự rất áp lực bởi phải hệ thống toàn bộ kiến thức, nếu thí sinh nào làm không nắm vững kiến thức sẽ bị tâm lý và không làm tốt bài thi”.

Thí sinh chúc mừng sau môn thi tổ hợp xã hội (ảnh Doãn Công)
Thí sinh chúc mừng sau môn thi tổ hợp xã hội (ảnh Doãn Công)
Thí sinh phấn khởi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 tại Bình Định (ảnh Doãn Công)
Thí sinh phấn khởi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 tại Bình Định (ảnh Doãn Công)

Đánh giá cụ thể về 3 đề thi, em Bùi Quốc Cường, học sinh Trường THPT Quốc học Quy Nhơn chia sẻ: “Nhìn chung đề thi 3 môn Sử, Địa và Giáo dục công dân bám kiến thức cơ bản. Trong đó, môn Sử đòi hỏi thí sinh tư duy tốt liên kết các chuỗi sự kiện, còn môn Địa lý thì có những vấn đề khá sát thực tế như vấn đề môi trường, những vấn đề cấp thiết hiện tại. Riêng môn Giáo dục công dân ngoài kiến thức giáo khoa thì còn có những câu hỏi khá hay sát với đời sống hàng ngày”.

Thí sinh Bình Định nhận xét đề thi tổ hợp môn KHXH

Ghi nhận tại tỉnh Bạc Liêu:

Ghi nhận của PV Dân trí buổi thi cuối cùng ngày 24/6 tại Bạc Liêu, nhiều thí sinh cho biết đề thi các môn thuộc tổ hợp môn khoa học xã hội là Sử, Địa và Giáo dục công dân tương đối dễ thở.

Thí sinh Bạc Liêu hoàn thành buổi thi cuối. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Thí sinh Bạc Liêu hoàn thành buổi thi cuối. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Theo các thí sinh, đề mỗi môn có 40 câu, với thời gian 50 phút các thí sinh đều làm kịp thời gian. Trong đó môn Giáo dục công dân nhiều thí sinh hoàn thành khá sớm.

“Đề Sử, Địa và cả Giáo dục công dân không dài, không quá khó, tập trung vào những kiến thức mà em đã học, có thêm phần hiểu biết xã hội nên em làm tương đối tốt”, một nam thí sinh thi tại điểm thi THPT Chuyên Bạc Liêu chia sẻ.

Theo một số thí sinh, đối với môn Giáo dục công dân đề tương đối hay, có những nội bám sát thực tế đời sống nên nhiều em cảm thất rất hứng thú khi làm bài môn này.

Nhiều thí sinh nhận định, với môn Sử và Địa thì điểm thi có thể dao động ở mức 6-7 điểm là nhiều; với môn Giáo dục công dân có thể cao hơn. Tuy nhiên, để có điểm tuyệt đối thì không nhiều.

Ghi nhận tại Nha Trang:

Các thí sinh dự thi THPT quốc gia tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, đề GDCD tương đối vừa sức, bám sát chương trình đã học, mức điểm phổ biến sẽ từ 6-8 điểm.

Thi sinh Gia Bảo, dự thi tại điểm thi trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, đề GDCD có 40 câu và tương đối vừa sức với thí sinh, bám sát sách giáo khoa. “Với đề GDCD, em nghĩ mình làm được 80%. Nói chung đề dễ nên đa phần các thí sinh đều làm được bài”, thí sinh Bảo nhận định.

Thí sinh dự thi tại điểm thi trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa) ra về sau môn GDCD - (Ảnh: Viết Hảo)
Thí sinh dự thi tại điểm thi trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa) ra về sau môn GDCD - (Ảnh: Viết Hảo)

Trong khi đó, thí sinh Quốc Đạt, cũng dự thi tại điểm thi trường iSchool Nha Trang cũng đáng giá đề GDCD không khó để thí sinh hoàn thành tốt bài thi, lấy điểm trên trung bình.

“Các bạn trong phòng em cũng làm được bài và nhìn chung tâm lý rất thoải mái. Đề này em làm đạt 70-80% số điểm. Em nghĩ, đề này thí sinh nào học bài thì có thể đạt trên 7 điểm”, thí sinh Đạt nói.

