Đại học được tự chủ, sao vẫn bị phạt tuyển vượt chỉ tiêu?

(Dân trí) - Tại Hội nghị công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, tổ chức vào ngày 17/7, một số lãnh đạo trường ĐH băn khoăn rằng vì sao các trường được tự chủ, nhưng sao vẫn bị phạt nếu tuyển vượt chỉ tiêu.

Sao không thưởng trường tuyển vượt chỉ tiêu? (Thực hiện: Lê Phương)

Chỉ tiêu là áp lực với lãnh đạo các trường ĐH

Phát biểu tại phiên thảo luận ở điểm cầu TPHCM, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nêu trăn trở: “Hiện nay, có quá nhiều phương thức tuyển sinh như xét học bạ, điểm thi THPT quốc gia, rồi ĐH Quốc gia cũng có thêm 2 kỳ thi đánh giá năng lực… Điều này dù Luật Giáo dục đại học cho phép nhưng đa dạng quá cũng dẫn đến phức tạp, thực tế chuẩn đầu vào giữa các loại hình có khoảng cách khá nhiều”.

Đại học được tự chủ, sao vẫn bị phạt tuyển vượt chỉ tiêu? - 1

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM phát biểu

Ông Dũng dẫn chứng trường, “Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có ưu tiên xét tuyển đối với học sinh trường chuyên, học sinh giỏi phổ thông bằng điểm học bạ, chuẩn đưa ra từ 21- 27 điểm, tức mỗi môn cũng 7- 9 điểm nhưng khi vào học chưa chắc học tốt, nhiều em cũng phải bỏ giữa chừng. Tôi cho rằng cũng nên giới hạn các phương thức xét tuyển, điểm thi THPT quốc gia có đề thi tốt, phổ điểm đẹp thì cũng đủ làm cơ sở để các trường tuyển sinh tốt”.

Đáng chú ý, ông Dũng cho rằng Bộ nên xem lại chuyện phạt các trường tuyển vượt chỉ tiêu. Năm trước, các trường tuyển vượt chỉ tiêu bị phạt đa số là các trường hàng đầu (Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm kỹ thuật...). Tại sao không thưởng các trường này mà lại phạt? Vì có nhiều trường gọi nhập học 1.000 thí sinh nhưng không đến 100 thí sinh vào học.

“Áp lực đối với lãnh đạo với các trường là gọi bao nhiêu thì vừa? Gọi đủ hay dư? Tôi thống kê những em điểm cao trúng tuyển vào trường thì đa phần đi du học hết rồi. Các trường tự chủ rất dễ bị sinh viên bỏ vì học phí cao”, ông Dũng nêu ý kiến.

“Rồi còn tùy ngành học, có những ngành kén người học gọi nhiều vẫn không đủ. Như ngành môi trường gọi 160% thì chỉ nhập học 70%, còn ngành cơ điện tử gọi 105% thì vô đủ 105%. Bởi vậy, gọi bao nhiêu là vừa? Gọi vừa đủ, sinh viên nhập học không đủ thì cấp dưới sẽ “chửi” vì không đủ tiền để “nuôi quân”, nhưng gọi vượt mà lỡ vào dư thì lại phạm quy định của Bộ”, ông Dũng nêu tiếp băn khoăn.

Cũng liên quan đến chuyện tuyển sinh, PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, nêu "Trường chúng tôi có kỳ thi đánh giá năng lực riêng, thi xong có thể chiều công bố ngay nhưng theo quy định của bộ thì vẫn phải chờ, chờ lọc ảo nữa, trong khi chúng tôi không hề bị ảo. Tham gia vào nhóm lọc ảo có khả năng phải mất đi những sinh viên vốn đã được "chốt" là đậu rồi".

Đại học được tự chủ, sao vẫn bị phạt tuyển vượt chỉ tiêu? - 2

PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách trường ĐH Luật TP.HCM nêu ý kiến

Ông Hải cũng đồng tình với hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và thừa nhận, chỉ tiêu là vấn để cực kỳ đau đầu của trường công. Dự trù rồi gọi vào bao nhiêu thì đều là suy đoán ban đầu cả. Nếu nhập học thiếu thì không được bù đắp cho chỉ tiêu năm sau, nhưng gọi dư thì sẽ bị kỷ luật nặng.

