Dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1: Bộ cấm, phụ huynh cuống cuồng

(Dân trí) - Trong khi Bộ GD-ĐT yêu cầu: “Tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ, không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ” thì nhiều phụ huynh đang cuống cuồng cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1 chỉ vì sợ con không theo kịp các bạn.

Sau giờ học thêm, bé Lam phải tập luyện chữ để chuẩn bị vào lớp 1.
Sau giờ học thêm, bé Lam phải tập luyện chữ để chuẩn bị vào lớp 1.

Từ đầu tháng 6, thay vì cho con về quê chơi với ông bà nội, anh Trần Thanh Trường (Nghi Phú, Tp Vinh, Nghệ An) đã cho cô con gái Trần Hồng Thanh Lam đi học thêm ở nhà cô giáo là người quen.
 
“Chết thật, không biết ở trường mầm non người ta dạy thế nào mà sắp vào lớp 1 rồi nhưng con bé nhà anh chưa biết chữ. Còn có mấy tháng nữa là vào lớp 1, phải tìm chỗ dạy cho cháu chứ không vào năm học mới thì không kịp”, anh phân trần.

Mặc dù đã được giải thích về những lợi – hại của việc cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 nhưng anh Trường vẫn kiên quyết: “Biết trước thì vẫn hơn. Lớp mấy chục cháu, cô giáo sao mà bày được hết”.

Nhà giáo Phạm Huy Đức: “Để trẻ em có được sự háo hức, hào hứng với trường học mới, điều quan trọng là cha mẹ của trẻ cần chuẩn bị tâm thế cho trẻ; trang bị cho trẻ những kỹ năng tự lập để trẻ tự tin và nhanh chóng hòa nhập với việc học tập ở trường tiểu học. Học trước chương trình không làm cho trẻ giỏi lên mà chỉ gây áp lực cho trẻ, làm cho trẻ không hào hứng, thậm chí là kém sút khi vào học lớp 1”.

Sáng sớm, khi vợ đi làm, anh nhận trách nhiệm đưa cậu con út đi nhà trẻ rồi đưa cô con gái đến lớp học chữ. Chưa yên tâm, tối về cơm nước xong, anh lại bắt con gái ngồi vào bàn tập tô, tập đọc. “Đấy, đi học thêm có mấy hôm mà đã biết đọc, biết viết, viết được cả từ ghép rồi”, anh hồ hởi khoe.

Cũng giống anh Trường, chị Hoàng Thị Hằng (Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) 1 tháng nay ngày nào cũng cần mẫn chở con đến học tại nhà một cô giáo ở Tp Vinh chỉ vì sắp lên lớp 1 mà thằng cu nhà chị chưa biết chữ.

Mỗi buổi học 2 tiếng giá 30.000 đồng, vị chi mỗi tuần (trừ thứ 7, Chủ nhật) 150.000 đồng đó là chưa kể chị Hằng phải thu xếp công việc đồng áng để đưa, đón con đi học.

“Lên lớp 1 mà chưa biết chữ sợ cháu không theo kịp các bạn. Trong xóm có 2 cháu cùng tuổi thằng bé nhà chị cũng được bố mẹ cho đi học trước. Cũng nghe nói cho trẻ đi học trước chương trình là không nên nhưng con mình không học, con người ta học và biết trước hết, sợ khi vào lớp cháu ảnh hưởng đến tâm lý rồi đâm ra chán học”, chị Hằng tâm sự.

Lo sợ con mình không theo kịp các bạn, nhiều phụ huynh ép con học chữ trước.
Lo sợ con mình không theo kịp các bạn, nhiều phụ huynh "ép" con học chữ trước.

Chị N.T.L – một giáo viên ở huyện Diễn Châu cũng đưa con trai (5 tuổi) đi học chữ vì sắp tới bé vào lớp 1. “Học sinh lớp 1 học kỳ 1 mà chưa biết chữ thì hỏng. Lớp thì đông học sinh, các cô sao mà quan tâm sát sao đến từng cháu được. Cứ phải cho đi học trước cho yên tâm, cháu nó biết chữ rồi thì mình có thời gian mà rèn viết chữ đẹp”, chị L. quả quyết.
 
