Từ chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ:

Đầu tư phát triển Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu ngang tầm khu vực

Ngày 14/3/2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thăm và làm việc với trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có những phát biểu lưu ý để trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu chú trọng đội ngũ giáo viên giảng dạy đáp ứng yêu cầu thực tế thị trường nhân lực trong khu vực và hướng đến sự phát triển bền vững của trường.

Nỗ lực đổi mới cơ sở vật chất và chất lượng giảng viên

Báo cáo với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về những nỗ lực trong thời gian qua, lãnh đạo trường Đại học Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết hiện trường đã có sự thay đổi mạnh mẽ sau khi gia nhập Tập đoàn Nguyễn Hoàng.

Nếu có thể ghi nhận thì thấy đây là một sự lột xác sau thời điểm chính thức ra mắt Hội đồng quản trị và ban lãnh đạo nhà trường vào giữa tháng 7/2016. Ngay sau thời điểm này, hàng loại các biện pháp nâng cấp cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ-giảng viên được thực hiện.

Theo đó, Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiến hành nâng cấp các cơ sở đào tạo tao số 80 Trương Công Định và số 01 Trương Văn Bang; chuẩn bị tăng cường các cơ sở đào tạo mới, ký túc xá hiện đại, trang bị đầy đủ tại 951 Bình Giã… Đồng thời, trường cũng hoàn thiện 30 phòng thực hành, thí nghiệm; trang bị đồng bộ 250 máy tính mới cùng hệ thống máy chủ mới; bổ sung 120 máy chiếu.

Về đội ngũ cán bộ, giảng viên, hiện trường đã có tổng số cán bộ, giảng viên là 231 người. Trong đó trình độ tiến sĩ: 33 người (bao gồm 6 giáo sư, phó giáo sư). Đội ngũ giảng viên có 139 người, trình độ sau đại học có 131 người chiếm tỷ lệ 87%. Với đội ngũ hiện có, nhà trường đảm bảo tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, sau khi gia nhập Tập đoàn Nguyễn Hoàng, 100% cán bộ, giảng viên, chuyên viên đều được ký hợp đồng lao động và mức lương được tăng 10% so với trước đây.

Đồng thời, Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu còn nhận được sự cộng tác của các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế - kỹ thuật biển… Trường cũng ký kết và triển khaicác chương trình hợp tác với 35 đối tác quốc tế từ 9 quốc gia. Theo kế hoạch, mỗi năm nhà trường sẽ có hơn 250 lượt trao đổi sinh viên quốc tế hai chiều với các đối tác tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Hà Lan, các nước ASEAN… Trong đó, Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đón tiếp trung bình 10-20 chuyên gia và nhà khoa học nước ngoài hàng năm đến làm việc tại trường, gửi 5-10 giảng viên của trường đi tu nghiệp nước ngoài.

Bộ trưởng: “Cần đào tạo nhân lực theo nhu cầu thị trường”

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã lắng nghe phần trình bày định hướng phát triển Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong 5 năm tới với hàng loạt mục tiêu để vào năm 2018 từng ngành đạt kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số ngành đạt chuẩn khu vực Asean. Tất cả những nỗ lực này để chất lượng đào tạo tốt, sinh viên ra trường sau một năm có thể 85-100% có việc làm phù hợp.

Đầu tư phát triển Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu ngang tầm khu vực - 1

Từ những định hướng này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện của ông với giảng viên và sinh viên của trường rằng cần quan tâm hơn tới đội ngũ giảng viên, với chế độ lương bổng và môi trường làm việc tốt, để các thầy cô chuyển tải tri thức và tạo nguồn cám hứng cho sinh viên. Theo ông, các thầy cô cũng chính là người tạo nên thương hiệu nhà trường, hướng đến chất lượng trong hệ thống đào tạo.

Việc nhà trường dự kiến năm học 2017-2018 sẽ bổ sung 2 ngành đào tạo thạc sĩ và đến năm học 2018-2019 bắt đầu triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ và ngay trong năm học 2016-2017đã cải tiến và áp dụng chương trình đào tạo mới, được tăng cường kỹ năng và tư duy sáng tạo rất đáng hoan nghênh. Bộ trưởng nhấn mạnh thêm, việc đào tạo cũng cần phải chú ý đến thị trường lao động và nhu cầu của doanh nghiệp, cần mở những ngành đào tạo phục vụ nhân lực phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực, những ngành nghề thị trường đang cần đề sinh viên ra trường có ngay việc làm.

Thực tế trong định hướng này Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có những giải pháp khá căn bản khi thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ năm 2017 trường tiến hành thiết kế lại chương trình đào tạo đại học để đảm bảo thời gian học từ 3-3,5 năm trên cơ sở không giảm khối lượng kiến thức, bố trí thời gian và không gian đào tạo hợp lý. Như vậy, những nội dung hàn lâm sẽ giảm thiểu để thay bằng các kiến thức về tư duy sáng tạo và khởi nghiệp, tăng cường các kỹ năng công nghệ thông tin và ngoại ngữ cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và học tập.

Bên cạnh đó, trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu cũng hướng tới đào tạo theo đơn đặt hàng của xã hội và doanh nghiệp. Chẳng hạn nhà trường đã làm việc với tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng tàu cùng các sở ban ngành của tỉnh triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh này như tập trung đào tạo các ngành mũi nhọn thuộc lĩnh vực du lịch, kỹ thuật và kinh tế biển; nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý; nâng cao trình độ cho cán bộ, giáo viên các trường PTTH của tỉnh; đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cho người lao động tại các khu công nghiệp…

Cùng ngày Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ cũng có chuyến thăm và làm việc tại Trường Quốc tế Học viện Anh Quốc (TP Bà Rịa).

Tại đây, Bộ trưởng nhấn mạnh: “ Chúng ta cần trang bị cho thế hệ trẻ - những người sẽ làm chủ tương lai của đất nước - trình độ, kiến thức, kỹ năng, lối sống… có chất lượng để hội nhập với thế giới”.

Đầu tư phát triển Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu ngang tầm khu vực - 2

Trong không khí thân tình, Bộ trưởng đã chia sẻ thêm: “Tôi rất ấn tượng khi vừa đặt chân đến trường UK Academy. Thấy các em học sinh ở đây rất vui vẻ, tự nhiên, năng động và nề nếp. Các em có thể tự hào về ngôi trường đã chắp cánh cho các em bay cao bay xa. Tôi đánh giá cao trách nhiệm và cách thức tiếp cận nền giáo dục tiến bộ của UK Academy. Nếu như mỗi địa phương có ít nhất một trường như UK Academy thì sự đổi mới của giáo dục và đào tạo ở Việt Nam sẽ diễn ra nhanh hơn rất nhiều”.