Đại học danh tiếng Trung Quốc “sao chép” video quảng bá trường

(Dân trí) - Trung Quốc từ lâu trăn trở với câu hỏi làm sao để xây dựng những đại học đẳng cấp quốc tế khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới. Vừa qua, thách thức này lại một lần nữa trở thành tâm điểm sau khi trường đại học danh tiếng Phúc Đán (một trong những trường đại học tốt nhất Trung Quốc) tung ra video quảng bá trường và ngay lập tức bị công chúng tố là sao chép video của ĐH Tokyo (Nhật Bản).

Được đăng vào đầu tuần trước, video này giống đến sửng sốt video quảng bá chính thức của Trường đại học Tokyo mang tên "Explorer" (Nhà thám hiểm) được tung ra năm ngoái. Trong video này, một nhà du hành vũ trụ đi dạo quanh khuôn viên trường và thành phố Tokyo, nói với một giọng tiếng Anh trầm lắng.

"Tôi đến thành phố này như một nhà thám hiểm, ăn uống cùng với những người lạ, tiệc tùng cùng nhau, trở thành một gia đình", nhà du hành vũ trụ nói bằng tiếng Anh khi video quay cảnh nửa người cô di chuyển trên sàn nhảy chiếu đèn laze. Video kết thúc với cảnh nhân vật chính tháo bỏ chiếc mũ bảo hiểm màu trắng và hóa ra đó là nhà du hành vũ trụ Naoko Yamazaki, học khóa 1993.

Video của Trường đại học Phúc Đán cũng theo kịch bản tương tự, trong đó nhân vật chính mặc quần áo phi hành đoàn và tiệc tùng trên sàn nhảy. Khi nhân vật chính cởi chiếc mũ bảo hiểm của mình vào đoạn cuối video, hóa ra cô là Le Yafei, học khóa 2009, hiện là một kỹ sư kiểm tra chuyến bay.
 
Cảnh trong video của Đại học Phúc Đán (
Cảnh trong video của Đại học Phúc Đán (trái) và Đại học Tokyo (phải).

Những người dùng truyền thông mạng xã hội nhanh chóng chế giễu video “nhái” này, video này trước đó được Đại học Phúc Đán giải thích là được sản xuất bằng tiếng Anh để phù hợp với môi trường học thuật ngày càng quốc tế hóa. Một số nói rằng lẽ ra Đại học Phúc Đán nên được đặt tên là Đại học "Fuzhi": trong tiếng Trung Quốc, fuzhi nghĩa là sao chép.

"Một trường đại học nổi tiếng như vậy không nên bắt chước làm phim quảng bá của trường khác", một người dùng trên mạng Weibo nói. Một người khác phàn nàn rằng video quảng bá của Đại học Phúc Đán, với độ dài gấp hai lần video của Đại học Tokyo, vẫn rất kém. “Nếu bạn muốn học hỏi từ cái gì đó, bạn phải sáng tạo tốt hơn phiên bản ban đầu. Nếu bạn so sánh hai video này, rõ ràng rằng video của Đại học Tokyo tốt hơn”, người này nói.

Những người khác thì đưa ra nhận xét chừng mực hơn. “Chân thực mà nói, video của Đại học Phúc Đán cũng không kém, và cũng không phải là sao chép hoàn toàn. Chỉ là họ sử dụng một số nét sáng tạo của Đại học Tokyo... mà sáng tạo thì là điều quan trọng nhất”.

Phúc Đán là một trong những đại học được lựa chọn nhiều nhất của Trung Quốc, thành viên của cái gọi là “C9 League” gồm những đại học danh tiếng nhất Trung Quốc.

Trước việc video quảng bá của trường bị kêu ca, Đại học Phúc Đán không ngay lập tức phản hồi.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, nhà sản xuất video, ông Teng Yudong, nói rằng trong quá trình làm phim, nhóm đã xem hơn 20 vieo quảng bá của các trường khắp thế giới, trong đó có Đại học Tokyo. Tuy nhiên, ông Teng nói rằng video của Đại học Phúc Đán khác ở nhiều mặt, trong đó có cảnh nhân vật chính trò chuyện với một người già.

“Về tác hại mà tôi đã tạo ra cho danh tiếng nhà trường, tôi cảm thấy một trách nhiệm sâu sắc và sự xin lỗi chân thành”, ông Teng nói.

Sau vụ video “làm nhái” này, Đại học Phúc Đán tung ra một video quảng bá mới, trong đó có cảnh những hàng cây được ánh mặt trời soi rọi và những cuộc phỏng vấn về lịch sử ngôi trường sắp bước vào lễ kỷ niệm 110 năm thành lập vào năm nay.

Xuân Vũ
Theo The Wall Street Journal