Có hay không sự chỉ đạo ngầm từ tiền quỹ “khủng” các lớp tại chức?

(Dân trí) - Không những phải lo nơi ăn ở cho giáo viên, các học viên đang theo học tại các lớp tại chức ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa còn phải đóng phong bì “bồi dưỡng” cho từ lãnh đạo Trung tâm đến giáo viên giảng dạy. Học viên cho biết, họ được chỉ đạo chi những khoản này từ giáo viên chủ nhiệm.

Học viên “gánh” thay Trung tâm?

Những học viên đang theo học tại các lớp tại chức ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh Thanh Hóa cho biết, căn nguyên của việc họ phải đóng số tiền quỹ “khủng” là do quá nhiều những khoản chi. Từ ăn, ở cho đến đi lại, từ lãnh đạo Trung tâm đến giáo viên giảng dạy. Tất cả đều lấy từ nguồn quỹ “khủng”. Việc phong bì bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên đã thành thông lệ từ nhiều năm trước nên họ không thể không làm theo. Bởi nếu không thực hiện, việc thi cử, lấy bằng cấp có thể bị gây khó khăn.

Phiếu báo số tiền giáo viên ăn tại căng tin trường và yêu cầu lớp phải trả
Phiếu báo số tiền giáo viên ăn tại căng tin trường và yêu cầu lớp phải trả

Một học viên của lớp Luật K55E cho biết: “Trước đây, khi khu nhà ở và căng tin của trường chưa xây dựng lại thì giáo viên đến ăn, nghỉ tại đây. Các lớp có nhiệm vụ phải thanh toán lại cho nhà trường các khoản cơ bản của thầy cô như: nước khoáng uống tại phòng nghỉ, ăn sáng tại căng tin của thầy cô… Thời gian gần đây Trung tâm đang trong thời gian xây dựng lại căng tin và nhà ở cho giáo viên nên các lớp phải hoàn toàn tự lo ăn, nghỉ cho thầy cô mà không hề được nhà trường hỗ trợ hay thông báo việc đã hợp đồng với khách sạn lo ăn nghỉ cho giáo viên”.

"Nếu chỉ tính riêng chi phí ăn, ở cho một tuần học 3 ngày (thứ 6, thứ 7 và chủ nhật) thì lớp chi hết khoảng 5 triệu đồng/môn, với một kỳ học 6 môn thì một kỳ số tiền lớp bỏ ra khoảng 40, 50 triệu đồng. Ngoài “lo” cho việc học, phần lớn số quỹ còn lại được dùng để lo cho thi học kỳ" - học viên này nói.

Cũng theo học viên này, mỗi kỳ thi học kỳ, các lớp tại chức ở đây đều phải “gồng gánh” các khoản như: ăn, ở và “quà cáp” cho hội đồng thi, giám thị coi thi (đến từ các đơn vị chủ quản) và trong đó không thể thiếu “quà” cho lãnh đạo Trung tâm GDTX Thanh Hóa (đơn vị liên kết đào tạo).

Những khoản chi của một lớp tại chức được thủ quỹ ghi chép lại
Những khoản chi của một lớp tại chức được thủ quỹ ghi chép lại

Nhiều học viên thắc mắc rằng theo quy định thì những khoản như ăn, ở của giáo viên, chi cho giám thị, hội đồng thi là việc của Trung tâm nhưng không hiểu sao họ lại phải “gánh” thay cho Trung tâm dẫn đến việc lớp phải bổ đầu học viên đóng để dẫn đến việc “thu đủ bù chi”.

Có chỉ đạo ngầm?

Được biết tại mỗi một kỳ thi, kể cả thi đầu vào, ngoài việc lớp tự động lo ăn, nghỉ cho hội đồng thi thì giáo viên chủ nhiệm lớp đều “chỉ đạo” ban cán sự lớp đóng phong bì cho từng người trong hội đồng thi, giám thị coi thi kể cả lãnh đạo Trung tâm từ Giám đốc đến các Phó Giám đốc; Trưởng, Phó phòng Đào tạo và cả cô giáo chủ nhiệm. Không những cụ thể từng người mà cô giáo chủ nhiệm này còn cụ thể mức đóng từng phong bì. Sau đó thì toàn bộ số phong bì này được đưa giáo viên chủ nhiệm để chuyển đến từng người theo danh sách đã được kê trước đó.

