Có hay không chuyện "buộc thầy cô phải đi dạy ngày 20/11" tại TP Huế?

(Dân trí) - Trong dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, có khá nhiều thông tin từ các giáo viên tại thành phố Huế, tỉnh TT-Huế phản ánh với PV rằng không được nhà trường cho nghỉ mà thầy cô buộc phải đi dạy vào ngày 20/11.

Về điều này, có nhiều ý kiến cho rằng bắt nguồn từ việc Trường Mầm Non 2 tại TP Huế trong đầu tháng 10/2012 đã cho 700 học sinh (HS) cả trường nghỉ học để phục vụ lễ hiệu trưởng cũ về hưu. Sau đó, UBND TP Huế đã có văn bản về việc chấn chỉnh việc này. Văn bản ghi rõ: “Trong trường hợp cho HS nghỉ học từ 1 buổi trở lên ngoài quy định, yêu cầu nhà trường phải báo cáo, xin ý kiến và phải được sự đồng ý của Phòng Giáo dục & Đào tạo TP Huế và UBND thành phố Huế. Lãnh đạo nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu thực hiện không đúng các quy định về việc cho HS nghỉ học”. Việc cho HS nghỉ học vì vậy đã khó hơn, và nhiều giáo viên (GV) ở TP Huế cũng đã nghe thông tin là Sở GD-ĐT sẽ không cho nghỉ vào đúng ngày 20/11 mà phải đi dạy. Riêng các huyện thì không có nghe thông tin này.

Mặc dù cho đến nay, nước ta chưa có quy định cụ thể về việc cho toàn bộ GV nghỉ ngày 20/11, nhưng thời gian qua, nhiều trường học trên cả nước cũng đã linh động để điều chỉnh việc cho GV, HS nghỉ trong ngày này rồi sau đó dạy và học bù để HS có dịp chúc mừng thầy cô.

Chúng tôi đã tìm hiểu thông tin trên từ các cơ quan chức năng địa phương để làm rõ thông tin trên. Qua trao đổi trên điện thoại, TS. Phạm Văn Hùng - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế, cho biết “Năm nay Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các tỉnh làm tốt các hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam và 50 năm giáo dục thời chống Mỹ cứu nước. Bộ đã căn cứ vào điều 4 của quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) làTrong ngày 20/11, các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và địa phương”.

Bên cạnh đó, là Chỉ thị 31 ký ngày 1/11/2012 của UBND tỉnh TT-Huế giao cho các chính quyền địa phương phải thăm hỏi, động viên giáo giới, tổ chức các hoạt động để ngày 20/11 đúng nghĩa là ngày tôn vinh nhà giáo

Căn cứ vào các văn bản đó, Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế đã có văn bản 1950, chỉ đạo từ ngày 17 đến 20 tháng 11, trong khoảng thời gian thoáng và rộng đó, các trường có thể tổ chức ngày kỷ niệm nhà giáo. Điều này đúng với tinh thần chỉ đạo của các văn bản trên.

Nhưng khi triển khai tại cơ sở ở các huyện, thị xã, thành phố (nơi quản lý trực tiếp các trường) thì có một số nơi đã thực hiện không đúng tinh thần các văn bản trên. Tôi đang hướng đến các giá trị nhân văn để động viên thầy cô giáo, nhưng khi nghe thông tin là sở chúng tôi bắt thầy cô đi dạy thì thật là rất buồn và không đồng tình.

Phía cơ sở cứ nghĩ hiểu nhầm do Sở GD-ĐT là cứng nhắc, không quy định nghