Dấn thân học... “tiếng hiếm”

Chưa bao giờ em nghĩ mình sẽ học tiếng Ả Rập - ngôn ngữ mà khi phát âm người học phải líu lưỡi”, Nguyễn Duy Anh - sinh viên năm cuối khoa Đông phương học - chia sẻ về nghề “phiên dịch tiếng Ả Rập”. Thế nhưng cái giá của việc học ngôn ngữ hiếm là những cơ hội rộng mở phía trước.

Nguyễn Duy Anh ở Ai Cập
Nguyễn Duy Anh ở Ai Cập.

Nhọc nhằn… tiếng hiếm

Tiếng Ả Rập là một chuyên ngành mới thuộc khoa Đông phương học của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM. Đây là một ngôn ngữ hiếm cả về số lượng trường đào tạo và số lượng người theo học.

Nguyễn Duy Anh là một trong những sinh viên đầu tiên học ngôn ngữ này của khóa học và đang được chu du ở các nước Trung Đông theo diện học bổng. Ngày mới bước vào năm nhất Khoa Đông phương học, Duy Anh chọn tiếng Nhật và tiếng Hàn, nhưng không may năm đó hai ngành này được tách ra khỏi khoa.

Cũng năm này, khoa mở lớp tiếng Ả Rập đầu tiên. Đó, như là duyên định mệnh của Duy Anh: “Học ngoại ngữ như tiếng Anh, Nhật…mà mình biết chút ít trước đã khó, nay tiếng Ả Rập thì em bắt đầu bằng con số 0. Nhưng càng học, càng thấy hứng thú rồi yêu thích và cảm thấy may mắn khi được vào học tiếng Ả Rập”.

Cứ nhắc tới các nước sử dụng tiếng Ả Rập ở Trung Đông, Duy Anh nghĩ ngay tới những sa mạc “nóng bỏng” ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Ngày đầu vào học, với Duy Anh gặp vô vàn khó khăn nhưng thú vị vì tiếp cận với một ngôn ngữ quá xa lạ. Duy Anh chia sẻ : “Ngay từ buổi đầu tiên vào luyện phát âm tụi em đã líu lưỡi vì bảng chữ cái của tiếng Ả Rập, rất khó đọc, cả lớp mỗi người một âm, những lần luyện phát âm là những lần lớp được trận cười thỏa thuê”.

Bên cạnh đó, ngành mới nên thiếu giáo trình, nguồn tư liệu duy nhất là từ những thầy cô trong khoa. Nhiều lúc gặp khó… muốn bỏ cuộc, nhưng lại nhận được nhiều lời động viên từ gia đình, bạn bè nên Duy Anh quyết tâm theo đuổi. Đặc biệt là bố mẹ Duy Anh ủng hộ rất nhiệt tình vì lí do rất thực tế “ngành mới chắc chắn… dễ xin được việc”.

Một năm, hai năm và giờ Duy Anh đang chập chững bước vào nghề và tự tin rằng mình đã chọn đúng hướng: “Từ lạ thành quen, từ quen thành một tình yêu. Văn hóa của 22 nước sử dụng ngôn ngữ Ả Rập thực sự rất phong phú. Em tin mình đã đi đúng con đường mình yêu thích”

Cửa hẹp, chân trời rộng

Khi chia sẻ những dòng này thì Duy Anh đang chu du bên Ai Cập theo học bổng của trường, cũng là những ngày đầu bước vào nghề “phiên dịch tiếng Ả Rập”.

“Lạ, nhớ Việt Nam, thức ăn không ăn được, văn hóa khác” - là những cảm xúc ngổn ngang những ngày đầu Duy Anh qua Ai Cập cùng các nước Trung Đông khác.

“Bao năm trời chỉ quen với cơm Việt nên em không ăn được. Nhưng rồi cũng như học tiếng Ả Rập, mỗi ngày thử một tí đến bây giờ thì gần “ghiền” rồi” - Duy Anh cho biết - “Phiên dịch đâu chỉ là “nghe - dịch” lại đâu, cần hiểu văn hóa của đất nước sử dụng ngôn ngữ mình đang dịch nữa. Sang Ai Cập mới biết những gì mình học còn quá ít. Thế nên những ngày đầu vấp váp khá nhiều”.

Khác với cảm giác háo hức những ngày trước khi sang Trung Đông, đi xa một thời gian dài nên nhớ Việt Nam khi bạn bè xung quanh đến từ khắp năm châu, nhiều lúc Duy Anh thấy buồn, muốn về ngay lập tức. Nhưng những cố gắng từng ngày một, được đi du lịch tham quan nhiều địa danh nổi tiếng, được thử sức với nghề nên dần dần chàng trai trẻ đã dung hòa được cảm xúc. “Giờ thì em quen rồi, Ai Cập giờ như…nhà vậy” - Duy Anh chia sẻ.

Nghề phiên dịch, chủ yếu hiện nay là tiếng Anh, Trung, Nhật… còn tiếng Ả Rập thì ở Việt Nam đang “hiếm”. Người học khá kén chọn bởi tiếng này không “hot” và khó, các nơi đào tạo cũng chưa nhiều (chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh)... 

Trong khi, các doanh nghiệp ở Việt Nam sử dụng tiếng Ả Rập chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nên, học tiếng Ả Rập là một quyết định “dũng cảm” đối với Duy Anh và đây là một cánh cửa hẹp. “Một thứ “tiếng hiếm”, quá mới lạ, hầu hết ai cũng dè dặt. Nhưng phía sau cánh cửa hẹp là chân trời cơ hội rộng mở, nhưng trước nhất thì phải đam mê, phải có duyên với ngôn ngữ này như… tình yêu đôi lứa” - Duy Anh chia sẻ.

Sau những ngày đầu thử thách nghề phiên dịch tiếng Ả Rập, Duy Anh đã muốn gắn bó lâu dài với ngôn ngữ đặc biệt này với vai trò là giảng viên tiếng Ả Rập sau khi về nước, hoặc làm phiên dịch ở các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Trong 3, 4 năm trở lại đây, một số bạn trẻ đã bắt đầu khám phá lĩnh vực ngoại ngữ hiếm. Đó có thể xem là sự đi tắt đón đầu theo xu hướng hợp tác, phát triển toàn cầu. Chấp nhận “dấn thân” tìm hiểu một ngôn ngữ “độc, lạ”, vượt khó để đam mê chinh phục biến nó thành nghề mưu sinh thú vị...

Theo Đức Lộc
Lao Động