Ghi nhận tại Đắk Lắk:

Theo ghi nhân của PV Dân trí tại điểm thi trường THPT Hồng Đức (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) kết thúc môn thi tổ hợp Khoa học xã hội nhiều thí sinh chia sẻ rất thích thú với đề thi của 3 môn thi tổ hợp, đặc biệt là môn Giáo dục Công dân.

Thí sinh Đào Thị Mỹ Duyên (THPT Cao Bá Quát), cho biết: “Em đăng ký thi cả 3 môn Sử, Địa và Giáo dục công dân nhưng trong đó môn thi Giáo dục công dân là môn có đề thi dễ nhất và em làm được trên 80% bài nên trong buổi thi cuối cùng này em khá hài lòng về bài làm của mình”.

Thí sinh thích thú với môn thi Giáo dục Công dân (ảnh: Thúy Diễm)
Thí sinh thích thú với môn thi Giáo dục Công dân (ảnh: Thúy Diễm)

Tương tự thí sinh Châu Thị Mỹ Thảo (THPT Buôn Ma Thuột), chia sẻ đề thi môn Giáo dục Công dân là một môn thi mới được Bộ GD-ĐT đưa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia nhưng đề thi lý thuyết rất ít chủ yếu là để thí sinh liên hệ vào cuộc sống thường ngày và rất sát với thực tế nên thí sinh có nhiều điều kiện để bày tỏ quan điểm cá nhân của mình nên rất hào hứng sau khi nhận đề thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017 tai Đắk Lắk có 22.390 thí sinh đăng ký dự thi với 1 Hội đồng thi, 43 điểm thi với 941 phòng thi.

Ghi nhận tại Nghệ An:

Sáng nay, gần 19.000 thí sinh Nghệ An tham gia thi tổ hợp môn KHXH kỳ thi THPT quốc gia 2017. Theo đánh giá chung của nhiều thí sinh, đề thi môn Lịch sử khá khó, các môn Địa lý và Giáo dục công dân dễ ăn điểm.

Đề thi tổ hợp môn KHXH được thí sinh đánh giá vừa sức
Đề thi tổ hợp môn KHXH được thí sinh đánh giá vừa sức

Ở điểm thi Trường THPT Kim Liên, thí sinh Phạm Văn Dũng (thí sinh tự do, đăng kí xét tuyển đại học) cho biết: “Đề thi môn Lịch sử cơ bản, bám sát chương trình. Tuy nhiên, với 50 phút mà làm 40 câu lịch sử thì hơi khó bởi có nhiều câu phải suy nghĩ dài. Một số câu, để làm kịp giờ nộp bài nên em không chắc chắn lắm”.

Theo thí sinh này, đề thi môn Địa lý năm nay không quá khó, trong đó có gần 40% các câu hỏi có thể sử dụng át lát nên với những thí sinh thi để xét tốt nghiệp dễ dàng có điểm trung bình. Đề hoàn toàn nằm trong sách giáo khoa, không có câu hỏi liên hệ với thực tế như những năm trước, do vậy sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm cao môn Địa lý

Tại điểm thi Trường THPT Phan Thúc Trực (Yên Thành), hầu hết thí sinh chúng tôi hỏi đều dự thi tổ hợp môn KHXH để lấy điểm xét tốt nghiệp. Bởi vậy, các em không quá chú trọng về mặt điểm số.

Thí sinh Nguyễn Văn Trọng cho biết: Trong 3 môn tổ hợp thì em thấy đề Sử là khó, em không tự tin lắm. Hai môn Địa lý và Giáo dục công dân thì tương đối dễ, mỗi môn em làm khoảng 40 phút. Nói chung, để lấy điểm 5 - 6 thì không quá khó”.


Tuy nhiên, các em cũng nhận định, trong 3 môn thì môn Lịch sử khó hơn, đề khá dàn trải. (Ảnh: Hoàng Lam)

Tuy nhiên, các em cũng nhận định, trong 3 môn thì môn Lịch sử khó hơn, đề khá dàn trải. (Ảnh: Hoàng Lam)

Tại điểm thi Trường THPT Lê Viết Thuật (Tp Vinh), các thí sinh cũng chung nhận định trên. “Em thấy đề cũng khá là vừa sức, tuy nhiên đề Sử có khó hơn. Có một số câu khá khó, em không trả lời được nên em tô đáp án kiểu xác suất”, thí sinh Phan Lâm Tùng nói.

Thí sinh Bùi Thị Hồng Hạnh đăng kí dự thi tổ hợp môn KHXH lấy điểm xét tốt nghiệp và điểm thành phần môn (Lịch sử và Địa lý) để xét tuyển đại học. “Đề Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân em thấy tương đối làm được, vừa sức với em. Cũng có một số câu hỏi yêu cầu mức độ kiến thức cao, đòi hỏi phải có sự suy luận nhưng đây là các câu hỏi mang tính phân loại, dành cho thí sinh lấy điểm xét tuyển đại học. Thường thì các bạn cũng đã ôn luyện kỹ nên cũng không quá khó”.

Thí sinh Nghệ An nhận định về đề thi tổ hợp môn KHXH

Ghi nhận tại Đà Nẵng:

Sau buổi thi tổ hợp môn Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) sáng nay, nhiều thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2017 tại Đà Nẵng chia sẻ đề thi môn Giáo dục công dân quá dễ.

Các thí sinh tại Đà Nẵng vừa hoàn tất kỳ thi THPT quốc gia 2017
Các thí sinh tại Đà Nẵng vừa hoàn tất kỳ thi THPT quốc gia 2017

Theo thí sinh Phương Liên, thi tại điểm trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), ở môn thi Giáo dục công dân - môn thi cuối buổi thi tổ hợp môn Khoa học xã hội - chỉ cần 30 phút là thí sinh đã làm xong 40 câu hỏi trắc nghiệm trong đề. Các tình huống nêu ra trong đề không quá khó vì rất gần gũi với thực tiễn cuộc sống thường ngày.


Đề thi tổ hợp môn Khoa học xã hội nhẹ nhàng, thí sinh phấn khởi tan trường thi. (Ảnh: Khánh Hiền)

Đề thi tổ hợp môn Khoa học xã hội nhẹ nhàng, thí sinh phấn khởi tan trường thi. (Ảnh: Khánh Hiền)

Cũng theo thí sinh Phương Liên, trong 3 môn thi tổ hợp Khoa học tự nhiên thì đề thi môn Lịch sử là khó hơn hai môn thi còn lại. Ở một số câu hỏi đề thi có tính phủ định, nếu thí sinh không cẩn thận thì dễ chọn nhầm đáp án. Môn Địa lý chỉ cần sử dụng Atlat hiệu quả là có thể dễ dàng có điểm trên trung bình.

Thí sinh Phước Lộc, học sinh THPT Nguyễn Hiền, dự thi cả 3 môn Sử, Địa, Công dân cũng phấn khởi cho biết em làm bài thi sáng nay khá tốt, hầu như làm được trên 80% ở tất cả các môn thi, vì đề thi dễ. “Ở môn Giáo dục công dâm, do là môn thi đầu tiên, nên trước đó, em làm đề thi thử nhiều hơn khi ôn tập, và đề ra nhẹ nhàng, tình huống đưa ra cho thí sinh chọn đáp án không phức tạp, lắt léo”.

Ghi nhận tại Thừa Thiên Huế:

Theo nhìn nhận chung, thì đề năm nay không khó, bám sát chương trình học và chỉ cần nắm vững chương trình học là có thể làm được tốt. Riêng môn Giáo dục Công dân là lần đầu tiên tổ chức thi nhưng đề ra không làm khó thí sinh, nhiều thí sinh hoàn thành bài thi chỉ sau 2/3 thời gian làm bài.

Theo tình hình PV ghi nhận được, tại tất cả các hội đồng thi ở TP Huế số lượng thí sinh dự thi ngày hôm nay ít hơn so với hai ngày trước đó.


