“Đau đầu” tìm cách đánh giá học sinh môn Ngoại ngữ

Đã xây dựng dự thảo khung trình độ ngoại ngữ 6 bậc nhưng các chuyên gia của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 vẫn đang lúng túng trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá chất lượng.

Những vấn đề còn khó khăn thách thức đã được các chuyên gia cùng ngồi lại bàn luận tại Hội thảo Định hướng chiến lược công tác khảo thí của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 giai đoạn 2013-2020. Đề án vừa được tổ chức sáng ngày 10/10, tại Hà Nội.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho rằng các vấn đề quan trọng cần đưa ra nghiên cứu là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khảo thí, quy chế thi, dạng đề thi, việc xây dựng và hoàn thiện ngân hàng đề thi.

Theo các chuyên gia, có hàng loạt khó khăn khi thực hiện công tác khảo thí. Bộ công cụ kiểm tra với các câu hỏi để đánh giá năng lực học sinh không thể mua được ở nước ngoài do họ không chia sẻ. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải tự xây dựng bộ công cụ cho mình. Tuy nhiên, bộ công cụ này sẽ chỉ được thừa nhận ở trong nước, muốn vươn tầm khu vực và quốc tế là rất khó và phải có lộ trình để vừa làm vừa hoàn thiện phù hợp với thế giới.

Phương thức thi trên giấy hay thi trực tuyến cũng là vấn đề còn nhiều tranh luận. Thi trên giấy và chấm bằng máy sẽ khá thuận lợi cho người học, nhất là với số lượng đông. Tuy nhiên, cách này không phù hợp với các địa phương vì giáo viên của các trung tâm khảo thí phải tốn thời gian, công sức và cả tài chính để đến tận nơi. Có địa phương để thi lấy được chứng chỉ, mỗi thí sinh phải tốn tiền triệu.

Áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện thi trực tuyến sẽ giảm được chi phí cho thí sinh ở xa nhưng nhiều chuyên gia lại tỏ ra lo ngại về sự phức tạp khi phải liên quan đến hệ thống máy móc, phần mềm.

Do đó, việc sẽ mở rộng các trung tâm khảo thí, kiểm định về các địa phương để khắc phục tình trạng trên cũng được một số đại biểu đặt ra.

Học sinh tiểu học học tiếng Anh. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Học sinh tiểu học học tiếng Anh. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)


Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về nhiều vấn đề liên quan như định dạng đề thi, lộ trình thực hiện, tổ chức hoạt động của trung tâm kiểm định…

Có thể thấy, vấn đề khảo thí là một trong những thách thức lớn của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, bên cạnh hàng loạt những khó khăn khác như chất lượng giáo viên thấp, cơ sở vật chất chưa phù hợp… Dù đã được khởi động từ năm 2009 nhưng với những thách thức trên, ban chỉ đạo Đề án sẽ phải rất nỗ lực để mục tiêu gần nhất là đến năm đến năm 2015 có một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực.

Theo Vietnam+