Đào tạo Kiến trúc sư thế hệ mới: Trách nhiệm trước tiên ở người thầy!

KTS Đoàn Kỳ Thanh đã chia sẻ như vậy trong tọa đàm “Kiến trúc sư Ta và Tây, đào tạo và hành nghề khác nhau như thế nào?” do Đại học FPT và Tổ hợp Sáng tạo Hanoi Creative City phối hợp tổ chức cuối tuần qua.

Chương trình có sự tham gia của KTS Đoàn Kỳ Thanh, KTS Thái Lan Anh cùng sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng trong nghề như KTS Ngô Thanh Long, Trần Cảnh, Nguyễn Tuấn Nghĩa, Đào Thành Hưng, Vương Đạo Hoàng, Lê Lương Ngọc, Nguyễn Tuấn Anh...

KTS Đoàn Kỳ Thanh điều phối thảo luận, đặt vấn đề và đưa ra những thông tin chung về vấn đề đào tạo của ngành Kiến trúc hiện nay tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới.
KTS Đoàn Kỳ Thanh điều phối thảo luận, đặt vấn đề và đưa ra những thông tin chung về vấn đề đào tạo của ngành Kiến trúc hiện nay tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới.

Sự thay đổi chóng mặt của xã hội hiện đại kéo theo sự thay đổi của tất cả các ngành nghề, trong đó có Kiến trúc. Thực tế, kiến trúc sư “như một nghề tổ tồn tại hàng nghìn năm theo sự phát triển của xã hội loài người, có cả bề dày về truyền thống và gắn trực tiếp với lợi ích, đời sống của con người”. Vậy, đào tạo thế hệ kiến trúc sư mới cần bắt đầu từ đâu và như thế nào?.

Phân tích những vấn đề còn tồn đọng và thiếu hiệu quả trong giảng dạy, học tập ngành Kiến trúc, KTS Ngô Thanh Long chia sẻ: “Sau khi ra trường, mình không biết rốt cuộc mình đã học được những gì, có lẽ chỉ khoảng 20% kiến thức trong trường có thể có ích khi mình làm việc. Mình thực sự đặt ra câu hỏi, chẳng lẽ không làm được gì sau 5 năm học rất nhiều thời gian, công sức đã bỏ ra”.

Thực tế, rất nhiều sinh viên ngành Kiến trúc sau khi ra trường đều không thể làm việc theo yêu cầu và kỳ vọng của những văn phòng kiến trúc sư hiện nay. “Nhiều khi tuyển nhân viên về làm việc, chúng tôi gần như phải dạy lại, nhiều lúc các em bật khóc vì bị mắng do không làm được việc, dù chúng tôi biết đó không hoàn toàn là lỗi của các em” - KTS Đoàn Kỳ Thanh thẳng thắn chia sẻ.

Chương trình nhận được sự quan tâm của đông đảo sinh viên, những kiến trúc sư mới vào nghề và cả những bạn trẻ dự định lựa chọn ngành Kiến trúc để theo đuổi nghề nghiệp.
Chương trình nhận được sự quan tâm của đông đảo sinh viên, những kiến trúc sư mới vào nghề và cả những bạn trẻ dự định lựa chọn ngành Kiến trúc để theo đuổi nghề nghiệp.

KTS Đoàn Kỳ Thanh cũng cho rằng cần phải thay đổi mối quan hệ, vai trò của người thầy và sinh viên trong quá trình học tập, thực hành kiến trúc: “Tôi cho rằng, để thay đổi được và tạo ra những thế hệ KTS mới có thể làm việc, đáp ứng nhu cầu và sự thay đổi của xã hội cần đặt trách nhiệm đầu tiên lên các thầy, cô. Bản thân các thầy cô ở đây nếu không thay đổi trước, nếu không dám thay đổi thì việc đào tạo ngành Kiến trúc sẽ không có gì thay đổi cả và kết quả sẽ vẫn như hiện nay”.

Nói về lộ trình học tập, KTS Trần Cảnh chia sẻ: “Sinh viên có thể tốt nghiệp sớm hơn. Vấn đề là bạn phải xác định được điều bạn muốn học. Đối với bản thân tôi, điều tôi muốn học đó chính là tư tưởng của ngành nghề. Năm hai đại học, khi tham gia một lớp học, thầy giáo đã giúp chúng tôi nhận ra rằng thế hệ của thầy chỉ có thể học được 5-10 năm và thầy cần chúng tôi tiếp nối thế hệ thầy, học được 20 – 25 năm và tư duy dài hơn 50 năm. Và từ đó, tôi nghĩ, tôi đã đủ tốt nghiệp đại học rồi. Đối với ngành bạn chọn, bạn phải thực sự biết bạn đang học gì và từ đấy bạn sẽ được hưởng một chế độ đào tạo đúng hướng để trở thành một kiến trúc sư tốt”.

Triển lãm mini kiến trúc đương đại sẽ tiếp tục được trưng bày tại trường Đại học FPT đến hết ngày 3/8.
Triển lãm mini kiến trúc đương đại sẽ tiếp tục được trưng bày tại trường Đại học FPT đến hết ngày 3/8.

Bắt nguồn từ việc không học được những môn cần thiết, đào tạo không đúng đắn, sinh viên Việt Nam sau khi ra trường lại gặp thêm thử thách mới - “hành nghề”. Họ hành nghề một cách thiếu kỹ năng và cuối cùng bị các đồng nghiệp hay sếp chèn ép hoặc mất thêm nhiều năm khác để được đào tạo lại từ đầu. Nhiều người cho rằng, sự thiếu vận động này do nhiều lỗi xuất phát từ hệ thống giáo dục hiện nay. TS. Nguyễn Thành Nam (Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT) bày tỏ quan điểm: “Thật ra, chúng ta có thể làm tất cả mọi thứ nếu điều đấy tốt cho sinh viên. Đừng suy nghĩ rằng, một Kiến trúc sư lúc nào cũng phải xây nhà to mà bỏ qua những ngôi nhà nhỏ, khi Việt Nam có nhiều nhà nhỏ cần phải xây dựng! Trách nhiệm khai sáng rất quan trọng, và bản thân chúng ta không thể từ bỏ nó được, chúng ta phải bắt đầu thay đổi ngay bây giờ!”.

Trong buổi tạo đàm, nhiều sinh viên và kiến trúc sư trẻ cũng chia sẻ những trải nghiệm và băn khoăn của cá nhân với mong muốn trở thành một KTS thực sự. Hầu hết bạn trẻ đều có chung lo lắng về vấn đề đạo tào ngành hiện nay chưa gắn liền với thực tiễn và bản thân không được trang bị những kỹ năng cần thiết trong khi phải đánh đổi trung bình 5 năm tuổi trẻ để học và theo đuổi ước mơ trở thành KTS.

Tại tọa đàm còn có triển lãm trưng bày ảnh và những mô hình kiến trúc đương đại của các KTS Đoàn Kỳ Thanh, Võ Trọng Nghĩa, Thái Lan Anh, Trần Cảnh, Nguyễn Tuấn Nghĩa, Nguyễn Hoàng Mạnh…

Ngày 31/7, Đại học FPT tuyển sinh 150 chỉ tiêu ngành Kiến trúc. Thí sinh thi theo đề thi riêng của trường, gồm: trắc nghiệm toán, tư duy logic và khả năng sáng tạo. Xem chi tiết về ngành Kiến trúc tại website daihoc.fpt.edu.vn