Các bạn thí sinh vui vẻ bước ra khỏi phòng thi vì đề khá dễ thở. (Ảnh: Quỳnh Nga/Đại Dương)

Các bạn thí sinh vui vẻ bước ra khỏi phòng thi vì đề khá "dễ thở". (Ảnh: Quỳnh Nga/Đại Dương)

Em Phan Thị Anh Thi, học sinh trường THPT Nguyễn Huệ, TP Huế cho biết: “Trước khi vào thi em cũng rất lo sợ. Vì các lần thi trước đây, 2 môn Sử Địa được thi theo hình thức tự luận năm nay thi theo hình thức trắc nghiệm em sợ sẽ gây khó khăn cho chúng em. Thế nhưng, em thấy đề ra khá dễ, không làm bọn em phải suy nghĩ nhiều”.

“Em làm được khoảng trên 80% các môn tổ hợp Khoa học Xã hội sáng nay. Vì đề ra bám sát chương trình học, chỉ cần học bài là làm được. 3 môn sáng nay, môn nào làm bài em cũng thừa thời gian”, Trần Minh Nguyên, học sinh trường THPT Nguyễn Huệ chia sẻ.

Với nụ cười tươi trên môi vì làm bài khá thành công, Phan Anh Tú, học sinh trường Chi Lăng, TP Huế nói “Đây là lần đầu tiên, môn Giáo dục Công dân được tổ chức thi, em thấy đề rất dễ. Thậm chí, những bạn không học bài có thể suy luận một tí vẫn có thể đánh được đáp án chính xác”.


Các bạn thí sinh vui vẻ bước ra khỏi phòng thi vì đề khá dễ thở. (Ảnh: Quỳnh Nga/Đại Dương)

Các bạn thí sinh vui vẻ bước ra khỏi phòng thi vì đề khá "dễ thở". (Ảnh: Quỳnh Nga/Đại Dương)

Phụ huynh chờ con thi xong buổi thi cuối cùng tại Huế

Ghi nhận tại Quảng Ngãi:

Buổi thi tổ hợp môn Khoa học xã hội sáng nay 24/6, tại Quảng Ngãi có 6.337 thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử, 6.252 thí sinh thi môn Địa lý và 5.497 thí sinh thi Giáo dục công dân.

Tại điểm thi trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi), trao đổi với PV Dân trí, thí sinh Nguyễn Như Quỳnh, nhận định: Đề thi tổ hợp Khoa học xã hội sẽ có nhiều điểm cao. Việc làm bài thi theo kiểu trắc nghiệm với nhiều câu hỏi vận dụng kiến thức thực tế khá hay, nhất là đối với môn Giáo dục công dân.

"Những thí sinh quan tâm đến các vấn đề xã hội sẽ "ăn điểm" ở các câu hỏi kiến thức thực tế. Đây là một cách ra đề hay nhằm khuyến khích học sinh theo dõi các vấn đề xã hội trên sách báo. Em thấy đề nhẹ nhàng và khá hay. Riêng môn Giáo dục công dân em có thể đạt điểm 8", Quỳnh chia sẻ.

Thí sinh ở Quảng Ngãi phấn khởi sau buổi thi cuối cùng
Thí sinh ở Quảng Ngãi phấn khởi sau buổi thi cuối cùng

Kết thúc buổi thi cuối, thí sinh tại điểm trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Quảng Ngãi) tỏ ra khá hào hứng. Thí sinh Phạm Thị Mỹ Linh vui mừng cho biết: Đề thi môn Giáo dục công dân hay, sát với kiến thức được ôn tập, có nhiều câu liên hệ thực tế cuộc sống. Với đề thi của mình, Linh cho biết đều dư thời gian làm bài.

"Đề nhẹ nhàng, thời gian làm bài của em và các bạn chung phòng thi khá thoải mái nên em nghĩ ở tổ hợp Khoa học xã hội sẽ có nhiều điểm cao".

Thí sinh Quảng Ngãi nhận định đề thi môn Giáo dục công dân

Như vậy là các thí sinh đã hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia 2017 với môn thi cuối Giáo dục công dân trong tổ hợp Khoa học xã hội. Chúc các em nghỉ ngơi mạnh khỏe sau kỳ "vượt vũ môn" và đạt điểm thi ưng ý nhé!

Nhóm PV