Bạn đọc viết:

Giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo: Vì đâu?

(Dân trí) - Những câu chuyện buồn dồn dập vừa qua của ngành Giáo dục đã làm tôi trăn trở rất nhiều. Vì sao lại đến nông nỗi cô phạt trò thì phụ huynh phạt lại cô, cô nhắc nhở trò bị trò khác bóp cổ, cô im lặng suốt mấy tháng liền khi vào lớp, và đỉnh điểm là cô bắt trò uống nước vắt từ giẻ lau bảng?

Những câu chuyện này thực sự là nỗi đau không chỉ của riêng ngành Giáo dục mà còn là sự nhức nhối của xã hội. Vì đâu lại có chuyện giáo viên có hình phạt kinh khủng đến mức không ai tưởng tượng ra được là bắt trò uống nước giẻ lau bảng nhưng bản thân cô giáo lại không tự thấy mình đã sai nghiêm trọng?

Là một người đã được học ngành Sư phạm cách đây 15 năm và hiện đang góp phần đào tạo sinh viên Sư phạm, tôi nhận thấy sau 15 năm đã có mấy lần thay sách giáo khoa của học sinh phổ thông, trường đại học đã chuyển từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ nhưng việc trang bị kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống sư phạm cho sinh viên vẫn chưa có nhiều thay đổi.

Chương trình đào tạo của nhiều trường Sư phạm vẫn thực sự chưa quan tâm đúng mức đến việc phải làm sao để những giáo viên mới ra trường có thể xử lý tốt mối quan hệ giữa yêu cầu của cấp trên, đòi hỏi của gia đình với thực tế năng lực, tính cách của học sinh và những công cụ mà giáo viên có trong tay. Sinh viên Sư phạm trong 4 năm học, ngoài kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy đã được trang bị thêm những kiến thức gì để có thể xử lý khéo léo những tình huống sư phạm nảy sinh trong và ngoài lớp học?

Theo tôi được biết, sinh viên sư phạm được học các học phần có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc xử lý tình huống sư phạm như sau:

- Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý sư phạm - 30 tiết

- Văn hóa học đường -15 tiết

- Giáo dục học đại cương - 30 tiết

- Giáo dục học phổ thông - 30 tiết

Trong đó, phần lý thuyết chiếm phần lớn thời lượng và hình thức thi kết thúc học phần chủ yếu là thi viết. Trong mỗi năm học các khoa đào tạo có tổ chức hội thi Nghiệp vụ sư phạm với nhiều nội dung trong đó có phần thi Xử lý tình huống nhưng không phải sinh viên nào cũng có thể trực tiếp tham gia vì số lượng thành viên mỗi đội thi có giới hạn.

Bên cạnh đó, những quy định về đạo đức nhà giáo cũng không được các trường trang bị kỹ càng cho sinh viên mà chỉ lồng ghép trong học phần Quản lý hành chính nhà nước và quản lý giáo dục đào tạo (15 tiết).

Về phía các trường đại học là như vậy. Còn về phía sinh viên tình hình cũng chẳng khả quan hơn là mấy. Bên cạnh những sinh viên có thái độ học tập nghiêm túc, ý thức rõ ràng về công việc tương lai của mình nên chú ý rèn luyện đạo đức, tác phong thì có không ít sinh viên không yêu thích ngành học, hoang mang về tương lai sau khi tốt nghiệp liệu có được đi dạy không nên lơ là, chểnh mảng học hành.

Có không ít sinh viên Sư phạm vì nhìn thấy rõ tình trạng dư thừa giáo viên nên không nghĩ sau này mình sẽ được đi dạy nên học hành qua loa cho xong chuyện dẫn đến yếu kiến thức, kém kỹ năng. Những sinh viên này nếu vì một lý do nào đó sau khi tốt nghiệp được đứng lớp sẽ tạo ra thảm họa thực sự, làm ảnh hưởng xấu đến nhiều thế hệ học trò.

Các trường phổ thông cũng góp phần làm cho chất lượng sinh viên Sư phạm có biểu hiện đi xuống vì sự dễ dãi trong cách đánh giá của mình. Đã nhiều lần làm trưởng đoàn đưa sinh viên đi thực tập sư phạm, tôi phải nghe nhiều lời phàn nàn, kêu ca về việc sinh viên yếu kiến thức, kém kỹ năng không chỉ là kỹ năng sư phạm mà cả kỹ năng ứng xử, giao tiếp, v.v.. Thậm chí, trong các buổi tổng kết đợt thực tập sư phạm, có thầy Hiệu trưởng còn nêu một danh sách các đề xuất đối với trường đại học mà đề xuất nào cũng đúng và cần thiết.

Nhận xét thẳng thắn như vậy, chê nhiều như vậy nhưng cuối cùng điểm số lại cao chót vót: thấp nhất là 7,5 và cao nhất là 10. Hầu như kết quả thực tập sư phạm của sinh viên năm thứ 4 đều là những con điểm rất đẹp. Lý do là các trường muốn tạo một cơ hội để sinh viên sư phạm có thể tốt nghiệp loại khá, có như vậy mới có điều kiện để nộp hồ sơ xin việc.

Vậy mới có chuyện, có 1 bạn sinh viên của tôi học hành lẹt đẹt, thi lại thường xuyên, hiếm khi được điểm 7 nhưng đi thực tập sư phạm lại được tới 8 điểm - điểm số trong mơ của bạn dù đó là điểm thấp nhất của đoàn thực tập! Vì vậy sinh viên khi đi thực tập sư phạm có tâm lý ỷ lại, qua loa đại khái vì biết trước đằng nào thì điểm cũng khá, giỏi, xuất sắc chứ không rớt được.

Đúng như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thừa nhận mới đây là trong chương trình, quá trình đào tạo giáo viên hiện nay vẫn còn để “trống” mảng đào tạo về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh viên. Theo tôi, nếu khoảng “trống” này không sớm được lấp đầy thì e rằng sẽ lại có những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây ra vết thương tinh thần khủng khiếp cho nhiều thế hệ học sinh.

Lại Thị Ngọc Hạnh

(Giảng viên khoa Lý luận chính trị - Đại học Tây Nguyên)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!