Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam quá rẻ!

(Dân trí) - Chi phí đào tạo cho 1 tiến sĩ của Việt Nam hiện nay quá thấp so với 1 số nước trong khu vực. Hiện đào tạo tiến sĩ trong nước là 15 triệu đồng/năm so với nước ngoài trung bình là 15000 USD/năm.

Chưa quốc gia nào đào tạo tiến sĩ rẻ như vậy

Hiện nay, toàn quốc đang triển khai đào tạo 971 lượt ngành trình độ tiến sĩ tại 158 cơ sở đào tạo, trong đó: 114 trường đại học, 42 Viện nghiên cứu. Trong 158 CSĐT có 140 CSĐT dân sự và 18 CSĐT thuộc khối Quốc phòng - An ninh với quy mô đào tạo năm học 2015-2016 là 13.598 nghiên cứu sinh.

Có một thực tế hiện nay, chất lượng đào tạo tiến sĩ của Việt Nam quá thấp, tình trạng "vàng thau lẫn lộn" thời gian qua dẫn đến sự mất giá của bằng tiến sĩ.

Để nâng cao trình độ đào tạo tiến sĩ, Bộ GD&ĐT đang sửa đổi, bổ sung quy chế đào tạo tiến sĩ và lấy ý kiến góp ý. Trên cơ sở đó Bộ sớm hoàn thiện quy chế để ban hành, tạo hành lang pháp lý quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ nâng cao hơn như quy định tập thể hướng dẫn phải có yêu cầu cao về chuyên môn, yêu cầu cơ sở đào tạo phải có đủ điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí đào tạo NCS... thì các cơ sở đào tạo sẽ càng gặp khó khăn. Bởi chi phí đào tạo cho 1 tiến sĩ của Việt Nam quá thấp so với 1 số nước trong khu vực. Hiện đào tạo tiến sĩ nhà nước cấp trong nước là 15 triệu đồng/năm so với nước ngoài trung bình là 15000 USD/năm.

GS.TSKH Trần Văn Nhung thốt lên, chúng ta đang bàn đến những vấn đề rất cao nhưng nhìn lại giá 15 triệu đào tạo tiến sĩ mới thấy chưa quốc gia nào đào tạo rẻ vậy. Chia sẻ và cảm thông với các cơ sở, mặc dầu đầu tư là như vậy nhưng vẫn đào tạo được nhưng một số ngành chưa đòi hỏi về thực nghiệm. Xã hội lo lắng, lo ngại về chất lượng tiến sĩ nhưng trách nhiệm với chúng ta là giải trình để xã hội hiểu. Một mặt ghi nhận và chia sẻ nhưng vẫn phải nói với xã hội, 15 triệu đồng/NCS/năm, không ở đâu làm được.

Đào tạo rẻ sẽ không có chất lượng

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH QGHN khẳng định: "Với kinh phí chi cho đào tạo nói chung và đào tạo NCS như hiện nay ở các trường đại học công lập, chắc chắn là có khó khăn. Hiện nay có hiện tượng các em giỏi đi đào tạo ở nước ngoài và nhiều em không về nước.

Vì thế, tôi rất mong để tạo điều kiện xây dựng đội ngũ khoa học cho các trường đại học trong nước, cần có hỗ trợ cho các nghiên cứu sinh, đặc biệt là cần hỗ trợ các em sinh viên trẻ, xuất sắc được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh. Các em này vừa mới tốt nghiệp đại học, lại làm nghiên cứu sinh, hiện nay không những không có học bổng mà còn phải đóng học phí, do vậy rất cần được hỗ trợ học bổng để các em yên tâm học tập (trước đây Nhà nước đã có chính sách như vậy)".

GS Đức cho rằng, chúng ta yêu cầu đào tạo tiến sỹ phải có chất lượng như được đào tạo ở nước ngoài, trong khi kinh phí đào tạo nghiên cứu sinh hiện nay quá ít ỏi. Chính sách tài chính theo tôi là điều rất quan trọng. Chúng ta có thể mạnh dạn thu hoc phí cao cho tương xứng với cam kết chất lượng đầu ra. Và như vậy, trong khi ngân sách Nhà nước hạn hẹp, bào toán lại quay về tự chủ đại học.

