Đại học Việt Nam lập trạm quan trắc, nghiên cứu giảm khí thải nhà kính

(Dân trí) - Ngày 9/5, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM khánh thành trạm quan trắc khí nhà kính. Đây là sự chung tay của các nhà khoa học tìm giải pháp thích ứng và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Đại học Việt Nam lập trạm quan trắc, nghiên cứu giảm khí thải nhà kính - 1

Lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và Viện nghiên cứu biến đổi toàn cầu (CzechGlobe) trong lễ khánh thành trạm quan trắc

Trạm quan trắc phát thải khí nhà kính đầu tiên trên ruộng lúa tại vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (tỉnh Long An) đã chính thức đi vào vận hành từ tháng 4 năm 2019. Đây là hoạt động đầu tiên của Trung tâm nghiên cứu Khí nhà kính và Biến đổi khí hậu - trung tâm hình thành trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM cùng với Viện nghiên cứu biến đổi toàn cầu (CzechGlobe).
 
Phát biểu tại sự kiện này, GS.TS Trần Linh Thước, hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên- ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: Việt Nam là một nước đang phát triển, trong quá trình phát triển đó chắc chắn sẽ gia tăng việc thảy khí nhà kính, tuy nhiên ngược lại nếu biết sử dụng tốt khoa học công nghệ, đặc biệt là cái giải pháp sinh thái thì sẽ giảm được những tác hại này. Hợp tác khoa học quốc tế đa phương cũng là một giải pháp hiệu quả giảm thiểu những vấn đề có tầm quốc gia liên quan đến việc ứng phó với các vấn đề của biến đổi khí hậu. 
Đại học Việt Nam lập trạm quan trắc, nghiên cứu giảm khí thải nhà kính - 2

GS.TS Trần Linh Thước, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM phát biểu

Năm 2012, Việt Nam đã phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, xác định mục tiêu giảm thiểu việc thảy khí nhà kính, trong đó có nhiệm vụ thiết lập hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định cấp quốc gia, cấp ngành về các kiểm kê nguồn thảy khí nhà kính, xây dựng các hệ số liên quốc gia. Tuy nhiên những thông tin về các nguồn gây phát thải khí nhà kính (KNK) để kiểm kê cũng như xây dựng chiến lược, giải pháp kiểm soát vẫn chưa đầy đủ. “Trung tâm nghiên cứu Khí nhà kính và Biến đổi khí hậu” của nhà trường ra đời cũng sẽ giúp đề xuất mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu ở các khu vực nhạy cảm như đồng bằng sông Cửu Long.
 
TS Phạm Quỳnh Hương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khí nhà kính và Biến đổi khí hậu cho biết mục tiêu chiến lược của trạm quan trắc chính là trở thành thành viên của mạng lưới trạm quan sát KNK Châu Âu (ICOS). Có thể tiếp cận các chuẩn, dữ liệu, tài liệu và cùng tham gia công bố khoa học trên các tạp chí có uy tín. Đồng thời, trạm còn hỗ trợ và cung cấp thông tin về biến đổi khí hậu và khí nhà kính cho các cơ quan quản lý và nghiên cứu như Bộ, Sở:Tài nguyên Môi trường, Khoa học công nghệ, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ĐH Quốc gia TP.HCM, các trường viện, nhà nghiên cứu, khu bảo tồn, cư dân địa phương .. Kết qua thu được từ trạm sẽ góp phần tham gia vào công tác hoạch định các chính sách phát triển của địa phương trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
 
Đặc biệt, sự ra đời của trạm quan trắc này cũng nâng cao vị thế của ĐHQG-TPHCM và trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM thông qua việc công bố các công trình khoa học với các nghiên cứu mới về hệ sinh thái ruộng lúa của Đồng bằng sông Cửu Long, tạo cơ hội hợp tác nghiên cứu liên ngành, đa lĩnh vực giữa các nhà khoa học và các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước.
 
Ngoài ra, giúp ưng dụng trong đào tạo ĐH và sau ĐH trong hệ thống ĐHQG TP.HCM, các đối tác, cộng đồng và địa phương.
Được biết, hệ sinh thái ruộng lúa nước là hệ sinh thái chiếm tỷ lệ lớn nhất, và là hình thức sử dụng đất quan trọng nhất tại vùng đệm khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Các hệ sinh thái này góp phần đáng kể vào lượng khí nhà kính phát thải trong khu vực và trên toàn cầu. 
 
Trạm quan trắc khí nhà kính vừa được khánh thành sử dụng công nghệ tiên phong hiện nay là Eddy Covariance, với nhiều thiết bị hiện đại khác tự động thu thập nhiều thông số, từ dòng năng lượng bức xạ tới và phản xạ từ bề mặt thảm phủ, diễn biến nhiệt và ẩm độ không khí, nhiệt và ẩm độ đất/mực nước dưới đất, phát thải CO2, CH4, và diễn biến mức ngập lũ do hệ thống vận hành liên tục khi ruộng đang canh tác và cả khi ngập nước lũ. Các dữ liệu được thu thập liên tục theo thời gian thực và truyền về trung tâm tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Trong thời gian tới các trạm khác sẽ được tiếp tục lắp đặt trên hệ sinh thái rừng ngập, bưng lúa ma, lung sen tại khu bảo tồn Láng Sen. 
Lê Phương