Cuộc đua vào top 1000 ĐH xuất sắc thế giới: Đôi khi thấy "cay" khi đứng ngoài cuộc chơi!

(Dân trí) - Xếp hạng trường quốc tế là “cuộc đua để đạt thứ hạng cao” đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực và ý chí mà cần phải có chiến lược, có đầu tư... và chấp nhận sự cạnh tranh khốc liệt. Đôi khi cũng cảm thấy “cay” khi chúng ta đang đứng ngoài cuộc “chơi” của các trường đại học thế giới và khu vực.

Đó là ý kiến của PGS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội sau khi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội lọt top 1000 trường ĐH xuất sắc thế giới, ĐH Quốc gia TP.HCM lọt top 1000+ của Bảng xếp hạng THE.

Thách thức lớn trong việc giữ hạng

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa HN cho biết, Trường ĐH Bách khoa HN kiên định với chất lượng đào tạo, tập trung vào chất lượng đào tạo thực chất, chất lượng nghiên cứu và đặc biệt là tác động, đóng góp đối với xã hội và đất nước… Khi làm tốt những việc này cùng với hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, kiểm định, đánh giá ngoài khách quan, thì chắc chắn vị trí của Trường trong bảng xếp hạng quốc tế nào cũng sẽ được cải thiện.

Ông Tớp cho hay, đôi khi cũng cảm thấy “cay” khi chúng ta đang đứng ngoài cuộc “chơi” của các trường đại học thế giới và khu vực. Vậy phải xem luật “chơi” của họ thế nào? Họ coi trọng các chỉ số nào? Trường đáp ứng tốt chỉ số nào, cái gì còn thiếu, kể cả việc cung cấp thông tin cho tổ chức xếp hạng. Mãi đến năm 2016, ĐHBKHN mới “để mắt” đến việc xếp hạng.

Cuộc đua vào top 1000 ĐH xuất sắc thế giới: Đôi khi thấy cay khi đứng ngoài cuộc chơi! - 1

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Theo ông Tớp, trong bảng xếp hạng của THE WUR (Times Higher Education World University Ranking), các chỉ số năng suất, uy tín và ảnh hưởng nghiên cứu đã chiếm tới 60%; ngay cả tiêu chí chất lượng giảng dạy cũng lại căn cứ vào quy mô đào tạo tiến sĩ (8,25%) và ý kiến bình chọn của các học giả có thành tích cao về nghiên cứu (15%) tức một phần nào đó cũng gián tiếp phản ánh năng lực nghiên cứu.

Nếu tính thêm cả chỉ số về chuyển giao tri thức và hợp tác công bố quốc tế nữa thì có thể nói các tiêu chí liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới nghiên cứu đã chiếm trọng số tới hơn 90%.

Trong khi đó, những chỉ số phản ánh chất lượng đào tạo như mức độ nỗ lực của người học, mức độ hài lòng của người học, tỉ lệ việc làm của người tốt nghiệp, mức độ gia tăng thu nhập khi tốt nghiệp thì chưa thấy đề cập tới.

Ông Tớp cho rằng, đây là một vấn đề chúng ta cần suy ngẫm khi xây dựng chiến lược phát triển, cần phải quan tâm tới cả 3 nhiệm vụ cốt lõi trong sứ mạng của một trường đại học là đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng.

 “Cuộc đua để đạt thứ hạng cao” đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực và ý chí mà cần phải có chiến lược, có đầu tư... và chấp nhận sự cạnh tranh khốc liệt. Có một điều chắc chắn, hiện nay cũng khó kỳ vọng vào việc các trường ĐH Việt Nam có thể tăng nhanh được vị trí trong các bảng xếp hạng quốc tế.

Việc lọt được vào bảng xếp hạng đã là một cố gắng rất lớn của các trường trong nước, nhưng để giữ đã khó và đặc biệt để thăng hạng thì thách thức còn lớn hơn” - ông Tớp nhấn mạnh.

Đại học Việt Nam phải quốc tế hóa

Theo bảng xếp hạng của THE, trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan có 16 trường lọt vào top 1000, Malaysia có 13 trường, Indonesia có 6 trường, Singapore có 2 trường… So với các nước trên, ĐH Việt Nam còn yếu về nhiều mặt.

TS Lê Văn Út Trưởng phòng Phòng Quản lý Phát triển Khoa học và Công nghệ, Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, các nước trong khu vực ASEAN đã sớm có các đại học được xếp hạng bởi các hệ thống xếp hạng đại học uy tín, như Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã và đang được xếp hạng rất cao trong khu vực và trên thế giới (năm nay NUS được xếp hạng 25 thế giới theo THE).

