Cô thủ khoa Việt ở Mỹ: “Không có gì là không thể”

(Dân trí) - Bốn năm trước đây, Nguyễn Ngọc Trang không biết một từ tiếng Anh nào. Giờ đây, cô trở thành một trong những thủ khoa của trường trung học East High ở thành phố Wichita, bang Kansas, Mỹ. Công thức thành công của Trang là “học thật lực”.

“Không có gì là không thể”
 
Đó là câu trích dẫn yêu thích của Trang trong bài luận xin vào trường đại học - nhà tư vấn Brock Orchard ở trường East High cho biết. “Thông thường thì câu nói này thể hiện sự lạc quan quá mức, nhưng ở một mức độ nào đấy, nó đúng với những gì mà Trang đã đạt được”.

Đầu năm nay, Trang đứng đầu trong số 3 học sinh trong cuộc thi Science Olympiad (cuộc thi dành cho những học sinh yêu thích khoa học) của bang Kansas. Cô cũng giành được học bổng Gates Millennium và học bổng của công ty Dell Computer - đây là những học bổng trao cho những sinh viên nước ngoài ở Mỹ hoặc sinh viên con em gia đình có thu nhập thấp và có khả năng về học thuật, ý chí quyết tâm và tố chất lãnh đạo.

Vào mùa hè trước khi bước vào lớp 9, Trang từ Việt Nam đến thành phố Wichita. Bố em, một thợ điện đã qua đời vì bị điện giật.

Lúc đầu Trang theo học lớp ESOL (tiếng Anh dành cho những người nói những ngôn ngữ khác) và cùng lúc theo học tại trường trung học East High. Sau khi tan học, Trang theo học các lớp tiếng Anh ở Trung tâm Đông Dương Wichita. Cô bé nghe đài và xem truyền hình để rèn kỹ năng tiếng Anh. Trang còn mượn sách của những em nhỏ 4 tuổi để tập đọc từ đầu như những đứa trẻ mẫu giáo.

Thoạt đầu, Trang học cách nói tên mình, địa chỉ, số điện thoại và những câu đơn giản như “cảm ơn”, “xin lỗi”, “trời đẹp”, “chúc mừng Giáng sinh” bằng tiếng Anh. Dần dà, cô tập nói những câu hỏi thăm đơn giản như “Bạn có khỏe không?”, “Bạn bao nhiêu tuổi?” Hồi mới học tiếng Anh, Trang đã rơi vào những cảnh ngộ “buồn cười” như khi có người hỏi em “Cháu bao nhiêu tuổi” thì cô lại trả lời “Cháu khỏe, cảm ơn”.

Vào năm thứ 2 trung học, Trang theo học những khóa thông thường như những người bản ngữ. Cô lý giải: “Học cùng lớp với những bạn Mỹ và được tiếp cận với tiếng Anh nhiều hơn, em có thể học tiếng Anh nhanh hơn.”

Đến năm thứ 3, Trang đăng ký gấp đôi số các khóa học Toán và khoa học để hoàn thành chương trình học tập “khó nhằn” của bang Kansas và cô đều đạt điểm A.

“Em học chậm lắm”

Một giáo viên hóa học gọi Trang là “hiện tượng”. Một tư vấn viên của trường East High nhận xét rằng cô là “một trong những học sinh chăm chỉ nhất, có ý chí nhất mà ông từng gặp”. Các bạn học cùng lớp thì nói rằng cô trầm tĩnh, hóm hỉnh và rất mực thông minh.

Nhưng khi được hỏi bằng cách nào mà từ một người không biết nói tiếng Anh trở thành thủ khoa của trường East High sau 4 năm đến Mỹ, Trang chỉ cười bẽn lẽn: “Em phải học cật lực. Em phải làm như thế bởi vì em học chậm lắm.”

Giáo viên dạy môn Hóa cho Trang là bà Linda White nói bà chưa từng thấy một hiện tượng nào như thế. Sau mỗi bài tập, Trang đều thưa với cô Linda là “Em muốn biết em đã làm sai cái gì, để lần sau em không mắc lỗi nữa”. Cô Linda nhận xét thêm rằng “Trang rất ham học hỏi, thận trọng và kiên trì. Đặc biệt, Trang rất yêu môn Hóa học”.

Ở trường East, Trang làm phiên dịch giúp những gia đình người Việt khi họ đăng ký cho con em học tại trường hay tại những cuộc họp phụ huynh. Trang còn là thành viên trong nhóm múa những điệu múa Việt Nam tại trường East High và trợ giúp việc dạy tiếng Việt cho những em nhỏ tại giáo xứ Saint Anthony nơi có cộng đồng Việt Nam.

Trang cũng làm tình nguyện cho Trung tâm Chăm sóc Cuộc sống ở Wichita. Ở đó, cô đọc truyện cho người già nghe và đẩy xe lăn đưa họ đi dạo. Trang rất muốn được ở nhiều bên bà ngoại của em ở Việt Nam. Và giờ đây, khi sống xa bà, Trang lại dồn tình yêu thương ấy cho những người già ở Mỹ.

Trang dự định sẽ học chuyên ngành Sinh hóa học tại trường Đại học Creighton ở thành phố Omaha. Trang tâm sự một trong những mơ ước của em là tìm ra cách chữa bệnh máu không đông. Một trong những người bạn thân nhất của Trang ở Việt Nam bị bệnh này nhưng gia đình bạn ấy quá nghèo, không có tiền trả chi phí chữa bệnh và bạn ấy vẫn đang bị căn bệnh này đeo đẳng. Chính bệnh tình của người bạn thân khiến Trang nung nấu muốn tìm hiểu về bệnh máu không đông.

Xuân Vũ
(Tổng hợp)