Trung Quốc:

Cử nhân luật lao đao với “cuộc chiến” tìm việc

(Dân trí) - Số lượng các chương trình đào tạo luật và chỉ tiêu tuyển sinh sinh viên ngành luật ở Trung Quốc tăng cao trong khi nhu cầu về cử nhân luật của các nhà tuyển dụng ngày càng thu hẹp đã khiến các cử nhân luật khó có cơ hội tìm việc làm.

Cử nhân luật lao đao với “cuộc chiến” tìm việc - 1
Các cử nhân tham dự một hội chợ việc làm ở Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). (Ảnh: Chinadaily)
 
Một ngày cuối năm 2009, Snow Li, cử nhân luật 24 tuổi thức dậy vào lúc 7 giờ sáng và lên mạng để tìm kiếm thông tin về các công ty. Không phải là Li đang chuẩn bị cho một vụ kiện cáo mà là cô đang tìm hiểu thông tin để sẵn sàng tham gia phỏng vấn tuyển dụng tại bộ phận phụ trách pháp luật của một ngân hàng địa phương.

Kể từ khi học xong năm thứ hai tại Trường đại học Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc hồi cuối tháng 7, Li, cũng giống như nhiều bạn học cùng lớp khác, bắt đầu lao vào hành trình tìm kiếm việc làm. Li đã gửi gần 50 bản lý lịch tới các công ty nhà nước, ngân hàng và các hãng luật nhưng đây chỉ là cuộc phỏng vấn tuyển dụng thứ ba mà cô nhận được.

“Hầu hết bạn học cùng lớp của tôi đã bắt đầu tìm kiếm việc làm vào hồi tháng 7 nhưng không một ai trong số họ có được cơ hội thực sự”, Li kể.

“Tôi thực sự muốn trở thành một luật sư hay nhận được một công việc liên quan đến ngành luật. Nhưng nếu cuối cùng tôi không thể tìm được một công việc như thế, tôi sẽ chuyển sang tìm kiếm công việc trong lĩnh vực hành chính hoặc những công việc ít liên quan đến pháp luật”.
 
Tại Trung Quốc, luật là ngành giữ vị trí hàng đầu trong danh sách 10 ngành nghề khó xin việc làm nhất trong hai năm liên tiếp 2007 và 2008, theo kết quả một cuộc nghiên cứu chung giữa Viện Khoa học xã hội Trung Quốc và công ty tư vấn Mycos Institute có trụ sở tại Bắc Kinh.

Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2008 của cử nhân ngành luật là 23% sau 6 tháng ra trường, cao hơn tỷ lệ thất nghiệp trung bình của cử nhân tất cả các chuyên ngành học (22%).

Giáo sư luật Cao Yisun thuộc Trường đại học Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc cho rằng những khó khăn khi tìm việc của cử nhân luật suy cho cùng là do việc nâng cao số lượng các chương trình đào tạo luật và chỉ tiêu tuyển sinh đi ngược lại với nhu cầu ngày càng thu hẹp từ phía các nhà tuyển dụng.

Với tình trạng không có chương trình giảng dạy chuẩn và quy định tại các cơ quan luật, nhiều tổ chức giáo dục, trong đó có các trường tư thục hoặc thậm chí là các trường đào tạo đã đua nhau lập ra các khoa luật. Điều này đã tạo ra một sự thừa thãi số lượng cử nhân luật, giáo sư Cao nhận định. Trong khi đó, luật là một chuyên ngành đặc biệt, chỉ có những sinh viên xuất sắc mới đủ khả năng để theo học.

Tính đến tháng 11/2008,  có tổng cộng 634 cơ sở giáo dục ở Trung Quốc có khoa luật. Ba mươi năm trước, con số này là 6.

Vào 10/2008, có 300.000 sinh viên tốt nghiệp với bằng cử nhân luật, cộng thêm 220.000 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành luật từ trường dạy nghề, tăng gấp 200 lần so với con số thống kê cách đây 30 năm.

Giáo sư Cao cho biết một số cơ sở giáo dục không có những giáo sư luật đủ trình độ, vì vậy nhiều sinh viên không được đào tạo đúng quy trình.

Wang Boqing, chủ tịch công ty tư vấn Mycos, cho rằng cung và cầu sẽ là phương thức tốt nhất để giải quyết thất nghiệp của cử nhân luật. Ông Wang nói: “Những sinh viên chọn học khoa luật nhưng muốn chuyển sang học chuyên ngành khác nên được khuyến khích. Hoặc họ có thể tính đến việc học văn bằng cử nhân thứ hai”.

Ông Wang khẳng định các nhà chức trách giáo dục cần đánh giá giảng viên và chất lượng của các khoa luật hiện nay. Những cơ sở đào tạo không đủ trình độ nên bị hạn chế trong việc được phép cấp bằng cử nhân luật.

Võ Hiền
Theo China Daily