ĐBSCL: Nguồn nhân lực dồi dào nhưng chất lượng còn thấp

(Dân trí) - Ngày 5/11, tại Cần Thơ diễn ra hội thảo “nguồn nhân lực cho phát triển Đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Trường Đại học RMIT (Úc) tổ chức.

 


PGS-TS Lê Việt Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ phát biểu tại hội thảo.

PGS-TS Lê Việt Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ phát biểu tại hội thảo.

PGS-TS Lê Việt Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết đến thời điểm hiện tại thì chương trình đào tạo 1000 cán bộ khoa học kỹ thuật sau đại học ở nước ngoài cho 13 tỉnh, thành ĐBSCL (Mekong 1000), các địa phương đã cử được 600 lượt ứng viên đi học nước ngoài tại 160 viện, trường thuộc 23 quốc gia trên thế giới như Anh, Úc, Nhật Bản, Đức, Bỉ, Mỹ, Hà Lan, Pháp, Na Uy…, trong đó, đã đào tạo xong 400 ứng viên.

Cũng theo ông Dũng, chương trình Mekong 1000 góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL. Chương trình đã đào tạo được số lượng khá lớn cán bộ, công chức, viên chức trẻ, có trình độ, chuyên môn cao, phong cách làm việc hiện đại nhanh và hiệu quả…

Số liệu từ Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho thấy, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của vùng đến nay đạt 40%, bình quân đào tạo 445 ngàn lượt người/năm; toàn vùng có 22 trường cao đẳng nghề, 35 trường trung cấp nghề. Tất cả các huyện đều có Trung tâm giáo dục thường xuyên. Về giáo dục đại học, bình quân 190 sinh viên/1 vạn dân.

Mạng lưới dạy nghề vùng ĐBSCL 5 năm qua (2011 - 2015) đã phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Đến nay có 176 cơ sở dạy nghề. Công tác xã hội hóa dạy nghề được đẩy mạnh, có 39 cơ sở dạy nghề ngoài công lập, chiếm 22,16% nhiều mô hình dạy nghề đa dạng sáng tạo như dạy nghề tại các doanh nghiệp, dạy nghề cho các khu công nghiệp… Nguồn nhân lực ĐBSCL khá dồi dào nhưng chất lượng thấp nhất cả nước do hệ thống cơ sở đào tạo chưa phân bổ hợp lý, chương trình ngành nghề đào tạo, giảng viên chưa đáp ứng được như cầu, người dân cũng chưa nhận thức đúng cho việc đầu tư nâng cao năng lực.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, hiện nay, toàn vùng vẫn còn gặp một số khó khăn là do một số trường chưa chủ động dự báo, nghiên cứu nhu cầu nhân lực của thị trường lao động để đào tạo mà chủ yếu đào tạo trên cơ sở khả năng của trường. Một trong những khó khăn lớn là tỷ lệ bác sĩ/vạn dân rất thấp (vùng ĐBSCL hiện có 5,26 bác sĩ/ vạn dân, trong khi cả nước là 7,5 bác sĩ/vạn dân)…

Ông Võ Trọng Hữu, Vụ trưởng Vụ văn hóa xã hội Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng: Để thực hiện tốt công tác phát triển nguồn nhân lực cho vùng, cần đẩy mạnh phân luồng, định hướng giáo dục tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp trung học để góp phần hình thành đội ngũ nhân lực theo quy mô cơ cấu nghề. Xây dựng cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với xu thế phát triển kinh tế, đặc biệt là các ngành mũi nhọn của tỉnh/thành...

Cũng tại hội thảo, trong phần tham luận về mối quan hệ giữa Đại học RMIT với Đại học Cần Thơ trong nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực, TS. Eugene Sebastian, Trường Đại học RMIT Úc cho biết: "Đây là cơ hội tốt cho chúng tôi đối thoại mang tính chiến lược, để cùng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác phối hợp đào tạo nguồn nhân lực. Từ đó tìm ra các giải pháp, tác động rõ ràng trực tiếp cho ĐBSCL trong phát triển nguồn nhân lực. Tìm ra những giải pháp thích ứng nâng cao năng lực đáp ứng cho tương lai, giúp năng lực thích ứng và nghiên cứu. Từ đó xây dựng mối liên kết, liên minh giữa 2 nước Úc và Việt Nam trong công tác đào tạo nguồn nhân lực…".

Phạm Tâm