Dạy Sử không nhồi nhét

(Dân trí) - Với cô giáo Nguyễn Thị Thiên Minh, giáo viên Sử tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM, để học trò không “học vẹt” môn Sử thì phải khơi dậy được cảm xúc từ các em. Trong đó, vai trò của giáo viên hết sức quan trọng.

Tiết thứ 5 ngày 7/11, nhiều phóng viên báo đài cùng dự giờ học Sử tại lớp 12B1, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong do cô giáo Nguyễn Thị Thiên Minh đứng lớp. Cô Thiên Minh là một trong những giáo viên giành giải thưởng Võ Trường Toản năm nay.

Cô giáo Nguyễn Thị Thiên Minh trong giờ dạy học. 
Cô giáo Nguyễn Thị Thiên Minh trong giờ dạy học. 

Giai đoạn Việt Nam sau cách mạng tháng Tám năm 1945 trong bài giảng của cô được tái hiện cụ thể, rõ nét qua những hình ảnh, những thước phim tư liệu, bản đồ. Không chỉ cô giáo dạy học trò, cô đưa ra những câu hỏi mở để học sinh (HS) chủ động bày tỏ theo cách hiểu của mình.

Không phải cô giáo mà HS khác sẽ đánh giá, cho ý kiến về câu trả của bạn. Chỉ với 45 phút, khối lượng kiến thức đồ sộ không chỉ là những con số, sự kiện mà bản chất của từng sự kiện đó được lý giải một cách dễ hiểu, HS có thể nắm bài ngay tạp lớp.

Lớp học như lặng đi trước giọng hiền hòa của cô: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, câu nói này đúng trong mọi giai đoạn. Dân tộc Việt Nam yếu hay mạnh phụ thuộc vào các em đó”.

Trong hơn 30 năm công tác, cô Thiên Minh giành rất nhiều giải thưởng, bằng khen trong việc đào tạo, giáo dục HS. Ở ngôi trường không có ban C nhưng có 13 học trò của cô Minh đạt HS giỏi Quốc gia môn Sử, 34 Huy chương Olympic. Có những em vào tuyển chỉ vì yêu môn Sử và yêu cô giáo của mình.

Cô Thiên Minh (
Cô Thiên Minh (áo tím) trong chuyến tìm hiểu lịch sử về khu di tích Ấp Bắc (Tiền Giang) cùng đồng nghiệp và học trò. 

Cô Minh chia sẻ, việc dạy Sử cần tái hiện được quá khứ như nó đã tồn tại. Đồng thời tạo biểu tượng khơi dậy cảm xúc sâu sắc về lịch sử cho học trò giúp các em nhận thức đúng bản chất của sự kiện. Bởi chỉ khi các em hiểu được vấn đề, hiểu được từng giai đoạn lịch sử thì tâm hồn các em mới có thể rung động.

Từ năm 1993, cô Minh đã đứng ra tổ chức hoạt động quyên góp giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ ngay trong tổ bộ môn, trong lớp mình phụ trách. Sau đó chuyển thành hoạt động ngoại khóa của trường với các hoạt động như Đền ơn đáp nghĩa, Về nguồn... Nhiều hoạt động do chính học trò khởi xướng khi các em cảm nhận được sự hy sinh mất mát của thế hệ cha ông.

Những hoạt động này đưa các em về gần hơn với lịch sử, các em hiểu rõ thêm về môn học này. Sử đâu chỉ là những con số, sự kiện khó nhớ mà chính là giáo dục đạo đức, tâm hồn, suy nghĩ trưởng thành hơn cho thế hệ trẻ.

Với cô Minh, môn Sử chính là giáo dục đạo đức, tâm hồn cho thế hệ trẻ.
Với cô Minh, môn Sử chính là giáo dục đạo đức, tâm hồn cho thế hệ trẻ.

Năm học này, cô Thiên Minh là một trong những giáo viên tiêu biểu của TPHCM nhận giải thưởng Võ Trường Toản - giải thưởng tôn vinh các thầy, cô giáo đã có nhiều đóng góp xuất sắc, tiêu biểu trong ngành giáo dục - đào tạo của TPHCM.

Cuối năm học này, cô Thiên Minh đến tuổi về hưu. Người giáo viên ấy luôn được đồng nghiệp đánh giá luôn không ngừng học tập, nghiên cứu và tìm tòi nhằm đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực của HS. Điều này xuất phát từ quan niệm của cô, việc học là vô hạn, người giáo viên không thể dừng chân một chỗ.

“Học sinh không ghét, không sợ môn Sử mà các em ngại học môn Sử thì đúng hơn. Chương trình học của các em rất nhiều, ngoài học ở trường, các em còn đi học thêm, phải tập trung cho những môn thi để đỗ để vào đại học. Chưa kể, bên cạnh đó có nhiều thú vui giải trí như truyện tranh, game... thu hút các em hơn rất nhiều”. - Nhà giáo Nguyễn Thị Thiên Minh

Hoài Nam