Công an đang tiến hành các biện pháp điều tra để kết luận vụ trường ĐH Đông Đô

(Dân trí) - Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết: “Liên quan đến vụ việc trường đại học Đông Đô, cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố vụ án và khởi tố đối với 5 bị can. Hiện nay, chúng tôi đang trong thời gian điều tra và sẽ kết luận”.

Công an đang tiến hành các biện pháp điều tra để kết luận vụ trường ĐH Đông Đô - 1

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Thứ trưởng Ngọc cũng cho biết thêm, hiện tại không phải là thanh tra, kiểm tra mà cơ quan chức năng đang tiến hành các biện pháp điều tra để kết luận.

Cũng liên quan đến vụ việc này, phóng viên Dân trí đặt câu hỏi với đại diện của Bộ GD-ĐT: Vừa qua, vụ việc của Đại học Đông Đô có nhiều thông tin cho rằng trước đó Thứ trưởng An của Bộ GD&ĐT đã đề nghị thanh tra Đại học Đông Đô nhưng không hiểu lý do vì sao trường này lại được bỏ ra khỏi danh sách. Xin Bộ GD&ĐT thông tin cụ thể về vấn đề này?

Giải đáp câu hỏi trên, đại diện cho Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Lê Hải An cho hay, về vụ việc ĐH Đông Đô, Bộ GD&ĐT đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an cung cấp các tài liệu.

Hằng năm Bộ GD&ĐT đều thanh tra, kiểm tra các cơ sở đại học. Trong năm 2018, Thanh tra Bộ đã tổ chức thanh tra công tác tuyển sinh của 10 trường đại học, trong đó có Đại học Đông Đô nhưng khi đoàn thanh tra thực hiện việc công bố quyết định thanh tra thì Đại học Đông Đô khi đó đã có công văn 706 ngày 28/9 đề nghị hoãn thanh tra với lý do nhà trường chuyển địa điểm mới nên đã đóng gói hết tài liệu. Vì vậy rất khó khăn cho công tác thanh tra.

Ngày 3/10/2018, thanh tra Bộ đã có công văn số 898 gửi Đại học Đông Đô thông báo về việc hoãn thanh tra năm 2018 đối với trường”, Thứ trưởng Lê Hải An giải thích việc không tổ chức thanh tra Đại học Đông Đô năm 2018.

Như Dân trí đã thông tin, sau khi cơ quan điều tra khởi tố Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Đại học Đông Đô cùng với 3 cán bộ liên quan về tội “Giả mạo trong công tác” trong việc đào tạo văn bằng 2 thì  Bộ GD&ĐT đã chính thức khẳng định chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo VB2 của Trường Đại học Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo VB2.

Bộ GD&ĐT cũng khẳng định từ năm 2016 đến năm 2018, Trường Đại học Đông Đô có thực hiện báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Tuy nhiên, trong Báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ GDĐH của trường không có thông tin về việc đào tạo VB2.

Tuy nhiên, một thông tin khá bất ngờ là năm 2015, 2016, 2017 thì Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) lại là đơn vị xác nhận chỉ tiêu đào tạo của trường Đại học Đông Đô, trong đó có xác nhận chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyên Văn Áng – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, người ký thông báo xác nhận chỉ tiêu cho trường Đại học Đông Đô năm 2015, 2016 cho hay, thông báo chỉ tiêu hàng năm của Bộ GDĐT là văn bản xác nhận năng lực đào tạo của đơn vị về số lượng và cơ cấu chỉ tiêu theo báo cáo và đăng ký của cơ sở đào tạo trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng, không phải là văn bản cấp phép hay cho phép đào tạo.

Bộ GD-ĐT thực hiện thông báo chỉ tiêu theo đúng quy định tại Thông tư số 57 và Thông tư số 32 là chỉ kiểm soát năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo theo đúng 02 tiêu chí đảm bảo chất lượng gồm số sinh viên/giảng viên cơ hữu quy đổi và diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo/sinh viên.

