Cổ tích tuổi 20

Một cậu bé mồ côi cha, mẹ bị khiếm thị, lên lớp 10 phải nghỉ học giữa chừng vì nhà nghèo. Gần năm năm sau, chàng trai tròn hai mươi tuổi đã trở thành đầu bếp tại một khách sạn năm sao của TP.HCM.

Tuổi thơ bất hạnh

Chúng tôi gặp Tạ Đình Nhựt khi em phát biểu trong buổi tổng kết cuộc vận động Vì người nghèo của TP.HCM như một người được hưởng phúc lợi từ Quỹ Vì người nghèo.

Nhựt kể với chúng tôi, qua lời mẹ cậu hình dung cha là một người đàn ông giỏi giang và rất yêu thương gia đình. Nhưng khi Nhựt chưa tròn tuổi, ký ức non nớt chưa kịp nhớ hình ảnh của cha thì ông đã qua đời do một cơn bạo bệnh. Mẹ Nhựt ở vậy tảo tần bán trái cây dành dụm tiền nuôi Nhựt ăn học. Năm Nhựt học lớp 5, mẹ bị đau mắt dẫn tới mù lòa. Bao nhiêu tiền bạc, thậm chí phải bán nhà để chữa bệnh nhưng cuối cùng bệnh không khỏi, mẹ Nhựt thành khiếm thị.

Mẹ con Nhựt dắt díu đến ở nhờ nhà người dì. Hàng ngày, Nhựt nhận thêu quai dép, đính lông gà tại nhà để trang trải phần nào cuộc sống của hai mẹ con. Thời gian này, họ chủ yếu sống nhờ vào mức hỗ trợ khiêm tốn của một số tổ chức từ thiện.

Thỉnh thoảng Nhựt cũng nhận được một vài suất học bổng. Nhưng vì túng thiếu, hai mẹ con lại dành số tiền ấy vào những nhu cầu hàng ngày nên hiếm khi Nhựt nộp tiền học phí đúng hạn. Có vài lần trong những lần như thế cậu bị đuổi ra khỏi lớp. Nhựt thường ngồi ở sân trường chờ hết giờ học mới về nhà trốn, giấu mẹ khóc thầm...

Tuổi 15 và dự án cuộc đời

Hết lớp 9, Nhựt thi dư điểm đậu vào Trường THPT Nguyễn Trãi, quận 4, TP.HCM nhưng cậu quyết định học nghề để nhanh đi làm kiếm tiền. Nhựt hồn nhiên kể: “Lúc đó em nghe nói nấu ăn là kiếm được nhiều tiền nhất nên em đã chọn ngành bếp để học”. Nhựt được Trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi và bụi đời Khánh Hội giới thiệu đến học nghề tại Trường Nghiệp vụ nhà hàng cho trẻ em đường phố.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường Nghiệp vụ nhà hàng cho trẻ em đường phố, kể lại: “Em Nhựt phải lo kiếm tiền nuôi mẹ. Nhưng khi học là toàn tâm toàn ý vào giờ học. Nhựt đã có sẵn năng khiếu về nấu ăn, cộng với sự sáng tạo, cần cù, chịu khó và biết lắng nghe, em đã tạo cơ hội cho chính mình để phát huy năng khiếu”.

Cơ hội như trong mơ đã đến vào năm 2006, với giải tư Hội thi tay nghề cấp quốc gia, Nhựt đã chính thức được nhận vào vị trí đầu bếp của bộ phận bếp Âu, khách sạn Majestic TP.HCM. Khi đó, Nhựt còn một tháng nữa mới hoàn thành khóa học nghề!

Ông Phạm Khắc Huy, thư ký bộ phận bếp, nói về Nhựt: “Nhựt là tài năng trẻ trong đội ngũ bếp của chúng tôi. Em có tinh thần học hỏi, cầu tiến. Khi mới vào, Nhựt chỉ làm ở bộ phận bếp Âu. Sau đó em chịu khó học hỏi và đã thành thạo cả công việc cắt tỉa thực phẩm, trang trí bàn tiệc... Chúng tôi ai cũng quý mến em”.

Mơ ước của trái tim yêu thương

Em khoe với tôi, với mức lương 5 triệu đồng/tháng, hai mẹ con em đủ sức trang trải cuộc sống hàng ngày. Sắp tới, em sẽ tìm một nhà trọ để hai mẹ con sống với nhau.

Mắt em ánh lên khi tôi hỏi những ước mơ, dự định. Nhựt muốn được đi học trở lại. Em chắc chắn sau khi đưa mẹ ra nhà trọ ổn định, em sẽ đi học bổ túc và học thêm về nghiệp vụ nhà hàng. Đó là một dự định không khó khăn để thực hiện. Em còn có mơ ước sẽ có một nhà hàng của riêng mình để đào tạo nghề cho các bạn nhỏ bất hạnh. Nhựt muốn làm công việc như hàng tuần em vẫn làm: về lại trường để truyền nghề cho các bạn. “Đó cũng là cách để em đền đáp một phần công ơn của các thầy cô trong trường, của xã hội để em có ngày hôm nay” - Nhựt nói.

Tuy nhiên, khi nói đến một mơ ước dẫu là một điều rất bình thường của tất cả mọi người, tôi thấy mắt em hoe đỏ vì nó là một điều không thể thực hiện đối với em khi em mơ ước có một gia đình đầy đủ ba mẹ... Hy vọng Nhựt sẽ viết tiếp những ước mơ như chuyện cổ tích của đời mình.

Theo Trà Giang
Pháp luật TP.HCM