Đào tạo ngành Y: Cần tăng tỉ suất và giảm chỉ tiêu

Theo GS.TS. Tạ Thành Văn, muốn nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành Y cần tăng tỉ suất đào tạo và giảm chỉ tiêu đào tạo.

GS.TS. Tạ Thành Văn - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội khẳng định, chất lượng đào tạo sau đại học ở ĐH Y Hà Nội là “sản phẩm có thương hiệu”, tuy nhiên vẫn chưa được như mong muốn vì đầu tư cho sau ĐH còn khiêm tốn. Kinh phí đào tạo cho một bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 giống kinh phí đào tạo cho một sinh viên đại học. Trong khi các thạc sỹ, tiến sĩ đều phải làm một luận văn, nhưng kinh phí hầu như không có.

Mỗi năm, ĐH Y Hà Nội đào tạo khoảng 400 cao học, 100 tiến sĩ, 100 bác sĩ chuyên khoa 2 và 400 bác sĩ chuyên khoa 1 nhưng nguồn đầu tư rất khiêm tốn, do vậy dẫn đến chất lượng đào tạo chưa được như mong muốn. Theo GS.TS. Tạ Thành Văn, muốn nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành Y cần có 2 giải pháp là tăng tỉ suất đào tạo và giảm chỉ tiêu đào tạo.

GS.TS. Tạ Thành Văn – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội
GS.TS. Tạ Thành Văn – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội.

PV: Xin Giáo sư cho biết công tác đổi mới đào tạo của ĐH Y Hà Nội hiện nay?

GS.TS. Tạ Thành Văn: Thời điểm này và những năm tới, ĐH Y Hà Nội  dự kiến triển khai tăng cường kiểm định chất lượng đào tạo, giám sát toàn bộ quy trình đào tạo đầu vào và đầu ra; rà soát lại chương trình chi tiết, tăng cường thực hành và sát với nhu cầu thực tiễn đòi hỏi; thực thi triệt để công tác phối hợp viện - trường với mục đích tăng hiệu quả và thời lượng thực hành cho sinh viên tại cơ sở thực hành ở các bệnh viện.

Ngành Y là lĩnh vực đào tạo hết sức đặc biệt, do vậy việc đào tạo theo tín chỉ không được các trường ĐH y dược trong cả nước ủng hộ. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo quyền lợi, tăng tính chủ động cho sinh viên trong quá trình đào tạo, ĐH Y Hà Nội hiện đang triển khai lộ trình thực thi đào tạo theo tín chỉ. Trước tiên, nhà trường sẽ tiến hành ở một số chuyên ngành như Kỹ thuật y học, Điều dưỡng, Y tế công cộng. Chúng tôi cũng tăng cường xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ với bác sĩ chuyên khoa và đào tạo cao học. Còn các chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa, trường đang từng bước xem xét triển khai.

PV: Hiện nay nhiều bệnh lý mới phát sinh đòi hỏi bác sĩ phải có thêm kiến thức kỹ năng sử dụng thiết bị máy móc phục vụ điều trị. Vậy trong quá trình đào tạo, nhà trường có cập nhật vấn đề này thế nào?

GS.TS. Tạ Thành Văn: Để đáp ứng được nhu cầu của người bệnh trong thời đại hiện nay, bên cạnh sự phát triển của khoa học kỹ thuật, chất lượng đào tạo phải được nâng lên. Chất lượng đào tạo hiện nay là vấn đề phải suy nghĩ. Chỉ tiêu đào tạo của chúng ta quá cao, vì đào tạo y khác với các loại hình đào tạo khác, đòi hỏi phải thực hành, “cầm tay chỉ việc”. Do vậy cách chúng ta giao chỉ tiêu cho các trường ĐH y hiện nay không phù hợp, không giống trên thê giới và quá cao so với năng lực của các trường.

Bác sĩ Bệnh viện quân dân y khám bệnh cho người dân
Bác sĩ Bệnh viện quân dân y khám bệnh cho người dân.

Bên cạnh đó, điều kiện thực hành hết sức hạn chế, các bệnh viện đều quá tải. Bệnh nhân với cách điều trị mới có quyền hạn hơn, nên việc trực tiếp khám cho người bệnh rất khó so với trước đây. Các giáo viên của trường cắm tại các bệnh viện, rất bận với công tác điều trị hàng ngày, do đó thời gian dành cho sinh viên không được nhiều như trước kia. Chương trình đào tạo của chúng ta rất cứng nhắc, không linh hoạt và rất nặng về lý thuyết, ít thời gian thực hành.

Còn chất lượng đào tạo hiện nay phân thành 2 nhóm rõ rệt. Một nhóm các em rất giỏi, xuất sắc; bên cạnh đó có nhóm học chỉ để qua lấy tấm bằng, không chú ý đến luyện tập tay nghề. Thời gian tới, chúng tôi thấy cần có mặt bằng chung tối thiểu xây dựng chuẩn đầu ra, để mỗi người hành nghề y phải có chuẩn nhất định, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tối thiểu.

PV: Ông đánh giá thế nào về mô hình viện – trường, cần có sự đầu tư thế nào để các bệnh viện của các nhà trường để đáp ứng được nhu cầu thực hành cho sinh viên?

GS.TS. Tạ Thành Văn: Bộ Y tế rất quan tâm và đã ra khá nhiều thông tư, văn bản hướng dẫn chỉ đạo việc kết hợp viện - trường. Đây được đưa vào một trong những tiêu chí xếp loại bệnh viện, nhưng việc thực thi chưa tạo được cơ chế tự chủ của các đơn vị. Mô hình kết hợp viện - trường ở nước ngoài thường là của các trường ĐH y bao giờ cũng lớn nhất, mạnh nhất về nhân lực. Tuy nhiên, ở nước ta chưa được như vậy, các bệnh viện của trường ĐH y vẫn rất khiêm tốn.

Theo tôi, để tăng thời lượng thực hành cho các sinh viên, cần đầu tư cho các bệnh viện của các trường ĐH, biến cơ sở này thành cơ sở hàng đầu trong lĩnh vực y về con người, nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho sinh viên có điều kiện thực hành nhiều hơn.

PV: Theo GS, cần có những điều kiện nào để nâng cao chất lượng đào tạo của các trường y?

GS.TS. Tạ Thành Văn: Theo tôi, cần tăng cường đầu tư cho tỉ suất đào tạo. Ví dụ đào tạo ĐH hiện nay với mức hết sức khiêm tốn, khác xa so với đầu tư của nước ngoài và đào tạo sau ĐH càng thấp. Do đó chúng ta cần tăng tỉ suất cho chỉ tiêu đào tạo về tài chính. Trong trường hợp không tăng được kinh phí, chúng ta phải giảm chỉ tiêu vì năng lực đào tạo hiện nay đã là quá tải. Ở Nhật Bản mỗi năm có 9.000 bác sĩ tốt nghiệp ở 87 cơ sở đào tạo y dược, trong khi chúng ta cũng có 9.000 sinh viên y khoa ra trường mà chỉ  có 18 cơ sở đào tạo./.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

Theo Thu Lương
VOV News