Dạy thêm, học thêm không hẳn là xấu!

(Dân trí) - Dạy thêm, học thêm không hẳn là xấu nếu người dạy có nhiệt tâm và người học có nhu cầu, động lực học tập chính đáng. Ngược lại, bất kì một hành động chạy đua học thêm nào theo trào lưu để mong nâng cao điểm số, thay đổi thành tích và làm “vừa lòng” giáo viên thì đều đáng bị lên án.

Dạy thêm - học thêm là những từ khóa khá nhạy cảm đối với dư luận trong thời gian gần đây. Người người ca thán tình trạng học sinh học thêm quá tải, nhà nhà lên án việc giáo viên “găm bài”, gây sức ép buộc học sinh đi học thêm. Nhà quản lí giáo dục liên tục đưa ra qui định cấm giáo viên dạy thêm với nhiều chế tài xử phạt. Hầu như mọi ý kiến, suy xét đều “chĩa mũi nhọn” lên án, phê phán mặt tiêu cực của tình trạng này. Tuy nhiên, dưới quan điểm của mình, tôi xin khẳng định: Dạy thêm - học thêm không hẳn là xấu!

Rất nhiều người so sánh việc dạy học ngày nay với tình hình giáo dục của ngày xưa với lập luận rằng thế hệ đi trước không hề học thêm, học bớt nhưng vẫn thành công và thành danh. Quả thực đó là một thực tế, nhưng không phải không có lí do của nó.

Đời sống vật chất thời trước không được đủ đầy như ngày nay, việc học của con em cũng chưa được nâng lên một vị trí hàng đầu như bây giờ để mỗi gia đình đều dành ưu tiên số một cho việc học của con trẻ. Cuộc sống từ mơ ước “ăn no mặc ấm” tiến đến một phần lớn gia đình đã đạt được “ăn ngon mặc đẹp”. Khi vật chất đủ đầy hơn trước, người ta có điều kiện và nhu cầu quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống tinh thần và bắt đầu đặt những mục tiêu cao hơn để phấn đấu, trong đó có sự thành công của con em.

Phải khẳng định rằng một bộ phận phụ huynh luôn mang tâm lí so sánh con mình và “con nhà người ta”. So sánh rồi lo lắng con mình thua thiệt, thấp kém con người để rồi chính mình đẩy con trẻ vào cuộc đua học thêm, học kèm, học trung tâm. Không thể phủ nhận tình trạng một bộ phận nhỏ giáo viên “ép” học sinh học thêm bằng nhiều chiêu trò nhưng không phải thầy cô cứ muốn ép là được nếu không nhận được sự đồng thuận từ phụ huynh. Vậy thì, phải chăng phụ huynh đã góp một phần không nhỏ đẩy cao trào dạy thêm, học thêm lên cao?

Mặt khác, việc thi cử thời trước không dễ dàng nhưng khối lượng kiến thức và yêu cầu không quá nặng như hiện nay. Việc học thêm lại không hề được phổ biến. Trong một lớp học có rất ít người tham gia các lớp học thêm, chủ yếu là tự học và học từ anh chị đi trước. Có trí thông minh trời phú là điều tuyệt vời. Còn không thì mỗi người luôn tự nhủ “Cần cù bù thông minh” để cố gắng học và thi.

Tuy nhiên , đặt vào xã hội của chúng ta ngày nay, chỉ xét các cuộc thi tuyển sinh đầu cấp THCS và THPT hay thi đại học, giả sử các cháu không học thêm để bồi dưỡng kiến thức nâng cao, luyện đề, giải đề… thì chẳng bao giờ đáp ứng được mức độ khó của các đề thi. Vì vậy, nếu xuất phát điểm của việc dạy thêm, học thêm là để bồi dưỡng kiến thức nảy sinh từ chính nhu cầu của học sinh và phụ huynh thì không có lí do gì để chúng ta phê phán nó.

Kiến thức thì bao la, yêu cầu về chuẩn kiến thức và kĩ năng trong mỗi bài học phải hình thành ở học sinh luôn đặt ra thách thức không nhỏ đối với người giáo viên đứng lớp. Bởi lớp học đại trà, chất lượng học sinh không đồng đều. Đối tượng học sinh khá giỏi cần nhiều hơn những kiến thức cơ bản, nhưng dạy nâng cao ở lớp sẽ không thể thực hiện được. Học sinh yếu kém lại cần kiến thức nền tảng nhưng không thể cứ mãi ôn bài, chú trọng quá nhiều đến các em mà bỏ qua các đối tượng giáo dục khác. Lúc này, các lớp học thêm sẽ phát huy được tác dụng: Bồi dưỡng học sinh khá giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém.

Như vậy, dạy thêm, học thêm không hẳn là xấu nếu người dạy có nhiệt tâm và người học có nhu cầu, động lực học tập chính đáng. Ngược lại, bất kì một hành động chạy đua học thêm nào theo trào lưu để mong nâng cao điểm số, thay đổi thành tích và làm “vừa lòng” giáo viên thì đều đáng bị lên án. Và bất kì giáo viên nào biến dạy thêm thành một công việc “kinh doanh”, dùng mọi chiêu trò để tăng “doanh thu”, để lại nhiều hệ lụy và điều tiếng thì cần phải kịch liệt phê phán.

Thùy Mai

Dòng sự kiện: Dạy thêm, học thêm