“Cô sinh viên” không trường lớp

Khi cô gái yêu văn chương Trần Trà My (sinh năm 1986 tại Đông Hà, Quảng Trị) đoạt giải ba cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật năm 2006 do Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị tổ chức, trên giấy khen ghi “sinh viên Trần Trà My”, nhưng thực tế cô chưa được đến trường ngày nào.

Miệt mài tự học

Do bị khuyết tật từ bé, My đi lại rất khó khăn và cũng không nói được thành lời. Khoảng bảy - tám tuổi, nhìn thấy người khác đi học còn mình ở nhà, My rất buồn và hầu như đêm nào cũng khóc. My tìm cách tự học, chủ yếu học chữ bằng trò chơi dạy học từ em gái và mấy bạn hàng xóm. Nhờ vậy, My học thuộc 24 chữ cái rồi tập viết và ghép vần, sau đó học làm toán. “Khi không thể giải được một bài toán, tôi vừa bực vừa xấu hổ, nhất là lúc đứa bạn cùng xóm gõ đầu tôi mấy cái vì không thuộc công thức”. My giấu cả nhà chuyện mình tự học cho đến một lần My góp chuyện vào việc giải toán, viết tập làm văn cho các em, gia đình mới biết cô đã âm thầm tự học.

“Cô sinh viên” không trường lớp  - 1
Trần Trà My.

Thoạt đầu, My tự học chỉ để được đọc sách và đọc các con chữ chạy trên ti vi. Món quà My thích được tặng nhất là sách. Cha của My là người truyền đam mê đọc sách cho cô. Tự nhận mình “lấy cần cù bù thông minh” nhưng Trần Trà My lại xây dựng cho mình cách học riêng là luyện trí nhớ liên tưởng. My kể: “Từ bé, mỗi lần bà nội hát hay đọc thơ cho các cháu, tôi đều thuộc lời rất nhanh. Mẹ dạy xem đồng hồ một lần là tôi biết ngay. Lớn khôn hơn, khi nghe bất kỳ thông tin gì, tôi đều tập trung kỹ lưỡng, rồi nhớ cùng lúc hai, ba sự kiện, tìm ra những điểm chung của các sự kiện đó. Tôi cũng không nhớ chi li mọi thứ, cái gì hiểu rồi thì dùng sự sáng tạo, tưởng tượng để phát triển ra, cái gì chưa hiểu mới ghi lại”.

Với một cô gái quanh năm di chuyển bằng cách chống tay vào một khung kim loại, muốn giao tiếp phải viết ra giấy thì ngòi bút là phương tiện hữu hiệu để cô “kết nối” mình với xung quanh. Năm 14 tuổi, My tập làm thơ, rồi bắt đầu viết tản văn từ năm 16 tuổi. Năm 19 tuổi, My có truyện ngắn đầu tiên được đọc ở đài phát thanh địa phương. Mỗi tuần My viết một - hai bài cho đài này, và được nhận 20.000đ/bài. Nhưng để trở thành tác giả của hai cuốn sách là cả chặng đường dài.

Để được là người… bình thường

Với suy nghĩ người viết phải lao vào cuộc sống, quan sát và trải nghiệm mới có chất liệu, năm 20 tuổi, Trần Trà My xa nhà lần đầu tiên vào TP.HCM. Sau nửa năm nhận tài trợ ở làng Hòa Bình để điều trị khiếm khuyết giọng nói không thành, My bắt đầu tìm chỗ ở trọ ở cả Hà Nội lẫn TP.HCM.

"Tôi từng sống ở sáu quận, huyện tại TP.HCM. Từ những nhà trọ chật chội ấy, tôi hiểu cuộc sống luôn đòi hỏi sự thử thách để đi đến thành công, và tôi viết nhiều hơn, như ý tưởng truyện ngắn lọt vào chung kết cuộc thi của Báo Tiếp Thị Gia Đình xuất phát từ câu chuyện của mấy em bé trong một xóm trọ ở Gò Vấp” - My nhớ lại những ngày mới rời khỏi sự bảo bọc của gia đình.

Hiểu rõ hơn ai hết khuyết tật của bản thân, nên khát vọng được làm người bình thường của My chính là có thể sống tự lập vì “không muốn người khác nói mình chẳng làm được gì”. Thế là, sau mỗi lần thất bại, My lại làm việc… khỏe hơn. Để cho ra đời cuốn sách đầu tiên, My đã phải gõ cửa nhiều nơi, chỉnh sửa sáng tác của mình trong hai năm liền, bị ba, bốn NXB từ chối.

Năm 2009, khi tham gia câu lạc bộ tổ chức các sự kiện về sách, Trần Trà My gặp Tạ Minh Tuấn, cả hai nhanh chóng kết thân vì có nhiều điểm chung là muốn làm công việc phục vụ cộng đồng. Khi Tuấn lập Công ty Bảo vệ cuộc sống khỏe, cung cấp dịch vụ khám và chăm sóc sức khỏe tại nhà, thì My trở thành chuyên viên sáng tạo, tổ chức sự kiện để quảng bá uy tín thương hiệu. Đây là công việc đầu tiên My tìm được ở TP.HCM, cũng là việc đầu tiên My được nhận lương hàng tháng. Ít ai biết, trong các cuộc họp, giám đốc Tạ Minh Tuấn luôn kiên nhẫn nghe My khó nhọc phát biểu, rồi Tuấn “phiên dịch” lại cho các đồng nghiệp khi họ chưa hiểu hiết ý của My. Chính tấm lòng, sự hỗ trợ, chia sẻ và quan tâm của bạn bè xung quanh mà Trần Trà My tự tin hơn để là một người… bình thường, như tâm sự: “Tôi không may khiếm khuyết về hình thể, nhưng không bao giờ chịu khiếm khuyết về tâm hồn và trí tuệ”.

Theo Phụ nữ TPHCM