Đại gia di động chạy đua đón đầu thuê bao học sinh

Sau khi tập trung ưu đãi vào sinh viên, các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục chạy đua đón đầu thuê bao trẻ là các em học sinh. Theo đó, hàng loạt chương trình khuyến học được tung ra để câu khách hàng tiềm năng từ trong “trứng nước”.

Học sinh là đối tượng khách hàng tiềm năng đang được các nhà mạng tập trung khai thác
Học sinh là đối tượng khách hàng tiềm năng đang được các nhà mạng tập trung khai thác
 
Mới đây, doanh nghiệp viễn thông Quân đội thực hiện chương trình bán hàng ưu đãi “Điện thoại mới cho mùa tựu trường” dành cho các em có thành tích tốt trong năm học vừa qua. Theo đó, chỉ với 330.000 đồng, học sinh khá, giỏi có thể sở hữu một bộ Sumo Sim bao gồm điện thoại kèm sim tài khoản khủng. Hàng tháng, những thuê bao này được tặng 30.000 đồng (trong vòng một năm) và chỉ cần nạp 10.000 đồng để duy trì ưu đãi. Chưa hết đơn vị này còn đầu tư hàng ngàn quà tặng để khích lệ các em học sinh có thành tích học tập tốt.

Như vậy, với chưa đầy 500.000 đồng, các bạn học sinh đã có thể sử dụng điện thoại di động cả năm. Ông Hoàng Sơn Giám đốc Công ty viễn thông Viettel cho rằng, từ độ tuổi cấp 2 trở lên, nhiều em đã có nhu cầu sử dụng điện thoại để liên hệ với cha mẹ hay hỏi bài vở thầy cô... Tuy nhiên, lứa tuổi đó còn phụ thuộc nên các em phải được bố mẹ sắm cho, khoản chi phí duy trì dịch vụ hàng tháng cùng số tiền đầu tư ban đầu khiến không ít bậc phụ huynh đau đầu, dù biết rõ, di động là cần thiết với con em mình.

“Điện thoại giá rẻ, tài khoản đều đặn hàng tháng dành cho học sinh có thành tích học tập tốt vừa để giải quyết băn khoăn của phụ huynh, vừa để khích lệ, động viên các em cố gắng hơn trong năm học mới”, ông nói.

Trước đó, Viettel từng tổ chức nhiều chương trình, chính sách ưu đãi dành cho giáo dục như: cung cấp các phần mềm chuyên biệt, hệ thống tổng đài giải đáp ưu tiên các thông tin giải đáp cho học sinh, sinh viên, tặng điện thoại, USB 3G cho tân sinh viên, thủ khoa... Thậm chí, Tập đoàn viễn thông Quân đội còn đầu tư xây mới, sửa chữa hàng loạt ngôi trường thuộc các tỉnh nghèo để nhiều bạn trẻ có cơ hội đi học, chương trình Internet trường học hợp tác với bộ giáo dục đào tạo...

Cũng nhắm đến đối tượng trẻ, MobiFone từng tổ chức chương trình “Kết nối tri thức – Mở lối thành công” tại nhiều trường đại học để tư vấn giáo dục và trao học bổng, quà tặng cho sinh viên có thành tích tốt, hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2011, chương trình “MobiFone Vì tương lai Việt” đã tặng 500 suất học bổng cho các bạn học sinh, sinh viên tại 30 tỉnh, thành phố.

Trong khi đó, VinaPhone lại chọn cách xoay sâu vào chương trình sim sinh viên, học sinh đang áp dụng. Còn nhớ đầu năm học 2011-2012, nhà mạng này đồng loạt khuyến mãi 100 SMS miễn phí hàng tháng cho thuê bao còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài ra, các cán bộ Đoàn còn được gọi 60 phút thoại nội mạng mỗi tháng.

Không chỉ hãng lớn, các tiểu gia di động cũng xem tập trung, đầu tư cho giáo dục là chiến lược câu thuê bao. Bằng chứng là khi vừa ra đời, năm 2009, Beeline đã phối hợp với TW Đoàn TNCSHCM khởi động chương trình “Tiếp sức đến trường”. Theo đó, 90 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, 300 suất học bổng cho học sinh vùng tâm bão đã được nhà mạng trao tặng, giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn.

Trước đó, năm 2010, Vietnamobile từng hỗ trợ gần một tỷ đồng cho sinh viên nghèo vượt khó của 20 trường đại học. Ngoài ra, tại đêm hội “Chào đón tân sinh viên”, hãng còn tạo nhiều cơ hội làm thêm cho sinh viên, giúp thế hệ trẻ tự tin và bớt khó khăn trong cuộc sống.

Như vậy, bên cạnh những gói cước học sinh, sinh viên..., các doanh nghiệp viễn thông đều có những chương trình riêng để hướng đến đối tượng khách hàng còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều đó được xem là hiệu quả khi bên cạnh ý nghĩa giáo dục, nhà mạng đã lấn sâu vào thị trường thuê bao trẻ, thu hút khách hàng dài hạn từ độ tuổi bắt đầu dùng di động.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông di động, chiến lược câu thuê bao dài hạn, ngay từ khi khách hàng còn là học sinh bằng các chương trình khuyến học được xem vẹn cả đôi đường. Bởi làm vậy vừa khích lệ được bạn trẻ cố gắng, nỗ lực học tập tốt hơn, vừa giúp doanh nghiệp viễn thông định hình thương hiệu, có dấu ấn tốt trong suy nghĩ của những người chuẩn bị dùng điện thoại – đối tượng khách hàng tiềm năng.

“Nếu chỉ khuyến mãi thông thường, không gắn với nhu cầu, thành tích học tập – điều song hành với các bạn học sinh thì chính sách phát triển thuê bao của nhà mạng chưa chắc đã thành công, vì xài xong ưu đãi sẽ chẳng ai còn nhớ đến họ”, ông nói.

Thêm đó, vị này cho rằng, khi thuê bao trong nước dần bão hòa thì kích cầu bằng cách nhắm đến đối tượng trẻ nhất là hợp lý. Không phải ngẫu nhiên mà chiến lược của nhà mạng là hạ dần độ tuổi, từ khách hàng thông thường đến sinh viên và giờ là học sinh. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp đang quét thị trường trẻ ngay từ bây giờ để tạo một lượng thuê bao dài hạn trong tương lai.

H.L