Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong:

Công tác khuyến học, khuyến tài: Điểm “lóe sáng” trong năm 2013

(Dân trí) -Năm 2013 là một năm hết sức khó khăn về kinh tế. Hàng loạt các doanh nghiệp phá sản hoặc sản xuất cầm chừng. Hàng vạn người lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Thế nhưng như đã thành qui luật, vào những thời điểm khó khăn nhất thì bao giờ cũng lóe lên những điểm sáng. Và không thể nói khác, công tác khuyến học, khuyến tài chính là một điểm “lóe sáng” đó.

Lý giải về điều này, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho biết:

Trước hết, phải nói rằng không phải chỉ năm nay mà đã mấy năm qua, kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng đây cũng là thời gian mà Hội Khuyến học Việt Nam giành được nhiều thành tựu quan trọng, thành quả của các hoạt động khuyến học ngày càng nhiều hơn và toàn diện hơn.

GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam
GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam.

Cụ thể, nếu so với năm 2012 theo số liệu thống kê của 53 tỉnh, thành Hội (tính đến ngày 25/12/2013) thì số hội viên hiện nay là 10.308.738 người, tăng 1.362.282; Số chi hội là 137.957, tăng 18.032; Số ban khuyến học là 75.150, tăng 16.741; Số gia đình hiếu học là 3.787.519, tăng 1.613.959; Số dòng họ hiếu học là 36.319, tăng 15.671; Số cộng đồng khuyến học là 29.410, tăng 15.690; Số người lớn học tại trung tâm học tập cộng đồng là 3.766.599 người, tăng 435.083… Những số liệu này đã minh chứng cho sự phát triển sâu rộng của Hội Khuyến học Việt Nam.

Thưa, đây là những con số rất ấn tượng. Theo ông thì nguyên nhân nào dẫn đến sự tăng trưởng đáng phấn khởi này?

Có được phong trào khuyến học phát triển sâu rộng và bền vững trong những năm qua, trước hết là phải nói đến sự hưởng ứng tích cực của nhân dân đối với chủ trương khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập do Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất. Kèm với đó là sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, của nhiều tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài, sự ủng hộ của các tổ chức xã hội, của truyền thông đại chúng cộng với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Và một điều không thể không nhắc đến, đó là sự kế thừa truyền thống hiếu học từ ngàn xưa của dân tộc.

Học tập là niềm khao khát của nhiều người, chí ít cũng là sự cần thiết để con người làm việc tốt hơn, kiếm việc làm nhanh hơn, sự phát triển nhiều mặt của con người thuận lợi hơn, nhất là trong nền kinh tế trí thức và sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện nay. Hội Khuyến học và các tổ chức Đảng biết khai thác điểm này thì dù khó khăn kinh tế có lớn hơn nữa, việc học của dân vẫn được chính họ đẩy mạnh.

Với nhiệm vụ hướng dẫn các hội địa phương về những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng xã hội học tập để từng địa phương đưa toàn bộ hoạt động khuyến học, khuyến tài hướng vào nhiệm vụ trọng tâm “vận động người dân học tập thường xuyên” “học tập suốt đời”… Những năm qua, Trung ương hội đã làm được những gì và cả chưa làm được những gì?

Để thực hiện tốt những nhiệm vụ trên, Trung ương Hội KHVN một mặt chỉ đạo phát triển hội viên và tổ chức hội gắn với cơ sở thôn, bản, tổ dân phố, trường học, doanh nghiệp. Mặt khác, Trung ương Hội động viên các hội địa phương phát huy sáng kiến, đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động, vừa phát triển về số lượng, vừa coi trọng chất lượng hội viên và chất lượng hoạt động của các tổ chức hội.

Tuy nhiên, Trung ương Hội cũng chưa đủ điều kiện cần thiết để có thể quản lý, chỉ đạo phong trào một cách sâu sát. Sự phát triển không đồng đều về hoạt động của các hội địa phương là một điểm mà nhiều năm qua chưa khắc phục được. Việc giúp các hội địa phương tổ chức tập huấn, hiện đại hóa công tác văn phòng… cũng đang còn nhiều lúng túng, chưa tìm được giải pháp có hiệu quả hơn.

Hiện nay Trung ương Hội KHVN có một đội ngũ khá “hùng hậu” gồm một Chủ tịch và 8 Phó Chủ tịch. Xin đặt câu hỏi, có thật cần thiết phải nhiều Phó Chủ tịch Hội đến thế? Liệu công việc của các Phó Chủ tịch có rơi vào tình trạng chồng chéo không?

Qua thực tế hoạt động, tôi cho rằng, có thể rút số lượng Phó Chủ tịch xuống một nửa, nhưng đồng thời phải tăng cường hoạt động của các ủy viên thường vụ, trước hết là ủy viên thường vụ làm nhiệm vụ thường trực. Tuy nhiên, những ủy viên thường vụ này phải là những cán bộ có uy tín với các địa phương thì mới có thể làm việc hiệu quả khi tiếp xúc với cấp ủy Đảng và Chính quyền ở các tỉnh và thành phố.
 
GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam
GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam.

Thưa ông, hiện nay hầu hết cán bộ lãnh đạo Trung ương Hội và hội các cấp đều là cán bộ về hưu, tuổi đời thường từ 60 tuổi trở lên. Trong khi đó, sự nghiệp khuyến học, khuyến tài là sự nghiệp lâu dài, cần có sự tham gia của thế hệ trẻ…?

Đúng là như thế. Lớp cán bộ Hội hiện nay là những cán bộ từng trải, có nhiều kinh nghiệm hoạt động, có uy tín trong xã hội, song lại có nhược điểm là tuổi cao, sức yếu. Để hoạt động tốt, vấn đề là trẻ hóa đội ngũ cán bộ, nhân viên của các văn phòng, tuyển chọn được những người có chuyên môn hành chính, giỏi về công nghệ thông tin… thì công việc chỉ đạo phong trào khuyến học sẽ có chất lượng hơn.

Một điều cho thấy là ở những địa phương có phong trào khuyến học chưa sôi động thường là nơi có những khó khăn về công tác văn phòng, ví dụ, không thành lập được website, không khai thác được mạng Internet, gặp khó khăn trong xuất bản nội san hoặc bản tin hàng tháng v.v…

Người Việt Nam có câu: “Dẫn lễ thì dễ, giữ lễ thì khó”. Để có được những thành tựu như những năm qua là rất khó khăn, song, để Hội KHVN tiếp tục phát triển thì còn rất nhiều việc phải làm. Vậy năm nay (2014), Hội KHVN đã đặt ra những nhiệm vụ gì, thưa ông?

Không phải chỉ năm 2014 mà trong 2 năm tới (2014-2015), có 3 nhiệm vụ rất lớn và quan trọng của Hội KHVN, đó là:

Một là, triển khai Đề án số 7 được ghi trong Quyết định 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 với nhiệm vụ cụ thể là “Phát triển phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư”. Để triển khai Đề án này, trước mắt phải xây dựng một bộ Chỉ số đánh giá các gia đình, dòng họ, cộng đồng cùng các tổ chức, các đơn vị đạt các tiêu chí phát triển trong từng giai đoạn.

Nhiệm vụ thứ hai là, tổng kết 20 năm phong trào khuyến học (1996-2016), kết thúc giai đoạn hướng các hoạt động khuyến học, khuyến tài vào xây dựng xã hội học tập, chuyển sang giai đoạn xây dựng các mô hình học tập trên các địa bàn cơ sở xã, phường, thị trấn, để có những cộng đồng học tập và các mô hình học tập trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, đơn vị lực lượng vũ trang… theo tiêu chí của giai đoạn 2012-2020.

Nhiệm vụ thứ ba là chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Hội. Đây là Đại hội không chỉ có trọng trách gánh vác nhiệm vụ mới trong xây dựng xã hội học tập do Chính phủ trực tiếp giao, mà còn là Đại hội chuyển giao thế hệ lãnh đạo.

Là một trong những người lãnh đạo cao nhất của Hội KHVN, ông muốn chia sẻ gì với những người làm khuyến học nước nhà nói chung và báo Dân trí nói riêng?

Tôi đánh giá cao những hoạt động của Hội Khuyến học các cấp bởi từ những việc đã làm được, đông đảo nhân dân được hưởng những lợi ích thiết thực về phát triển giáo dục, về học hành để đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nhất là ở nông thôn.

Tôi đánh giá cao hoạt động của báo Dân trí vì nhiều lẽ sau đây:

Một, báo đã phản ánh được nhiều mặt của phong trào khuyến học, động viên được nhiều người tham gia học tập, biểu dương kịp thời một số gương sáng hiếu học.

Hai, báo đã bênh vực người nghèo, quan tâm đến những số phận gặp khó khăn, giúp họ tiếp cận với giáo dục.

Ba, báo đấu tranh thẳng thắn chống tiêu cực, nhất là tệ tham nhũng. Chỉ ra những cái tiêu cực, giúp dân có được những hiểu biết để chống tiêu cực là việc làm hết sức cần thiết trong lúc này. Sinh thời, Cụ Hồ dạy: “Quan tham vì dân dại”. Làm cho dân hiểu biết, bớt dại dần, thì cũng sẽ bớt dần quan tham. Do vậy, nhìn ở góc độ nào đó, khuyến học cũng là góp phần vào công cuộc làm lành mạnh xã hội, chống tham nhũng…

Chào đón năm mới 2014 sắp đến, tôi muốn gửi lời chúc mừng những cán bộ, hội viên của Hội Khuyến học trong toàn quốc, hi vọng bằng giờ sang năm, thành tích khuyến học của toàn Hội sẽ gấp bội so với năm nay.

Tôi cũng xin chúc báo Dân trí ngày càng có nhiều bạn đọc, được tin cậy của cán bộ, hội viên khuyến học các cấp hội. Mong rằng các phóng viên, biên tập viên, cán bộ và nhân viên tòa soạn Dân trí đều là những chiến sĩ Khuyến học.

Bùi Hoàng Thiên Bảo
(Thực hiện)