Bạn đọc viết:

"Con gái mẹ hay điện thoại quan trọng hơn?"

(Dân trí) - Tôi là một người mẹ rất yêu con và luôn tự hào mình đã dành thời gian cũng con lớn lên, vun đắp tuổi thơ tươi đẹp. Vậy mà, tôi cũng đã từng đối diện với câu hỏi oái ăm của cô con gái: "Con gái mẹ hay cái điện thoại quan trọng hơn?".

Dạo ấy, tôi vừa đổi chiếc điện thoại mới và thú thật là mê mẩn vô cùng với vô vàn tiện ích công nghệ số. Dẫu đã tự nhủ, tự răn và tự hứa với chính mình sẽ không quá chú tâm vào màn hình di động mà bỏ rơi cô con gái bé bỏng nhưng thỉnh thoảng vẫn quên điều đó, cứ mắt lướt, tay trượt điện thoại trong vô thức.

Và tiếng hét của con gái làm tôi giật mình. Con gái hay điện thoại quan trọng hơn? Câu trả lời mãi mãi vẫn chỉ có một đáp án duy nhất.

Vậy là một thỏa thuận giữa hai mẹ con được kí kết: Có mặt con gái, mẹ không dùng điện thoại bừa bãi. Con sẽ giám sát việc dùng lướt mạng của mẹ, nhắc nhở nghiêm khắc khi mẹ lỡ… quên. Và thời gian bên nhau của hai mẹ con sẽ dành trọn cùng chơi, cùng học và cùng cười…

Dành thời gian cho con, lắng nghe con trẻ mỗi ngày dường như trở thành điều xa xỉ trong xã hội hiện đại này. Internet, công nghệ số và muôn nỗi lo cơm áo gạo tiền đang cuốn phăng chúng ta vào vòng xoáy của công việc cùng nhiều thú vui riêng.

Một hình ảnh ta dễ dàng bắt gặp khắp nơi là những khuôn mặt cắm cúi, say sưa với thế giới ảo. Bố mải mê "chinh chiến" cùng các chiến hữu trong trận địa không hồi kết của game online. Mẹ xúng xính chụp ảnh, đăng đàn câu like mọi lúc mọi nơi…

Bữa cơm gia đình hóa lặng thinh trong lòng con trẻ. Bài tập của con không lời hồi đáp thắc mắc. Bài kiểm tra điểm cao cũng chẳng ai thèm quan tâm động viên, khen thưởng. Những đứa trẻ cô đơn trong chính gia đình mình, cô đơn ngay bên cạnh bố mẹ mình. Tình trạng đáng buồn ấy hiển hiện khắp nơi.

Đáng buồn thay khi những con người được gắn kết bởi hai tiếng "gia đình" thiêng liêng bỗng hóa thành người dưng. Không quan tâm. Không chia sẻ. Không kết nối.

Bố mẹ cứ mải co cụm trong thế giới riêng, vô tình bỏ quên mất rằng mình có những đứa con đang cần được trò chuyện, cần hỏi han, cần quan tâm và cần yêu thương.

Để rồi một lúc nào đó giật mình nhận ra con và bố mẹ đang ngày càng xa cách nhau. Nhận ra con trẻ đã thay đổi, cũng nghiện game, cũng chát chít giống bố, giống mẹ. Nhận ra rằng mình đã sai trong cách dạy con, sai vì nêu gương xấu và sai vì đã ích kỷ với thú vui riêng của chính mình.

Tôi biết có không ít bố mẹ đã giật mình vì lời cầu xin khắc khoải của con trẻ "Con xin bố mẹ… hãy bỏ điện thoại, iPad xuống… được không ạ?". Tôi biết có cô giáo từng bật khóc trên trang viết của học trò cấp một về mơ ước "Con ước mình là một chiếc smartphone… để được bố mẹ quan tâm nhiều hơn"…

Người ta nói nhiều về "thế hệ cúi đầu" trong tương lai bởi ai ai cũng mải mê lướt điện thoại. Người ta đang cảnh báo về bi kịch của gia đình hiện đại khi bố mẹ mải mướt chạy đua trong thế giới ảo mà vô tình bỏ rơi con trong cuộc đời thực.

Lắng nghe con trẻ, tưởng khó mà dễ vô cùng! Hãy loại trừ nguy cơ biến mình thành nô lệ của công nghệ bằng cách xây dựng một thời gian biểu sinh hoạt hợp lý, cân đối. Dành một khoảng thời gian vừa đủ cho mạng xã hội và nghiêm túc tuân thủ giới hạn đó. Lời khuyên này dành cho tất cả chúng ta, người lớn và trẻ em, bố mẹ và con!

Quan trọng hơn tất cả, tôi nghĩ bất cứ một đứa trẻ nào cũng mong muốn sự đồng hành của bố mẹ trên mỗi nẻo đường trưởng thành và trong hành trình khám phá thế giới ảo. Các con cần những định hướng cần thiết, những lời khuyên bổ ích của người lớn. Các con cần những quan tâm, chia sẻ, yêu thương, dạy bảo và thậm chí là tiếng đe nẹt, lời trách mắng của bố mẹ để lớn khôn…

Xin đừng để con trẻ phải đơn độc, lẻ loi, "tự bơi" trong thế giới công nghệ số cũng như trong cuộc đời thực!

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!