Đại học trọng điểm vẫn là sân chơi chủ yếu của trường công lập

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phát biểu như vậy tại Tòa đàm “Mô hình trường đại học trọng điểm khu vực ngoài công lập, không sử dụng ngân sách nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực và quốc tế”, tại TP.HCM, ngày 14-3.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, phát triển giáo dục đại học, cao đẳng ngoài công lập đã tạo mô hình mới về quản trị đại học, tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên dư luận xã hội nói chung vẫn chưa đánh giá cao vai trò của giáo dục đại học ngoài công lập, mà nguyên nhân chính là chất lượng đào tạo chưa cao.

Theo ông Hùng, khi triển khai mô hình đại học trọng điểm, gắn khái niệm “trọng điểm” với ưu tiên đầu tư nguồn lực hơn đặt ra chuẩn chất lượng mà các trường cần vươn tới. Do vậy mô hình đại học trọng điểm vẫn là sân chơi chủ yếu của khu vực công lập hoặc chỉ ngầm định cho các trường công lập. Như vậy nếu bản chất của mô hình đại học trọng điểm là chuẩn chất lượng đẳng cấp quốc tế cần vươn tới thì sân chơi cần mở rộng đối với các trường ngoài công lập.

Các đại biểu tham dự cho rằng, không nên phân biệt đại học trong điểm giữa trường công lập và dân lập để có sự đầu tư tương xứng, tạo điều kiện cho trường đại học ngoài công lập phát triển. Mặt khác bản chất của mô hình đại học trọng điểm là chuẩn chất lượng đẳng cấp quốc tế cần vươn tới thì sân chơi cần mở rộng đối với các trường ngoài công lập.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nêu: Hiện khái niệm về trường đại học trọng điểm vẫn còn băn khoăn nhưng cần phải có sự bình đẳng về đầu tư ngân sách, xây dựng hạ tầng và học bổng giữa trường công lập và dân lập. “Nói gì thì nói đại học trọng điểm phải đưa chất lượng đào tạo, nghiên cứu, tạo việc làm cho sinh viên lên hàng đầu”, ông Hoàng lưu ý.

Đồng quan điểm, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, các hướng dẫn chỉ nói các trường đảm bảo các tiêu chí để công nhận đại học trọng điểm, chứ không nói bao nhiêu phần trăm trường công lập, bao nhiêu phần trăm trường dân lập. “Không nên có tư duy phân biệt như thế, chỉ ưu tiên cho trường công lập, mà cần có cơ chế thí điểm để các trường đại học ngoài công lập cũng là đại học trọng điểm”, ông Tiến, nói.

Đại học trọng điểm vẫn là sân chơi chủ yếu của trường công lập
Các đại biểu cho rằng, cần để trường đại học ngoài công lập thí điểm đại học trọng điểm, thay vì chỉ dành cho khu vực công lập. (Ảnh: P. Điền)

TS. Phạm Thị Ly, Viện Đào tạo Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, thời gian qua đã có các văn bản khẳng định chủ trương đầu tư xây dựng các trường đại học trọng điểm. Cả nước hiện có 18 trường đại học trọng điểm quốc gia, trong đó có hai đại học quốc gia, 5 đại học vùng và 11 trường đại học khác. Tuy nhiên, thế nào là đại học trọng điểm, điều kiện nào để được công nhận đại học trọng điểm, và những ưu đãi dành cho trường đại học trọng điểm, chưa thấy văn bản nào đề cập.

TS. Phạm Thị Ly đặt vấn đề, đại học trọng điểm công lập được sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách công. Ngược lại mô hình trọng điểm ngoài công lập huy động nguồn lực từ nguồn xã hội hóa và hướng tới mục tiêu đòi hỏi của thị trường. Theo đó cần có cơ chế để đảm bảo sự công bằng trong việc hỗ trợ nguồn tài chính để tạo sự bình đẳng. Để làm được điều đó, các trường phải cam kết nguồn lực tài chính và cơ chế quản trị nội bộ lành mạnh.
 
Theo Phong Điền
Pháp luật TPHCM