Việc đánh giá số lượng ít/nhiều các đại học của một nước được vào các bảng xếp hạng còn phụ thuộc vào dân số và số lượng đại học của nước đó.

Cụ thể, Singapore là một đất nước chưa tới 6 triệu dân và theo thông tin từ Bộ giáo dục Singapore thì họ chỉ có 6 đại học, trong đó có 3 đại học chuyên về xã hội và nghệ thuật, hai đại học kỹ thuật và một đại học đa ngành; như vậy việc họ có 2 đại học được xếp hạng bởi THE và hạng rất cao (NUS hạng 25 như đã nêu, ĐH Kỹ thuật Nanyang hạng 48 thế giới) là một thành tựu rất cao.

Trong khi Việt Nam là một đất nước gần 100 triệu dân với hàng trăm đại học, cụ thể 236 đại học (chưa tính các đại học về quốc phòng, an ninh) nhưng chỉ mới có 2 đại học được vào tốp 1000 của THE là rất khiêm tốn. So với các đại học trong khu vực như Singapore, Thailand, Malaysia, yếu điểm chính của các đại học Việt Nam là nghiên cứu và tính quốc tế hóa.

Cuộc đua vào top 1000 ĐH xuất sắc thế giới: Đôi khi thấy cay khi đứng ngoài cuộc chơi! - 2

TS Lê Văn Út Trưởng phòng Phòng Quản lý Phát triển Khoa học và Công nghệ, Đại học Tôn Đức Thắng

Theo TS Út, nghiên cứu khoa học ở Việt Nam mới dần được chuẩn hóa trong thời gian gần đây, từng bước lấy tiêu chuẩn công bố ISI/Scopus như các đại học lớn trên thế giới.

Và trong hợp tác quốc tế thì chúng ta có làm nhưng để có thể hợp tác với những đối tác có đẳng cấp cao trên thế giới thì là vấn đề khó; ngoài ra, việc quốc tế hóa đội ngũ giảng viên và thu hút sinh viên quốc tế là khó khăn chung cho cả hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.

Trong năm nay, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) là đại học đầu tiên và duy nhất Việt Nam được hệ thống xếp hạng đại học thuộc loại khó nhất, uy tín nhất và khách quan nhất của thế giới AWRU xếp vào tốp 1000 thế giới cũng chính nhờ vào việc chúng tôi đã sớm áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong quá trình phát triển.

TS Lê Văn Út cho rằng, để tham gia cuộc chơi chung của các đại học thế giới, không gì khác hơn là các đại học Việt Nam phải sớm hòa nhập vào cộng đồng đại học thế giới. Đã đến thời điểm chúng ta không thể đứng bên lề nữa.

"Đại học là gắn liền với nghiên cứu khoa học, nhưng nghiên cứu khoa học là không biên giới nên việc đánh giá các đại học cũng không nên có biên giới; nghĩa là việc quốc tế hóa các đại học Việt Nam cần được đẩy mạnh hơn nữa. Cụ thể, quốc tế hóa trong đào tạo; quốc tế hóa đội ngũ giảng viên; quốc tế hóa hoạt động nghiên cứu khoa học" - TS Út chia sẻ.

Giám đốc khu vực và Tổng Giám Đốc (Châu Á) của THE Justin Tay: Thông qua cơ sở dữ liệu của một số cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cung cấp, THE nhận thấy đã có sự tăng trưởng nhanh về số lượng các bài báo quốc tế, vì vậy, khả năng trong một vài năm tới các đại học của Việt Nam sẽ có nhiều trường trong bảng xếp hạng các trường đại học thế giới của THE.

Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT): Hy vọng sẽ có thêm nhiều cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam tham gia hệ thống xếp hạng này, qua đó khẳng định được cam kết không ngừng nâng cao chất lượng, uy tín, danh tiếng của cơ sở, viết tên mình lên bản đồ giáo dục đại học chất lượng cao của thế giới.

GS Nguyễn Hữu Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội: Tuỳ theo chiến lược phát triển từng giai đoạn, các trường toàn quyền lựa chọn bảng xếp hạng quốc tế để tham gia, khả thi nhưng phải có tính hội nhập và phổ quát cao để dễ có sự đối sánh hệ thống.

Ở cấp độ quốc gia, cần thiết phải hình thành một nhóm chuyên gia có đại diện của cơ quan quản lí nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học có điều kiện và kế hoạch tham gia xếp hạng triển khai xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá xếp hạng riêng cho các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Các trường đại học có kết quả xếp hạng quốc tế và trong nước tốt sẽ được hỗ trợ giao nhiệm vụ đầu tư phát triển. Các cơ sở giáo dục đại học có kết quả đánh giá xếp hạng yếu kém cần được xử lý, đảm bảo trách nhiệm với xã hội.

Hồng Hạnh