Kon Tum:

Cô học trò ở làng Điêk Lò 1 đam mê kể chuyện Bác Hồ

(Dân trí) - Cô học trò Y Thị Lệ Quyên ở trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông, Kon Tum) luôn đam mê kể những câu chuyện về Bác Hồ và có nhiều đóng góp cho phong trào Đội của trường.

Hiện là học sinh lớp 9B, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Ngọc Tem, em Y Thị Lệ Quyên đã có 3 năm kể chuyện theo sách, nhất là những mẩu chuyện về cuộc đời và tấm gương đạo đức Bác Hồ. Khi Quyên được vào học bán trú tại trường từ năm 2018, những câu chuyện kể của em càng lan tỏa nhiều hơn đến bạn bè.

“Bác Hồ đến thăm xóm ven núi” là mẩu truyện quen thuộc Quyên kể bằng chất giọng truyền cảm, rất được mọi người yêu thích. Truyện có đoạn: Đã trưa, Bác vào thăm một gia đình.

Cụ chủ nhà bồi hồi cầm tay Bác nhỏ nhẹ: Ông vừa tắm cho các cháu đấy à, thật quý hóa quá... Vừa lúc đó, người con trai bưng bát cháo mời bà cụ. Cụ đỡ lấy rồi lại mời Bác ăn: Mời Bác ăn, kẻo từ sáng tới giờ Bác đã đi nhiều và làm nhiều. Bác cúi thấp xuống cho gần bà cụ.

Bác nhẹ nhàng: Thưa cụ, xin cụ cứ ăn bát cháo này cho thêm khỏe để cùng con cháu đón nước nhà độc lập, bà con ta ai cũng được ăn no mặc đẹp…

Cô học trò ở làng Điêk Lò 1 đam mê kể chuyện Bác Hồ - 1
Em Y Thị Lệ Quyên kể chuyện Bác Hồ

“Em rất thích kể những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Bác Hồ. Hình ảnh Bác qua những câu chuyện ấy là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc nhưng lúc nào cũng rất giản dị, gần gũi, chan hòa tình yêu thương, quan tâm đến mọi người. Chúng em luôn cố gắng làm theo 5 điều Bác dạy để trở thành con ngoan, trò giỏi” - cô học trò dân tộc người Ka Dong (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) vùng Đông Trường Sơn bày tỏ.

Nhà Quyên ở làng Điêk Lò 1, cách trung tâm xã vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn Ngọc Tem 9 cây số. Là con đầu trong gia đình thuộc hộ nghèo có 4 chị em, trong đó một em bị câm điếc, nên cô bé đã sớm trở thành “cánh tay phải” cho cha mẹ trong công việc nương rẫy, chăm sóc các em.

Chịu nhiều vất vả, song ngay từ những năm cuối bậc tiểu học, Quyên đã chăm chỉ một buổi đến lớp, một buổi phụ giúp cha mẹ. Lên trung học cơ sở, Quyên còn thêm việc hướng dẫn, kèm cặp em gái dị tật bẩm sinh cùng học chữ.

Ý thức cao đối với việc học tập nên ngoài thời gian chính khóa trên lớp, Quyên luôn dành mọi lúc có thể thu xếp ở nhà để học bài, làm bài, củng cố kiến thức.

Tự tin với vốn tiếng phổ thông của mình, Quyên mạnh dạn làm quen với việc kể chuyện. Nhờ thầy cô tận tình hướng dẫn, góp ý, bạn bè khích lệ, động viên, mỗi câu chuyện kể của em càng được hoàn chỉnh, chuyển tải tốt nội dung và hàm súc hơn. 

Cô học trò ở làng Điêk Lò 1 đam mê kể chuyện Bác Hồ - 2

Lệ Quyên đã có nhiều đóng góp cho phong trào Đội của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ngọc Tem

Nổi lên là “giọng kể” đặc sắc của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Ngọc Tem, từ năm lớp 7 đến nay, Y Thị Lệ Quyên liên tục giành giải Nhất hội thi Kể chuyện Bác Hồ, kể chuyện theo sách ở  cấp huyện, cấp tỉnh.

Thầy Hiệu trưởng Phạm Duy Sơn ghi nhận: “Không chỉ kể chuyện hay, em Quyên còn là lớp phó học tập, là cán bộ liên đội gương mẫu, nhiều năm liền đều đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến, có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào của nhà trường.”

Với môn học yêu thích nhất là Sinh học, thường đạt điểm trung bình từ 8 phẩy trở lên, Quyên mong muốn trở thành cô giáo để dạy học cho con em đồng bào địa phương.

Năm học 2019-2020 bị ảnh hưởng không nhỏ từ dịch bệnh Covid-19. Trở lại trường sau thời gian dài để phòng chống dịch, Y Thị Lệ Quyên cùng gần 50 học sinh khối 9 của trường càng cố gắng học tập, phấn đấu đạt kết quả tốt nghiệp THCS ở mức cao nhất để tiếp tục học lên THPT và phấn đấu cho ước mơ của mình.

Nghĩa Hà