Nếu người học (hoặc Nhà nước, cơ quan cử đi học) bỏ đồng tiền ra xứng đáng để yêu cầu cơ sở đào tạo phải đào tạo ra một tiến sỹ xứng đáng, khi đó tôi tin chất lượng đào tạo tiên sỹ sẽ được nâng cao. Đồng tiền chi hiệu quả và đúng người đúng việc sẽ là động lực và giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo. GS Đức cho hay, ĐHQGHN những năm qua có truyền thống về đào tạo tiến sĩ, phải kể đến sự nỗ lực vượt bậc của lãnh đạo ĐHQGHN và sự nỗ lực, cống hiến, nhiệt huyết và tận tâm vô bờ bến của đội ngũ các thầy cô, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập, thu hút nhân tài như hiện nay, liệu với kinh phí đào tạo cứ thấp như vậy, tôi lo liệu có tiếp tục thu hút được nhiều nhân tài, tiếp tục duy trì được mãi như thế?

"Do vậy, chúng ta yêu cầu các cơ sở đào tạo cũng cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, thì cũng cần có sự tính toán lại chi phí cho việc đào tạo tiến sỹ để có cơ chế chính sách và sự đầu tư phù hợp, đúng và đủ, thì mới tạo ra chất lượng" - GS Đức nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, các cơ sở đào tạo đã nêu lên những khó khăn vướng mắc để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ. Đúng như các sơ sở đã nói nhưng thống kê trung bình 15 triệu đồng là sự cố gắng rất lớn, trách nhiệm rất lớn của các thầy.

"Với đầu tư nhỏ bé như vậy khó đòi hỏi chất lượng cao được. Cần đầu tư ở mức độ vừa phải, dù không bằng thế giới nhưng cũng phải phù hợp để NCS thực hiện được các nhiệm vụ nghiên cứu" - Thứ trưởng Ga nói.

Thứ trưởng Ga cho hay, Đề án 911 theo kinh phí nước ngoài 30-40 ngàn đô/tiến sĩ, trong nước 70 triệu đồng/tiến sĩ nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được vấn đề kinh phí.

Tự chủ đại học, đã thu mức học phí cao rồi nhưng không thể quá cao được. Chưa đảm bảo được. Các trường tư thục có chế độ riêng. Mấu chốt vấn đề các cơ sở nêu lên là chính đáng và cần thiết để nâng cao chất lượng, khi gỡ được khó khăn về đầu tư, kinh phí, chất lượng sẽ nâng lên.

"Chúng ta không hy vọng sẽ được đầu tư bằng thế giới nhưng sẽ được nâng lên để từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. Với hạn chế đầu tư như hiện nay cũng là khó khăn với đảm bảo chất lượng" - Thứ trưởng Ga nói.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Từ khi nước ta mở cửa hội nhập đến nay ngành có nhiều đổi mới trong cập nhật chương trình, đặc biệt trong đào tạo TS, mới nhất là Thủ tướng vừa ký ban hành Khung cơ cấu hệ thống và Khung trình độ quốc gia. Theo đó, TS ở bậc 8, bậc cao nhất. Khung này dựa trên khung tham chiếu Asean. Để đào tạo TS đạt chuẩn khu vực, tới đây phải dựa vào khung trình độ quốc gia đó, từ đó thiết kế chương trình đào tạo phù hợp.

Để thỏa mãn các tiêu chí, nghiên cứu sinh (NCS) phải có tiêu chí đầu vào nhất định đòi hỏi cao hơn trước đây, trước hết là ngoại ngữ. Trước đây quy định ngoại ngữ là chuẩn đầu ra, giờ không phù hợp, mà phải quy định đầu vào, ngoại ngữ là công cụ cần thiết sử dụng vào nghiên cứu.

Công trình TS, luận án TS là công trình khoa học phải chứa đựng cái mới, phải đăng trên các tạp chí quốc tế để người ta bình luận, phản biện để thấy cái mới trong luận án.

Việc quy định người hướng dẫn để NCS thực hiện tốt vai trò nghiên cứu của mình thì định hướng nghiên cứu của các thầy rất quan trọng; thầy phải đi trước, có hợp tác quốc tế mới định hướng hướng dẫn NCS thành công luận án của mình.

Để thực hiện mọi điều trên, vấn đề quy định kinh phí, chi phí đào tạo NCS cũng phải nâng lên. Hiện chi phí bình quân 15 triệu đồng/năm quá thấp. Khó có thể đào tạo NCS bài bản. Mỗi lần nghiên cứu ra cái mới phải thí nghiệm thực hành, thực tập. Buộc phải có có đầu tư nhất định. Nếu có ít ngân sách chúng ta tập trung đầu tư cho ít nghiên cứu sinh hơn, còn hơn đầu tư dàn trải.

Hồng Hạnh