Vậy là, thay vì vui chơi thỏa thích đúng với lứa tuổi hay chơi các trò chơi trí tuệ để kích thích sự phát triển trí não thì bé Hải nhà chị L. gò lưng trên bàn, bặm môi đưa từng nét bút trên cuốn vở tập tô rồi học ghép vần, làm toán.

Về vấn đề dạy trước chương trình lớp 1, ngày 28/6/2013, Bộ GD-ĐT đã có Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT, trong đó ghi rõ: “Dạy và học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học lớp 1 vì sẽ làm trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt”.

Bên cạnh nghiêm cấm giáo viên tổ chức hoặc tham gia dạy học trước chương trình lớp 1, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các Sở GD-ĐT phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền để cha mẹ học sinh và xã hội nhận thức đúng đắn về tác hại của việc dạy học trước chương trình lớp 1, không cho trẻ học trước chương trình lớp 1. Tuy nhiên, vì lo con không theo kịp các bạn nên nhiều phụ huynh vẫn tìm chỗ cho con học trước.

Thay vì ép con học chữ, hãy cho các cháu tham gia các trò chơi phát triển trí tuệ.
Thay vì "ép" con học chữ, hãy cho các cháu tham gia các trò chơi phát triển trí tuệ.

Một giáo viên (xin giấu tên) cho biết: “Thực tế trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 thì cô giáo khỏe hơn vì mỗi lớp đến 40-50 cháu, cháu nào cũng chưa biết chữ, các cô xoay như chóng chóng cũng không kịp. Trường cũng quán triệt không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ nhưng phụ huynh đến nhờ kèm cặp, lúc đầu chỉ 1 cháu, rồi 2 cháu, đến khi mấy chục cháu xin học…”.
 
Tâm lý của phụ huynh cộng với sự “phớt lờ” quy định của một số giáo viên khiến nhiều trẻ vẫn phải mang “gánh nặng” học hành dù chưa lên lớp 1.

Cậu con trai của chị Nguyễn Thị Hà (phường Lê Lợi, Tp Vinh, Nghệ An) năm nay lên lớp 3. Cháu được các cô giáo đánh giá tiếp thu nhanh, nắm vững kiến thức và luôn nằm trong Top 5 của lớp. Đặc biệt, chữ viết của cháu luôn được đánh giá là sạch sẽ, đều, đẹp. Nhưng khi chị Hà tâm sự việc học của cháu chỉ thực sự bắt đầu từ khi bước chân vào lớp 1 thì nhiều người không tin.

“Hồi cháu chuẩn bị vào lớp 1, trong khi các bạn khác được bố mẹ đưa đi học chữ, học đếm, tính toán thì chị vẫn “gan lỳ” cho con về quê chơi với ông bà. Vào năm học được 1 tháng, cô giáo gọi điện than thở cháu viết chậm nhất lớp, cô phải cầm tay đưa từng nét trong khi các bạn khác đã biết đọc biết viết cả rồi khiến chị cũng lo lắng lắm.
 
Có lúc cũng hối hận vì mình không cho con đi học trước nhưng kết thúc học kỳ 1 thì thằng bé vẫn lọt vào Top3 của lớp, trong khi các bạn được học chương trình trước lại không có được thành tích đó do thiếu tập trung và có phần chủ quan vì nghĩ mình biết cả rồi.
 
Con mình học giỏi hay không giỏi không phụ thuộc vào việc học trước hay sau mà phụ thuộc vào năng lực, khả năng tiếp thu, sự kèm cặp của thầy cô và bố mẹ”, chị Hà phân tích.

Bước vào lớp 1, thời gian đầu trẻ đọc chưa được, viết chữ xấu là chuyện bình thường, chuyện tất yếu, vì bắt đầu từ lớp 1 trẻ mới được học những nội dung này. Cha mẹ không nên quá lo lắng tới mức gây áp lực cho trẻ em. Hãy tạo điều kiện cho trẻ em vui chơi, hoạt động hồn nhiên đúng với lứa tuổi của mình. 

Hoàng Lam

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!