Con đánh bạn, bố mẹ phải làm gì?

(Dân trí) - Thỉnh thoảng báo chí lại rộ lên những thông tin học sinh đánh đập, chửi rủa nhau như xã hội đen. Nạn nhân chỉ âm thầm chịu trận vì không có ai đứng ra bênh vực, vì yếu thế khi xung quanh là các bạn cùng phe cánh với thủ phạm.

Làm sao có em nào lại đủ dũng khí đứng ra can ngăn trận ẩu đả tơi bời ấy ngoài cách xúm đông xúm đỏ vào xem đầy hiếu kỳ. Tôi nghĩ lúc ấy chỉ có người lớn ra tay can thiệp thì mới giải tán được trận đánh này. Các em lúc đánh nhau thì đã xem xét kĩ lưỡng địa điểm vắng vẻ mới ra tay với bạn.

Đánh nhau như kẻ thù, lỗi sai thuộc về các em khi bản tính hung hãn được nhen nhóm và trỗi dậy: muốn khẳng định bản thân bằng vũ lực, thù ghét bạn chỉ với những lý do cỏn con, kết bè phái để hù dọa uy hiếp các bạn, bắt các bạn phải nghe theo mình.

Vậy phụ huynh phải làm gì khi con ngỗ ngược, đánh bạn?

Gần nhà tôi, có cô bé học lớp 10 suýt chút nữa bị đánh dấu trong học bạ vì đánh bạn. May cho em là lúc đánh nhau vào dịp kết thúc năm học, hồ sơ học sinh đã trả về cho bố mẹ để tiếp tục kì thi chuyển cấp. Mẹ nạn nhân tìm đến tận nhà cô bé để tìm gặp phụ huynh cùng trao đổi, cô bé này sửng cồ đuổi thẳng cô ấy với lý do "mẹ cháu không có nhà, cháu không tiếp cô". Cô ấy quá bức xúc nên cũng lân la sang mấy nhà hàng xóm xung quanh kể lể sự tình "con em bị nó đánh".

Thế là câu chuyện ngay lập tức lan truyền như bão, xung quanh hàng xóm láng giềng ai cũng râm ran kể chuyện "con nhà đấy mất dạy, hỗn láo, con gái con đứa mà đầu bò đầu bướu, đánh bạn". Buổi tối khi mẹ nạn nhân tới nhà lần 2 để nói chuyện phải trái, mẹ “cô bé đầu gấu” đã thẳng thừng trách chị lắm chuyện, khiến chuyện xấu của con chị ai ai cũng biết. Mẹ cô bé này còn đi phân bua với một số cô bác thân thiết rằng em không bênh con, em sẽ dạy bảo nó nhưng người ta đi nói xấu con em khắp nơi thì cũng chả tử tế gì. Nhiều người lắc đầu cho rằng chị bênh con chằm chặp, con sai lè lè ra đấy mà còn bênh vực thì làm sao con khá được.

Có lần tôi đi bộ cùng chị, chị tâm sự: cháu mất bố từ bé, thiệt thòi đủ kiểu, có ai hiểu cho mình đâu hả em. Con chị hư láo, chị dạy nó đến nơi. Nhưng chị không rêu rao bêu xấu

con mình với mọi người đâu, nó mặc cảm thì mình nói gì nó cũng không nghe.

Chị đi làm suốt ngày từ sáng sớm đến tối mịt mới về đến nhà, ở nhà con gái chị phải một tay quán xuyến cơm nước, tắm rửa, hướng dẫn em học bài.

Mọi người chỉ nhìn thấy cháu hư, chứ không ai nghĩ một học sinh lớp 9 lại phải lo toan nhiều việc đến thế giúp mẹ. Hồi cháu vào lớp 6 đầu cấp, mẹ bận đi làm, cô bé tự mình đi nộp hồ sơ.

Tôi nghĩ mẹ cháu đã tỉnh táo khi dùng biện pháp trò truyện với con gái như một người bạn để con hiểu đánh bạn là sai trái, là điều không thể chấp nhận và dặn con không được tái phạm. Chị không giống như phần đông phụ huynh, thấy con phạm lỗi là đánh đập, nguyền rủa, đay nghiến con hàng ngày. Tôi nhận thấy rõ cô bé ngoan ngoãn hơn, biết thương mẹ vất vả.

Có lẽ người lớn chúng ta cần có cái nhìn thấu hiểu hơn, bớt kì thị đối với những đứa trẻ được coi là hỗn hào, mất dạy. Các em vẫn có nhiều điểm tốt và cần được ai đó cảm hóa, dạy bảo tận tình. Và người thầy tâm huyết nhất dạy các em trở lại đúng đường chính là bố mẹ, những người thân trong gia đình không vì con hư mà ruồng rẫy, hắt hủi.

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)