Ông Áng cho rằng, Thông tư số 57 và Thông tư số 32 không quy định Bộ GDĐT khi thông báo chỉ tiêu phải kiểm tra văn bản cho phép đào tạo các ngành hoặc hệ nào đó trước khi thông báo chỉ tiêu và không quy định yêu cầu các trường phải cung cấp hồ sơ minh chứng liên quan (như quyết định mở ngành, quyết định cho phép đào tạo,…) vì năng lực đào tạo được xác định trên 2 tiêu chí và thông báo theo khối ngành. Việc phân khai ngành đào tạo và tổ chức tuyển sinh đào tạo các trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm theo các quy định hiện hành đối với số lượng và cơ cấu chỉ tiêu tuyển sinh đã đăng ký.

Theo ông Áng, thông báo chỉ tiêu tuyển sinh không phải cơ sở pháp lý cho phép các trường mở thêm ngành đào tạo hay hệ đào tạo mới. Tất cả các hoạt động về tuyển sinh, đào tạo các cơ sở đào tạo phải thực hiện đúng và nghiêm túc theo quy chế tuyển sinh và các văn bản quản lý pháp luật đã ban hành liên quan. Đồng thời, nhà trường phải chịu trách nhiệm hoàn toàn theo quy định của pháp luật.

Ông Áng khẳng định, quá trình xác nhận chỉ tiêu cho trường Đại học Đông Đô có rà soát, kiểm tra trên cơ sở thông tin các trường cung cấp. Việc rà soát này bám sát đúng quy định của Thông tư 57 và 32, chủ yếu rà xem số chỉ tiêu của trường đăng ký có vượt năng lực hay không theo đúng mục tiêu ban hành của Thông tư.

“Theo quy định tại các Thông tư 57 và 32, Vụ Kế hoạch - Tài chính chỉ thông báo xác nhận năng lực đào tạo dựa trên tổng năng lực có khả năng đào tạo của nhà trường theo các quy định tại Thông tư 57 từ năm 2012 đến năm 2015 và đến năm 2016 thông báo chỉ tiêu đào tạo chung cho khối ngành cho tất cả các trường theo Thông tư số 32.

Việc thông báo chỉ tiêu này thực hiện đối với các trường không riêng trường Đông Đô, việc phân khai năng lực, chỉ tiêu đào tạo và tổ chức đào tạo phải theo đúng quy định.

Sự việc trường ĐH Đông Đô, ông Áng cho rằng, trước hết do công tác tổ chức đào tạo không đúng quy định, cố tình làm sai. Ngoài ra, về phía quản lý giám sát, có thể các quy định chưa lường hết những tình huống có thể xảy ra trong thực tế, dẫn đến các kẽ hở để một số người có thể lợi dụng; hoặc sự phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ.

"Ở đây trách nhiệm trước hết thuộc về Đại học Đông Đô tổ chức tuyển sinh, đào tạo không đúng quy định, đào tạo rút ngắn, không đảm bảo chất lượng… còn về trách nhiệm của Vụ Kế hoạch tài chính và các đơn vị liên quan trong việc tham mưu xây dựng văn bản quy phạm chưa chặt chẽ”, ông Áng nói.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí ngày 28/8 về sai phạm của trường ĐH Đông Đô, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, về nguyên tắc "sai đâu phải xử đấy", những sai sót, thậm chí là sai phạm nếu như các đơn vị thuộc Bộ mà vi phạm thì phải xử lý nghiêm.

“Đối với trường đại học đã được giao quyền tự chủ rồi thì chịu trách nhiệm trước pháp luật, không chỉ trường ĐH Đông Đô mà còn rất nhiều trường khác nếu vi phạm” – Bộ trưởng Nhạ nói.

Người đứng đầu ngành GD&ĐT cho biết, đang chỉ đạo cho các vụ, cục trước hết là phải rà soát, báo cáo thật nghiêm túc. Sau đó, thanh tra sẽ có chương trình rà soát, thanh tra tất cả các trường đào tạo văn bằng 2.

“Đây là dịp để Bộ tiếp tục chấn chỉnh đào tạo tại các trường. Một thời kỳ các trường ĐH có hoạt động đào tạo, liên kết cũng theo quy định nhưng đâu đó quá đà hoặc buông lỏng thì rõ ràng phải quản lý, chấn chỉnh. Với trường ĐH Đông Đô công an đang điều tra, mọi vấn đề đều phải làm rất nghiêm túc, minh bạch" – Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Nguyễn Hùng