Đầu xuân gặp 3 tiến sỹ trẻ

Một môi trường đủ để thỏa mãn đam mê nghiên cứu, làm việc, một cơ hội để không ngừng trau dồi thêm kiến thức sẽ là “địa chỉ đỏ” thu hút các trí thức trẻ đóng góp cho đất nước.

Những câu chuyện về các trí thức trẻ của Việt Nam, có năng lực đi tìm kiếm công việc thu nhập cao tại các công ty liên doanh, hoặc sang hẳn nước ngoài để sống và làm việc không còn là hiếm. Thế nhưng, khi tiếp xúc với các tiến sỹ trẻ lần này chúng tôi thấy có nhiều sự khác biệt.

Tiến sỹ Lê Sỹ Vinh, giảng viên khoa Công nghệ thông tin, ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, là một trong những tri thức trẻ trở về nước làm việc sau nhiều năm học tập nghiên cứu tại nước ngoài.

Đầu xuân gặp 3 tiến sỹ trẻ  - 1
Tiến sỹ Lê Sỹ Vinh.

Sinh năm 1980, Vinh hoàn thành luận án tiến sỹ công nghệ thông tin tại ĐH Heinrich Heine (CHLB Đức) khi mới 25 tuổi. Mặc dù nhiều cơ hội để anh có một công việc với thu nhập cao ở nước ngoài, nhưng Vinh đã quyết định trở về quê hương với mong muốn “mình có nhiều điều kiện phát triển và đóng góp cho giáo dục”.

Là tác giả của phần mềm “Phân tích cây phát sinh loài từ dữ liệu sinh học phân tử (DNA, protein)” và “Phân tích dữ liệu sinh học phân tử (DNA, protein, genome)” đang ứng dụng rộng rãi bởi nhiều nhà khoa học và tổ chức nghiên cứu trên thế giới, nhưng Vinh thật khiêm tốn. Câu nói: “Mình chưa đóng góp được gì cho đất nước” luôn được Vinh nhắc đi, nhắc lại. Theo Vinh: “cốt lõi nhất vẫn là từng cá nhân khi quay trở về Việt Nam phải cố gắng và làm việc với 200% khả năng của mình”.

Tiến sỹ Lê Thị Phương Quỳnh, Viện Hoá học Các hợp chất thiên nhiên, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam quan niệm: cống hiến và thoả chí đam mê nghiên cứu là mục tiêu hướng tới. Để khắc phục khó khăn về phương tiện nghiên cứu, chị cộng tác với đồng nghiệp nước ngoài để trao đổi kiến thức rồi sang thực tập ở nước ngoài.

Đầu xuân gặp 3 tiến sỹ trẻ  - 2
Tiến sỹ Lê Thị Phương Quỳnh.

Bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại ĐH Pierre et Marie Curie năm 29 tuổi, tiến sỹ Quỳnh trở về nước với nhiều hoài bão đóng góp vào nền khoa học nước nhà. Đề tài nghiên cứu chị đang theo đuổi là vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, sử dụng mô hình hoá, công cụ toán học để cho phép biểu diễn mối liên hệ giữa chất lượng nước với hệ thống sông với tác động của con người và điều kiện tự nhiên trong lưu vực sông Hồng. Đề tài được đánh giá là nghiên cứu điển hình góp phần vào ứng dụng thực tiễn đối với hệ thống sông ngòi ở Việt Nam và khu vực châu Á.

Theo tiến sỹ Quỳnh, để thu hút được giới trẻ về làm việc lâu dài, các cơ sở nghiên cứu cũng cần được đầu tư những thiết bị hiện đại để đáp ứng được những yêu cầu của sự phát triển khoa học hiện nay.

Còn tiến sỹ Nghiêm Thị Hà Liên, Viện Vật lý, Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) thì “với những người làm công tác nghiên cứu thì nhất đồ, nhì nghề. Giống như công việc khâu vá, muốn khâu phải có kim chỉ”.

Đầu xuân gặp 3 tiến sỹ trẻ  - 3
Tiến sỹ Nghiêm Thị Hà Liên.

Với đề tài đang theo đuổi là “Nghiên cứu chế tạo hạt nano vàng ứng dụng trong chẩn đoán ung thư vú”, tiến sỹ Liên tin rằng kết quả đề tài sẽ góp phần vào việc phục vụ khám chữa bệnh nan y này trong tương lai và đời sống được rút ngắn rất nhiều.

Theo Bích Ngọc
Báo Đất Việt