Cần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành toán kinh tế trong trường đại học

(Dân trí) - Ngày 27/10, trường ĐH Kinh tế quốc dân đã tổ chức buổi Tọa đàm: “Đào tạo và sử dụng nhân lực ngành Toán kinh tế”. Theo đó, việc đào tạo về toán cho các nhà kinh tế và toán ứng dụng trong trường đại học còn nhiều bỏ ngỏ, tồn tại, chậm đổi mới.


Đại biểu tham dự buổi tọa đàm

Đại biểu tham dự buổi tọa đàm

41,66% nhân lực ngành toán kinh tế làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

Nhận định về nhân lực ngành toán kinh tế trên thị trường lao động, ông Phạm Ngọc Toàn, Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo chiến lược – Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cho biết, nhân lực ngành toán kinh tế có kỹ năng tư duy toán học, có khả năng tổ chức tốt các vấn đề. Do đó, cơ hội việc làm cho nhân lực ngành toán kinh tế rất lớn như khi sinh viên tốt nghiệp thường làm các công việc như chuyên gia phân tích dữ liệu, quản lý tài chính, chuyên viên phân tích thống kê, nhà nghiên cứu kinh tế và xã hội, chuyên viên chứng khoán, giảng viên…

Theo thống kê, trong năm 2018, có tới 41,66% nhân lực ngành toán kinh tế làm việc trong lĩnh vực hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; 39,53% hoạt động trong các tổ chức chính trị xã hội; Quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội bắt buộc.

Theo ông Toàn, ưu điểm của nhân lực ngành Toán kinh tế là có kiến thức kinh tế và quản trị kinh doanh, kiến thức thực học đa dạng; có khả năng mô hình hóa, phân tích, dự báo các vấn đề kinh tế xã hội thông qua việc sử dụng các phương pháp, công cụ phân tích dữ liệu hiện đại, cập nhật…

Tuy nhiên, ông Toàn cho rằng, hạn chế hiện nay của nhân lực ngành toán kinh tế là chưa thực sự kết nối giữa lý thuyết kinh tế và mô hình toán, dẫn đến chưa giải thích được việc đề xuất mô hình hay giải thích mô hình; độ gắn kết giữa nội dung giảng dạy với các vấn đề thực tiễn ở các lĩnh vực kinh tế xã hội còn hạn chế; thiếu cập nhật về các nguồn thông tin sẵn có ở Việt Nam; chưa tự tin trong xử lý trên bộ số liệu, chưa tiếp cận nhiều với những công cụ phân tích mới, hay những ứng dụng mới mà đây là nền tảng quan trọng để hình thành ý tưởng trong công việc thực tế.

Còn chậm đổi mới trong đào tạo

Ttrong 15 năm vừa qua, sự phát triển của toán học và một số ngành khoa học khác đã tạo một khoa học mới. Ranh giới các yếu tố cấu thành khó phân biệt. Chẳng hạn, liên kết giữa toán học, máy tính hình thành data science, big data…Các khoa học cũ được nâng lên tầm cao mới. Kết hợp này là kết quả của quá trình phát triển khoa học và công nghệ.

Ứng dụng toán học trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam cũng đi theo xu thế trên. Tuy vậy, do xuất phát điểm của chúng ta còn thấp, nên việc đào tạo về toán cho các nhà kinh tế và toán ứng dụng còn nhiều tồn tại.

GS.TS Nguyễn Quang Dong, trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, các ngành học không chuyên về toán ứng dụng (thuộc lĩnh vực kinh tế, quản trị kinh doanh và quản lý) như Kinh tế học, Kinh tế phát triển, Markettinh, Tài chính-Ngân hàng, Kinh tế và Quản lý môi trường…cần tăng cường đào tạo, ứng dụng toán học, trước hết là các kiến thức về Thống kê, Kinh tế lượng.

