Công đoàn Giáo dục tăng cường ngăn chặn hoạt động “Hội thánh Đức Chúa Trời”

(Dân trí) - TS Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam – vừa ký văn bản số 92/CĐN-TGNC về việc ngăn chặn truyền đạo trái phép, liên quan đến hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa Trời”.

Theo công văn này, thời gian vừa qua, ở một số địa phương đã xảy ra hiện tượng có một nhóm người tự xưng thành viên của “Hội thánh Đức Chúa Trời” xâm nhập vào một số trường học tuyên truyền, lôi kéo mọi người trong đó có cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên tham gia vào “Hội”.

Theo các cơ quan chức năng, đây là tổ chức tôn giáo chưa được pháp luật cho phép hoạt động, là những hành động phi pháp, gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc công tác, học tập rèn luyện và sinh hoạt của cán bộ, nhà giáo và học sinh sinh viên; tác động xấu đến tới an ninh trật tự trong các trường học, cơ sở giáo dục cũng như cuộc sống gia đình thầy giáo, cô giáo và học sinh, sinh viên.

Trước tình hình này, để kịp thời ngăn chặn những sự việc như trên, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố, Công đoàn các Đại học Quốc gia, Đại học vùng, Công đoàn các trường Đại học, Cao đẳng và các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến,nâng cao nhận thức cho CBNGNLĐ và học sinh sinh viên về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.


Dư luận xôn xao về giáo phái có tên gọi “Hội thánh Đức Chúa Trời”.

Dư luận xôn xao về giáo phái có tên gọi “Hội thánh Đức Chúa Trời”.

Thông báo rộng rãi tới toàn thể cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh sinh viên trong nhà trường về sự phi pháp của “Hội Đức thánh chúa Trời” và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo và những lời tuyên truyền lừa đảo về ngày tận thế, về sự cứu rỗi của đấng linh thiêng, từ bỏ gia đình, công việc, học tập…

Có biện pháp thích hợp nắm bắt tình hình trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ, nhân viên trường học, học sinh, sinh viên. Kịp thời báo cáo về các cấp có thẩm quyền, phối hợp xử lý khi phát hiện có những cán bộ, nhà giáo, nhân viên, học sinh sinh viên tham gia “Hội thánh Đức Chúa Trời”.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp bảo vệ, an ninh trường học, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những người lạ mặt vào các nhà trường để truyền đạo trái phép.

Trao đổi với PV Dân trí, TS tâm lý Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội - phân tích, ngoài chuyện học hành, sinh viên luôn chịu sự tác động của xã hội. Tuy nhiên, các trường đại học hiện nay phần lớn không hiểu mong muốn, nhu cầu của sinh viên.

Ông dẫn chuyện nhà khoa học Maslow đã chỉ ra tháp nhu cầu của con người. Trong đó, có tầng tháp thứ tư là nhu cầu được quý trọng, kính mến, tin tưởng. Tầng tháp thứ năm là nhu cầu tự thể hiện bản thân mình, muốn sáng tạo và được công nhận là thành đạt.

Nỗi đau xé lòng của người cha có con bỏ nhà theo đạo Hội thánh Đức Chúa Trời. (Ảnh: Hà Trang)
Nỗi đau xé lòng của người cha có con bỏ nhà theo đạo Hội thánh Đức Chúa Trời. (Ảnh: Hà Trang)

Tuy nhiên, thực tế, nhiều trường đại học chỉ biết đến nhu cầu tầm thấp của sinh viên là về giao tiếp, việc làm. Điều này gây nguy hiểm, dẫn đến việc sinh viên chán nản, dễ bị lôi kéo theo những cách làm giàu nhanh hay đi tìm đức tin phi tôn giáo.

Theo TS Tùng Lâm, tâm lý học luôn xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống. Vì vậy, các trường không làm thỏa mãn nhu cầu sẽ không giữ được sinh viên của mình.

Do đó ông cho biết, chúng ta phải giành giật lại sinh viên, không thể để cho các tổ chức, cá nhân phản khoa học làm biến chất các em. Các hoạt động phi tôn giáo của 'Hội Thánh Đức Chúa Trời' làm mất đi thời gian, tiền của.

“Chương trình học của sinh viên hiện chưa được giảm tải. Từ phổ thông lên tới đại học, chúng ta chỉ chuyên môn hóa. Thầy giáo Toán lo dạy Toán, cô dạy Kỹ thuật chăm lo cho bộ môn của mình, không ai lo đến đời sống, tâm lý của sinh viên.

Vì vậy, bộ phận tham vấn học đường trong nhà trường rất quan trọng”, TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích.

Mỹ Hà