Đánh bạn dã man ở Trà Vinh: Do giáo dục mà nên!

Phải chăng chính vì thiếu sự quan tâm và dạy dỗ tử tế của cha mẹ nên các em mới có những hành động côn đồ, hung hãn và phi nhân tính đến vậy?

Bất cứ ai khi xem clip nữ sinh lớp 7/5, trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) bị 7 bạn đánh hội đồng đều thấy sửng sốt, đau xót, bàng hoàng và phẫn nộ.

Nhiều người bức xúc đề nghị xử lý thích đáng những học sinh này, đồng thời, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng nhà trường phải nhận trách nhiệm. Thiết nghĩ, để mổ xẻ trách nhiệm, đầu tiên phải nói đến yếu tố gia đình. Đối với một đứa trẻ, gia đình là môi trường đầu tiên hình thành nhân cách. Một gia đình có truyền thống giáo dục tốt, chắc chắn không thể có những đứa con bất hảo, côn đồ.

Theo thông tin trên một tờ báo, phụ huynh của 7 em tham gia đánh hội đồng, đa phần làm nghề buôn bán, làm thuê nhiều nơi, không quan tâm nhiều đến con em mình. Cha mẹ của Dương Thúy V. – lớp trưởng – chủ mưu vụ việc, đang ly thân, người sống ở Vĩnh Long, người ở TP Hồ Chí Minh. Cha mẹ của Lâm Trần Bình T. – nam sinh ném cả chồng ghế nhựa vào đầu nữ sinh P., đã ly dị nhiều năm. Lâm Trí N. (một nam sinh khác) thì sống cùng ông ngoại do cha mẹ bỏ đi. Còn cha mẹ của Cam Kim T. làm ăn buôn bán ở TP.HCM để con gái ở lại quê với người bà con.

Phải chăng chính vì thiếu sự quan tâm và dạy dỗ tử tế của cha mẹ nên các em mới có những hành động côn đồ, hung hãn và phi nhân tính đến vậy?

Ở phía nạn nhân vụ bạo lực, nếu cha mẹ P. quan tâm tới em, là chỗ dựa tin cậy để P. tâm sự mọi chuyện thì có lẽ sự việc sẽ không phải đến gần 2 tháng sau mới vỡ lở khi clip bị tung lên mạng.

Bố của em P. tự thốt lên rằng “Tôi là một người cha thất bại vì con bị đánh đau gần 2 tháng trời mà không biết”. Khi thấy con bị đau, vai bầm tím, đầu chảy máu, nóng ran, con nói bị té cầu thang, cha mẹ em vô tâm không tìm hiểu kỹ xem con mình bị làm sao.

Ngôi trường nơi xảy ra vụ việc. (Ảnh: Sa Oanh)
Ngôi trường nơi xảy ra vụ việc. (Ảnh: Sa Oanh)

Trước bức xúc của dư luận, lãnh đạo tỉnh, công an, ngành giáo dục tỉnh Trà Vinh đã vào cuộc, lập hội đồng kỷ luật 7 học sinh gây ra vụ bạo lực “rúng động” này. Ông Phan Thanh Nguyên, hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng cho biết, theo thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT thì có thể các em sẽ bị “buộc thôi học 1 năm, chịu sự quản lý của địa phương”.

Nhưng liệu đây có phải là biện pháp “trừng phạt” thích hợp với các học sinh 12-13 tuổi này? Với hoàn cảnh gia đình như đã nói ở trên, khi nghỉ học “chịu sự quản lý của địa phương”, liệu các em có được gia đình quan tâm, dạy bảo để “phục thiện” không hay đó lại là cơ hội để các em lêu lổng hơn và trở nên côn đồ, hung hăng hơn?

Từ clip này, nhiều nhà quản lý, giáo dục lại đang đặt ra những vấn đề to tát để lý giải cặn kẽ nguyên nhân, thực trạng và giải pháp nhằm ngăn chặn bạo lực học đường. Chắc chắn sẽ có nhiều cuộc hội thảo, nhiều nghiên cứu tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, điều mong mỏi trước nhất chính là từ những bậc cha mẹ: Hãy quan tâm, dạy dỗ và yêu thương con mình hơn bởi “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên” (Bác Hồ). Gia đình luôn là nơi đầu tiên và quan trọng nhất để nuôi dưỡng những tế bào lành mạnh cho xã hội.

Theo Công Hân
VOV News