 "Chúng ta nên quan trọng quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra hơn đầu vào. Trong quá trình đào tạo, các trường còn phải sàng lọc. Vấn đề này liên quan đến quy định chung chưa thể bao quát tất cả, có trường tuyển sinh nghiêm túc, cũng có trường không nghiêm túc nhưng khi đưa ra quy định thì lại gom chung hết nên quy định hạn chế được trường chưa nghiêm túc nhưng có khi lại bất lợi cho trường làm nghiêm túc", ông Hải nói.

Bốn yêu cầu của Bộ đối với các trường

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An cho rằng công tác thi và tuyển sinh được các đại biểu đánh giá cao sự vào cuộc cả hệ thống chính trị cho kỳ thi THPT an toàn, minh bạch, hiệu quả, đúng quy chế. Bộ GD-ĐT cũng đánh giá cao sự tham gia của các trường đại học vào tất cả mọi khâu của kỳ thi, từ ban chỉ đạo, coi thi, chấm thi, thanh kiểm tra.

Đại học được tự chủ, sao vẫn bị phạt tuyển vượt chỉ tiêu? - 3

Các đại biểu tại điểm cầu TPHCM tham dự Hội nghị công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, tổ chức vào ngày 17/7

Với kết quả 94,06% tỷ lệ tốt nghiệp đã phản ánh đúng chất lượng giáo dục của các địa phương trên cả nước. Rất nhiều trường đại học đã đề xuất cần duy trì kỳ thi THPT quốc gia như năm 2019 để tạo cơ sở thuận lợi cho các trường trong công tác xét tuyển.

Đối với công tác tuyển sinh, Thứ trưởng An cho rằng các trường đại học đã thực hiện ổn định công tác tuyển sinh nhiều năm qua. Việc các trường được tự chủ phương thức xét tuyển, các giải pháp kỹ thuật, lọc ảo, nhóm xét tuyển Bắc-Nam… đã tạo ra một kỳ xét tuyển đại học nhẹ nhàng, công bằng, khách quan.

Đại học được tự chủ, sao vẫn bị phạt tuyển vượt chỉ tiêu? - 4

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An chia sẻ ý kiến

Tuy nhiên ông An cho rằng về phía Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường 4 nội dung. Thứ nhất, đề nghị các trường thực hiện đúng lộ trình, bám sát các mốc thời gian theo các hướng dẫn để đảm bảo đúng quy chế thi và tuyển sinh. Trong đó đặc biệt lưu ý ngày 22/7 công bố ngưỡng xét tuyển, 9/8 công bố kết quả xét tuyển đợt 1, ngày 19/8 cập nhật danh sách nhập học.

Thứ hai, cần đảm bảo chất lượng đầu vào trong công tác tuyển sinh, đồng thời tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng trong quá trình đào tạo và thực hiện cam kết với người học, xã hội, đảm bảo chất lượng đúng với chuẩn đầu ra. Các trường tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, xây dựng văn hoá chất lượng trong trường đại học, kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và đặc biệt là kiểm định chương trình đào tạo, song hành với đó là nâng cao chất lượng và năng lực của cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý giáo dục.

Điều thứ 3, Thứ trưởng An nhấn mạnh đề nghị các trường đánh giá, phân tích các phương thức tuyển sinh trong đề án tuyển sinh của mình, so sánh cả quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra để điều chỉnh, hoàn thiện đề án và công tác tuyển sinh của trường những năm tới, để chuyển biến trong toàn hệ thống.

Và điều thứ 4 là các trường cùng hệ thống sẽ xây dựng một nền giáo dục đại học có chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội, đào tạo nguồn nhân lực trình độ và chất lượng cao cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế, phù hợp năng lực, sứ mạng, tầm nhìn, chiến lược phát triển của từng trường.

Lê Phương