Đại biểu QH: Bộ GD-ĐT soạn SGK thì tính khách quan... coi như “đổ từ đầu”

(Dân trí) - Về việc Bộ GD-ĐT biên soạn sách giáo khoa (SGK), các đại biểu Quốc hội cho rằng không khách quan. Theo các đại biểu, Bộ GD-ĐT nên chủ trì, định hướng, quản lý và tổ chức thẩm định, nếu Bộ này biên soạn SGK thì không khác gì “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Tại phiên thảo luận tại Tổ về Đề án Đổi mới SGK ngày 11/11, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (đoàn TPHCM) cho rằng chương trình SGK Bộ GD-ĐT đặt ra là cần nhưng chưa đủ, vì muốn đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục thì phải đảm bảo đổi mới cả 3 yếu tố: Chương trình SGK; phương pháp và đánh giá chất lượng giáo dục; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quả lý và cơ sở vật chất thiết bị. Việc đổi mới chương trình phổ thông phải được thực hiện đồng bộ, có lộ trình từng bước trên cơ sở 3 yếu tố này.

Trong Đề án này, đại biểu Huỳnh Minh Thiện bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK, đồng thời tổ chức các cá nhân biên soạn các bộ SGK khác.

“Bộ là cơ quan nhà nước về GD-ĐT nên tập trung cho công tác quản lý nhà nước, định hướng giáo dục, xây dựng chiến lược giáo dục, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra xử lý, điều chỉnh việc quản lý… Bộ quản lý tham gia soạn sách là “vừa đá bóng vừa thổi còi”, sẽ chẳng có tổ chức cá nhân nào ngoài Bộ còn hăng hái tham gia biên soạn SGK nữa, vì việc này là không khách quan, và chắc chắn không có chuyện Bộ đánh giá bộ sách của mình yếu kém hơn các bộ sách khác. Bộ soạn ra SGK thì Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục phải dùng, thì tính khách quan công bằng và yêu cầu đổi mới SGK coi như “đổ” ngay từ đầu” - đại biểu Huỳnh Minh Thiện cho hay.

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện - đoàn TPHCM: Bộ GD&ĐT vừa đá bóng vừa thổi còi

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện - đoàn TPHCM: "Bộ GD-ĐT quản lý tham gia soạn sách là “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Cũng theo đại biểu Huỳnh Minh Thiện, nếu Bộ GD-ĐT soạn SGK thì phải lấy ngân sách nhà nước, nhưng soạn ra rồi mà trường học không dùng thì có nghĩa đã bỏ phí tiền tỷ đã bỏ ra để biên soạn sách.

Ngoài ra, vị đại biểu này cũng cho rằng Đề án đổi mới SGK của Bộ GD-ĐT chưa đánh giá bộ SGK hiện hành một cách chi tiết, cụ thể trên các lĩnh vực ngôn ngữ, toán học, khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục đạo đức công dân… Từ đó đặt ra vấn đề là thay đổi toàn bộ SGK hay chỉ thay đổi những nội dung không phù hợp, điều này rất không rõ ràng trong Đề án của Bộ GD-ĐT khi đặt ra nhiều yêu cầu và nhiều vấn đề nhưng đọc đi đọc lại thì không rõ nội dung nào nên đổi mới, sẽ rất lãng phí nếu đem đổi mới cả những nội dung tốt đang có giá trị trong thực tiễn.

Đồng quan điểm này, đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TPHCM) cũng nêu ý kiến thảo luận về Đề án đổi mới SGK đang có nhiều vấn đề. Theo đại biểu, Bộ GD-ĐT nên chủ trì, định hướng, quản lý và tổ chức thẩm định, chứ không nên tham gia vào biên soạn SGK theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Đại biểu Võ Thị Dung cho rằng, khi Bộ GD-ĐT sử dụng tiền ngân sách để biên soạn SGK mà không đạt yêu cầu, hiệu quả thực tế không cao thì sẽ gây lãng phí, rồi trách nhiệm của Bộ sau đó như thế nào? Vì vậy, đại biểu ủng hộ xã hội hóa trong biên soạn SGK và khuyến nghị tạo điều kiện có cơ quan, đơn vị, tổ chức biên soạn.

“Đổi mới SGK là vấn đề rất hệ trọng với nền giáo dục nước nhà, liên quan đến hơn 20 triệu học sinh và phụ huynh học sinh, kết quả đổi mới sẽ tác động như thế nào với đất nước, với nền giáo dục… Quốc hội, Chỉnh phủ phải có ý kiến!” - đại biểu Võ Thị Dung khẳng định.

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện - đoàn TPHCM: Bộ GD&ĐT vừa đá bóng vừa thổi còi

Đại biểu Võ Thị Dung - đoàn TPHCM.

Cùng với những phản hồi nói trên, đại biểu Võ Thị Dung cũng quan ngại về việc Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện đề án hệ trọng nhưng không có thí điểm, theo lộ trình của Bộ này thì đến năm 2018 sẽ áp dụng chương trình đổi mới.

“Tôi rất lo! Bởi, thay đổi lớn như vậy mà không thấy có thí điểm. Cần phải có thí điểm và có lộ trình thực hiện. Nếu xem nhẹ thì rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến cả nền giáo dục và thế hệ trẻ nước nhà” - đại biểu Võ Thị Dung bày tỏ.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) thì tham gia thảo luận với những tin nhắn điện thoại nhận được từ các thầy cô giáo - những người ảnh hưởng rất lớn từ Đề án đổi mới SGK mà Bộ chủ quản của họ đang đề xuất triển khai.

“Tôi còn lưu tất cả các tin nhắn trong điện thoại. Các thầy cô giáo họ phản ánh rằng SGK hiện nay mới chú trọng đến dạy chữ mà chưa dạy người, nặng về lý thuyết. Khối lượng kiến thức nặng nề nhất là bậc tiểu học, vậy nên học sinh và thầy cô ở bậc này phải học thêm dạy thêm thì mới đuổi kịp chương trình, không có thời gian để học kỹ năng, theo đó việc đánh giá học sinh tiểu học rất nặng nề và khó khăn. SGK chuẩn đầu ra chưa rõ…” - đại biểu Trần Hoàng Ngân thông tin.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Bộ GD-ĐT phải là cơ quan xây dựng khung chương trình đào tạo và bám theo mục tiêu hội nhập… Với SGK, đại biểu ủng hộ quan điểm mỗi môn học có khoảng 4-5 bộ sách đủ để học tốt chứ không phải là mấy chục, mấy trăm bộ sách gây quá tải cho các em học sinh.

Châu Như Quỳnh