Đánh giá học sinh tiểu học: Không nhất thiết phải dùng nhiều sổ sách!

(Dân trí) - Đó là khẳng định của ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học khi giải đáp những băn khoăn của một số giáo viên trong việc sử dụng sổ sách thực hiện Thông tư 30 đánh giá học sinh tiểu học.

Một số giáo viên (GV) gửi thư về Ban Giáo dục báo Dân trí bày tỏ, theo Thông tư 30, hiện nay mỗi lớp phải có sáu quyển sổ theo dõi chất lượng học sinh (HS), một quyển dành cho GV chủ nhiệm, 5 quyển cho 5 GV bộ môn (Tin học, Mĩ thuật, Thể dục, Âm nhạc, Ngoại ngữ). Nhưng trong sổ chỉ có 35 dòng cho 35 HS, mà ở thành phố thì một lớp có từ 40 đến 50 HS, vì vậy phải cần đến 12 quyển cho 1 lớp. Một trường có 30 lớp phải mua hơn 300 quyển sổ theo dõi này. Trước đây mỗi lớp chỉ cần một quyển sổ điểm, cả trường chỉ có 30 quyển thì nay tăng gấp mười. Vậy Giáo dục Tiểu học nghĩ sao?

Mặc dù Thông tư 30 đã triển khai một thời gian nhưng nhiều giáo
Mặc dù Thông tư 30 đã triển khai một thời gian nhưng nhiều giáo viên vẫn còn băn khoăn, thắc mắc.

Khi nhận được những băn khoăn này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Phạm Ngọc Định khẳng định: Không quy định mỗi lớp phải có một cuốn sổ theo dõi chất lượng, GV Âm nhạc, Mỹ thuật có thể dạy 30 lớp nhưng không nhất thiết phải có 30 cuốn sổ. GV có thể tự thiết kế một cuốn sổ (sổ bằng giấy hoặc sổ điện tử) theo dõi chất lượng để ghi nhận xét cho 30 lớp. GV cũng có thể ghi nhận xét vào sổ tay riêng hoặc vào giáo án miễn sao đạt mục đích yêu cầu của việc theo dõi, nhận xét HS, tức là GV phải nắm được tình hình học tập của tất cả HS ở lớp mình dạy và phải đảm bảo rằng mọi HS đều được GV theo dõi, động viên, hỗ trợ khi cần thiết.

Ông Định cũng cho biết thêm, việc ghi nhận xét chủ yếu là để tự GV ghi nhớ thông tin, dự kiến những biện pháp giúp đỡ kịp thời đối với những HS chưa hoàn thành nội dung học tập hoặc hoạt động giáo dục khác trong tháng, áp dụng những biện pháp khuyến khích những HS đã hoàn thành tốt. Như vậy, không bắt buộc GV chủ nhiệm phải ghi nhận xét tất cả HS, tất cả các môn học hằng tháng mà chỉ ghi những gì thật cần thiết, chỉ ghi với những HS cần lưu ý đặc biệt, 3 đến 5 dòng hay nhiều hơn, ít hơn là tùy thuộc vào tình hình cụ thể của HS và do GV quyết định.

Viết nhận xét vào chỗ nào trong vở của HS (hai bên lề hay nhận xét phía dưới từng dòng viết của HS…) là hoàn toàn tùy thuộc vào GV. GV nên chọn vị trí để ghi sao cho phù hợp với từng bài, từng trang cụ thể, miễn sao đạt được mục đích và HS, phụ huynh dễ đọc, dễ hiểu.

Trước câu hỏi, Bộ quy định GV cần quan tâm đến tất cả HS, nhưng chỉ chọn một số trường hợp đặc biệt để ghi nhận xét. Vậy đối với những HS không được GV nhận xét thì cần xử lý thế nào để đảm bảo quyền lợi của HS, cũng như để gia đình HS nắm được tình hình học tập của con em mình?

Giải đáp câu hỏi này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học chia sẻ: Đánh giá HS không phải chỉ có ghi nhận xét mà bao gồm các hoạt động theo dõi quá trình, quan sát hoạt động, kiểm tra, trao đổi, hướng dẫn, động viên, nhận xét HS. Việc nhận xét được thực hiện rất linh hoạt, tùy thuộc vào hoàn cảnh học tập, nội dung học tập và sản phẩm học tập, hoàn cảnh cụ thể của HS, GV có thể có thể nói trực tiếp với HS hoặc viết nhận xét vào vở, bài kiểm tra, phiếu liên lạc hoặc sổ theo dõi chất lượng, sổ tay của GV.

Quy định như vậy đảm bảo HS nào cũng được đánh giá, nhận xét. Để đảm bảo quyền lợi của HS, khi tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục khác, GV cần quan tâm theo dõi, quan sát tất cả HS và có sự hỗ trợ HS nếu cần.

Phụ huynh có thể nắm được tình hình học tập của con em mình thông qua việc hỏi chuyện xem hàng ngày con học được những gì? Ở trường, ở lớp có chuyện gì mà con thích, con không thích?... Phụ huynh cũng có thể xem bài làm của con ở vở, bài kiểm tra, phiếu học tập hoặc trao đổi trực tiếp với GV…

Nguyễn Hùng (ghi)

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!