Một trong những tờ giấy ghi tay chỉ đạo mức bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên của một giáo viên chủ nhiệm
Một trong những tờ giấy ghi tay "chỉ đạo" mức bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên của một giáo viên chủ nhiệm

“Chi cho ai, bao nhiêu chúng tôi đều phải theo sự “hướng dẫn” của cô giáo chủ nhiệm. Lúc thì cô giáo chủ nhiệm đọc cho tôi ghi lại tên cụ thể từng người, lúc thì chính tay cô viết lại vào giấy rồi đưa cho tôi” - nguyên một cán bộ lớp chia sẻ.

Điều đáng nói là những gì lãnh đạo Trung tâm GDTX Thanh Hóa là ông Đào Phan Thắng trao đổi với PV Dân trí lại hoàn toàn ngược lại với những gì học viên phản ánh rằng: Trung tâm luôn lo đầy đủ chỗ ăn nghỉ cho giáo viên. Nếu học viên bỏ tiền trang trải ăn ở cho giáo viên là do học viên, Trung tâm không ép được.

“Hàng tháng chúng tôi vẫn phải trả 60-70 triệu tiền ăn, tiền ở cho giáo viên. Họ ăn, ở hay không chúng tôi không biết nhưng cứ có lịch dạy là chúng tôi đặt cơm, đặt phòng và cứ thế trả tiền cho khách sạn thôi”, ông Thắng cho biết.

Cũng theo ông Thắng thì ông không biết việc giáo viên chủ nhiệm chỉ đạo chi các khoản “bồi dưỡng” cho cán bộ và giáo viên. Nếu có việc này, sẽ cho kỷ luật ngay.


Trung tâm GDTX Thanh Hóa từng chỉ đạo đóng tiền bôi trơn, chống trượt hơn 1 tỷ đồng đầu vào Thạc sĩ và bị cơ quan chức năng phát hiện vào giữa năm 2013

Trung tâm GDTX Thanh Hóa từng chỉ đạo đóng tiền "bôi trơn", chống trượt hơn 1 tỷ đồng đầu vào Thạc sĩ và bị cơ quan chức năng phát hiện vào giữa năm 2013

Được biết, ngay sau buổi làm việc với PV, Phòng Quản lý đào tạo Trung tâm này đã yêu cầu cô giáo chủ nhiệm lớp Luật K55E tổ chức họp lớp và lấy phiếu ý kiến của từng học viên về việc đóng quỹ lớp đồng thời cô giáo chủ nhiệm lớp này còn tổ chức họp ban cán sự cũ và ban cán sự đương thời yêu cầu trả lời việc “giáo viên chủ nhiệm có chỉ đạo ngầm việc thu chi quỹ lớp hay không” ghi vào biên bản mục đích đối phó với báo chí.

Liên quan đến vấn đề tiền “bôi trơn” trong học và thi tại Trung tâm GDTX Thanh Hóa, vào giữa năm 2013, có hơn 50 học viên đã nộp đơn tuyển sinh vào lớp Thạc sĩ Quản lý kinh tế của Đại học Kinh tế liên kết với Trung tâm. Trung tâm này thông báo ngoài số tiền ôn thi cho Đại học Kinh tế, mỗi học viên phải nộp thêm 28 triệu đồng để “chống trượt” đầu vào. Đã có 40 học viên đồng ý nộp hơn 1 tỉ đồng để lo lót cho kỳ thi. Tuy nhiên, sự việc chỉ bị vỡ lở khi có 3 học viên bị đuổi khỏi phòng thi, và chỉ có 7/49 học viên trúng tuyển vào lớp Cao học Quản lý kinh tế của Đại học Kinh tế.

Nguyễn Thùy