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến khối lượng các kiến thức về toán học và thống kê bị cắt giảm rất nhiều. Có ngành học chỉ học Thống kê kinh doanh, các kiến thức về toán cao cấp không đưa vào chương trình đào tạo. Điều này khiến cho chất lượng nguồn nhân lực không cao, khó tiếp thu những đổi mới, những ứng dụng ở trình độ cao được lan tỏa về Việt Nam, về các doanh nghiệp.

Một số trường, các kiến thức về Thống kê, Kinh tế lượng được giảng dạy mà không có cơ sở vật chất (máy tính, phần mềm, dữ liệu, giáo trình…) cho người học thực hành. Điều này dẫn đến người đã học thiếu tự tin trong công việc, ở bậc sau đại học cũng không sử dụng được để nghiên cứu, viết luận án. Việc giảng dạy và học tập như vậy chưa hiệu quả, lãng phí nguồn lực.


Kết nối giữa khoa học toán học và các khoa học khác

Kết nối giữa khoa học toán học và các khoa học khác

Với các ngành học toán ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế, theo GS Dong, hiện tại ở Việt Nam, nhiều trường đại học đang đào tạo toán ứng dụng trong kinh tế với các tên khác nhau: Toán kinh tế, Toán tài chính, Actuary (Đại học Kinh tế Quốc dân), Toán tin ứng dụng (Đại học Bách khoa Hà Nội), Toán tài chính (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh), Tài chính định lượng (Trường đại học Ngân hàng-Marketing, Thành phố Hồ Chí Minh)... Trường đại học Quy Nhơn đào tạo data science trong ngành Toán ứng dụng, nhưng nghiên về khía cạnh kỹ thuật (học máy, trí tuệ nhân tạo…)

Theo GS Dong, các chương trình thuộc các trường khối kinh tế có nhược điểm chung là khối kiến thức về công nghệ thông tin không tương xứng. Kiến thức về cơ sở dữ liệu hầu như không được đưa vào chương trình đào tạo. Ngoài SPSS, STATA, EVIEWS, các phần mềm dựa trên hệ thống code – SAS, R, Python- chưa được đào tạo cho người học.

Kiến thức về data science, big data chưa đưa vào giảng dạy. Một số chương trình đưa data mining vào giảng dạy với thời lượng 2 tín chỉ. Nội dung của các học phần cốt lõi chưa được cập nhật. Rất nhiều phương pháp, mô hình mới được các ngân hàng, doanh nghiệp sử dụng, nhưng trong đào tạo chưa có. Đào tạo gắn với thực tế, kỹ năng thực hành của sinh viên chưa được chú trọng. Liên kết với các doanh nghiệp còn chưa cao, các doanh nghiệp hầu như chưa tham gia vào quá trình đào tạo.

Việc chậm phản ứng so với thay đổi của thực tế về nôi dung học phần, học phần mới, các ngành/lĩnh vực đào tọa mới. Minh chứng rõ nét nhất là đến hết kỳ tuyển sinh năm 2018, chưa có trường đại học mở được chương trình đào tạo về data science, big data trong lĩnh vực kinh tế.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Cần có chính sách quốc gia về đào tạo toán học

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu kiến nghị, các trường đại học cần có tầm nhìn để nâng cao chất lượng đầu ra của các ngành đào tạo đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có tính hội nhập, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Các trường cần rà soát chương trình đào tạo, đưa vào các kiến thức về toán học, thống kê, công nghệ thông tin phù hợp với từng ngành học đảm bảo cho người học sau khi tốt nghiệp sẽ nhanh chóng thích ứng với công việc trong điều kiện của cách mạng 4.0.

Đại biểu kiến nghị với Bộ GD&ĐT, cần nghiên cứu, ổn định chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có kiến thức toán học để nâng cao chất lượng đầu vào cho các trường đại học. Có giải pháp giúp các trường đại học, cao đẳng lựa chọn được các ứng viên phù hợp với ngành đào tạo.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT phối hợp với các cơ quan hữu quan (Hội Toán học Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Viện Toán cao cấp…) soạn thảo chính sách quốc gia về đào tạo toán học trong cuộc cách mạng 4.0.

Nhật Hồng