Bạn đọc viết:

Dễ dàng bị sự dối trá đánh lừa thế sao?

(Dân trí) - Mới đây, mạng xã hội rộn ràng với một đề thi cực “sốc” trong đó phần Tập làm văn chiếm đến 7 điểm với yêu cầu: phân tích bộ phim “Cô dâu 8 tuổi”. Sự vô lí của đề thi đã quá rõ ràng, nhưng lạ là bao nhiêu người vội vàng lao vào bình phẩm, phê phán, lên án.

Chưa bao giờ cải cách giáo dục nước nhà lại được đem lên bàn cân đo đong đếm căng thẳng như thời điểm hiện tại bởi một loạt đề thi “mở”. Đề chạy theo trào lưu “hot teen” thì có “Hậu duệ của Mặt trời”, “Soái ca”, “Vợ người ta”… Đề đưa vào “thần tượng” giới trẻ thì có Sơn Tùng - MTP, Phương Mĩ Chi... và thậm chí là Lệ Rơi. Đề “bắt mạch” cuộc sống thì có hiện tượng thủy triều đỏ, thói xấu người Việt không biết xếp hàng…

“Độc”, “lạ” và “sốc” là những cụm từ thường thấy khi nói về các đề "mở" thu hút sự quan tâm, bình phẩm của dư luận. Khen cũng có mà chê thì không ít. Đúng - sai, hay - dở của chúng, chúng ta tạm thời không luận bàn ở đây. Tôi đang muốn đề cập đến một khía cạnh khác đó là chữ “tâm” của người đăng tin và cái “tầm” của người đọc trên mạng xã hội.

Mới đây, mạng xã hội lại rộn ràng like, share, comment với một đề thi không thể nào “độc” hơn, “lạ” hơn, “sốc” hơn. Nhìn vào bức ảnh, ta dễ dàng thấy đây là đề thi học kì 2 được cho là của trường THPT Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông. Nhưng “nhìn vậy mà không phải vậy” đâu, bởi phần Tập làm văn chiếm đến 7 điểm lại là yêu cầu “trời ơi đất hỡi”: phân tích bộ phim “Cô dâu 8 tuổi”.

Dễ dàng bị sự dối trá đánh lừa thế sao? - 1

Ngay sau khi xuất hiện trên mạng, đề thi đã thu hút hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận trên mạng xã hội. Phần lớn ý kiến phê phán lối ra đề thi vô lí của nhà trường và phản đối gay gắt cách ra đề thi này, đồng thời yêu cầu Sở GD&ĐT Đăk Nông cần có hình thức xử lí đối với giáo viên, nhà trường có kiểu ra đề thi lạ lùng như vậy.

Đầu tiên phải xét đến chữ “tâm” của facebooker đã đăng tải đề thi. Mạng xã hội là một thế giới mở. Nhưng điều đó không đồng nghĩa là dung túng cho mọi điều xấu, cái sai, sự ích kỉ và thói giả dối của người dùng. Trong khi dư luận đang chĩa “mũi nhọn” vào những cải cách của giáo dục, trong đó có sự đổi mới ra đề thi, kiểm tra thì một hành động giả mạo theo kiểu đùa vui, câu like như vậy chỉ càng làm nóng thêm những phản ứng gay gắt của một bộ phận phụ huynh chưa chấp nhận được cái “mới”, khoét sâu thêm những tranh luận không dứt về vai trò của giáo dục.

Thêm vào đó là danh dự của một trường học đã bị bôi nhọ phần nào. Dù thầy hiệu trưởng trường THPT Đăk Mil đã lên tiếng phủ nhận đề thi này và khẳng định đây là đề thi giả mạo thì nó đã bị phát tán rộng rãi khắp mạng xã hội, người người lao vào phán xét và mấy ai kịp biết đến những thông tin đính chính giữa ngút ngàn tin tức như vậy.

Tiếp đến, chúng ta hãy xem cái “tầm” của người đọc. Tiếp nhận thông tin luôn đòi hỏi kĩ năng phân tích và một cái đầu sáng suốt nhìn nhận, phân biệt thật - giả. Sống trong một thế giới phẳng với đủ loại thông tin theo kiểu “thượng vàng hạ cám”, đâu phải lúc nào ta cũng có thể bình tâm, sáng dạ để tách bạch “vàng thau lẫn lộn”. Tuy nhiên, chấp nhận những thông tin trong đề thi giả mạo này lại là một chuyện không thể nào chấp nhận được.

Chẳng có thầy cô nào lại ra đề thi học kì một cách vô lí đến như thế. Có chăng chỉ là sự sai sót trong một số dữ kiện, số liệu, thông tin nào đó. Có chăng chỉ là việc hiểu đề thi mở còn máy móc khi lập tức đưa những vấn đề nóng hổi của thực tế cuộc sống vào đề một cách khập khiễng, gượng ép...

Sự vô lí của đề thi đã quá rõ ràng, nhưng lạ là bao nhiêu người đọc vội vàng bỏ qua khâu “kiểm duyệt” của chính bản thân để rồi lao vào bình phẩm, phê phán, lên án. Mặt trái của mạng xã hội ngày càng bộc lộ rõ buộc chúng ta phải bình tĩnh hơn khi tiếp nhận thông tin. Đừng để sự dối trá đánh lừa một cách dễ dàng như thế!

Ngọc Hùng