Đại học đang tự trói mình về chương trình, hình thức đào tạo

(Dân trí) - PGS. TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM chia sẻ như vậy tại hội thảo “Mô hình giáo dục 4.0 áp dụng, triển khai trong điều kiện tại Việt Nam” do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức sáng ngày 5/11.

ĐH đang tự trói mình về chương trình, hình thức đào tạo

PGS. TS Vũ Hải Quân đã nêu lên hàng loạt trăn trở mà các trường ĐH sẽ gặp thách thức trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Ông Quân cho rằng cần phải mạnh mẽ đổi mới mô hình quản trị đại học hướng đến việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự chủ về chương trình đào tạo, hình thức đào tạo.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, mỗi năm nhiều nghìn SV bỏ học, bị buộc thôi học vì nhiều lý do khác nhau trong đó có việc chọn nhầm ngành nghề
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, "mỗi năm nhiều nghìn SV bỏ học, bị buộc thôi học vì nhiều lý do khác nhau trong đó có việc chọn nhầm ngành nghề"

“Mỗi năm, trong hệ thống ĐHQG có nhiều nghìn SV bỏ học, bị buộc thôi học vì nhiều lý do khác nhau trong đó có việc chọn nhầm ngành nghề. Chúng ta đang tự trói tay mình vì những qui định để rồi bất lực nhìn các em bỏ học trong khi chúng ta hoàn toàn có thể nắm tay cùng các em bước tiếp. Phải chăng các trường ĐH cũng đang tự trói tay mình bởi những qui định về việc phát triển, mở mới các ngành, nhóm ngành đào tạo trước nhu cầu phát triển của đất nước, của doanh nghiệp để rồi thay vì đồng hành, doanh nghiệp quay lưng lại với chúng ta.

Chúng ta đang tự trói tay mình về định mức học phí bất hợp lý để rồi phải đẻ ra nhiều hệ đào tạo khác nhau như chất lượng cao, đại trà, chương trình tiên tiến, cử nhân tài năng v.v. Chúng ta tự trói tay mình trong khi một số trường ĐH bên ngoài mạnh dạn cởi trói, thu mức học phí tính đúng, tính đủ và khi có nguồn tài chính dồi dào, họ có thể làm nhiều việc hơn. Thậm chí một vài trong số đó trở thành hiện tượng, trở thành hình mẫu về giáo dục ĐH của Việt Nam”, Phó giám đốc ĐHQG TPHCM chia sẻ hàng loạt trăn trở.

PGS.TS Vũ Hải Quân cũng nhấn mạnh rằng cần phải phát triển chương trình giáo dục toàn diện xuyên suốt và thống nhất hướng đến nâng cao hiểu biết của SV về đất nước, con người Việt Nam, khuyến khích chuyển đổi chương trình đào tạo từ I-shape sang T-shape và rồi Combo-shape; khuyến khích SV học nhiều hơn một chuyên ngành; trang bị thêm kỹ năng hội nhập quốc tế; gắn chặt với doanh nghiệp thông qua các hoạt động trải nghiệm, thúc đẩy tinh thần học tập suốt đời và đề cao tinh thần đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, các trường quyết liệt áp dụng các phương pháp, mô hình giảng dạy mới, lấy người học làm trung tâm. Bên cạnh đó, có chính sách khen thưởng cho GV có thành tích, kinh nghiệm giảng dạy tốt tương tự như đã làm rất tốt với các nhà khoa học hàng năm có các công trình công bố, có đề tài được chuyển giao công nghệ

Giáo dục truyền thống đang biến con người trở thành máy móc?

PGS.TS Vũ Hải Quân cũng đưa ra nhận định, xã hội chúng ta hôm nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường và của khoa học công nghệ, đang có xu hướng vật chất hoá, máy móc hoá. Máy móc vô hồn và thực hiện những công việc được liệt kê trước, lập trình trước. Cách duy nhất để con người cạnh tranh với máy móc là không tự biến mình thành máy móc. Hay nói cách khác, con người chúng ta phải học và phải có thể làm được những việc mà máy móc không làm được.

TS Nguyễn Thanh Phượng, Giám đốc quốc gia, ĐH Bang Arizona, Mỹ chia sẻ về Mô hình đại học mới của Mỹ và những gợi ý cho hệ thống đại học Việt Nam
TS Nguyễn Thanh Phượng, Giám đốc quốc gia, ĐH Bang Arizona, Mỹ chia sẻ về Mô hình đại học mới của Mỹ và những gợi ý cho hệ thống đại học Việt Nam

“Vấn đề hiện nay là phải chăng cách giáo dục truyền thống đang biến con người trở thành máy móc? Tiêu chí tuyển sinh giống nhau, chương trình đào tạo chú trọng quá nhiều về nghề nghiệp, thiếu sự tương tác, gắn kết với cộng đồng, chưa chú trọng đến sự tự chủ của cá nhân người học. Phải chăng đó là vấn đề chưa sẵn sàng của SV trong bối cảnh của của toàn cầu hoá, của sự thay đổi quá nhanh về công nghệ”, ông Quân nhận định.

Cũng từ đó, ông Quân cho rằng sẽ có nhiều ngành nghề đang dần biến mất - những thợ sơn, thợ hàn, và sắp tới sẽ là những thợ may, thợ xây sẽ do robot thực hiện. Có những nghề mới xuất hiện: kỹ sư dữ liệu, shipper. “Chúng ta liệu có thể trang bị cho SV những kỹ năng nghề nghiệp mà bản thân nghề đó chưa tồn tại như cách mà chúng ta đang làm được không? Hay phải thay đổi ? Phải dạy cho SV khả năng thích nghi với nghề nghiệp mới, khả năng sáng tạo ra những nghề mới. Phải có một tâm thế mở: biến thách thức thành cơ hội, biến ý tưởng thành thực tiễn, luôn tìm tòi đổi mới, sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề”, ông Quân đặt vấn đề.

Hội thảo bàn về“Mô hình giáo dục 4.0 áp dụng, triển khai trong điều kiện tại Việt Nam” có sự tham gia gần 100 đại biểu đến từ các trường ĐH
Hội thảo bàn về“Mô hình giáo dục 4.0 áp dụng, triển khai trong điều kiện tại Việt Nam” có sự tham gia gần 100 đại biểu đến từ các trường ĐH

Cũng tại hội thảo, TS Nguyễn Thanh Phượng, Giám đốc quốc gia, ĐH Bang Arizona, Mỹ đã giới thiệu "Mô hình đại học mới của Mỹ và những gợi ý cho hệ thống đại học Việt Nam" với đặc trưng là doanh nghiệp tri thức. Theo bà Phượng, đây là mô hình mới được phát triển để thay thế cho mô hình giáo dục truyền thống đã không còn phù hợp do xã hội Mỹ đang diễn ra sự thay đổi nhanh chóng ở mọi lĩnh vực. Mô hình này cũng đáp ứng nhu cầu của người học góp phần hạn chế tình trạng sinh viên bỏ học.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Lộc, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng giáo dục đại học phải tăng cường sự trải nghiệm cho người học.

Lê Phương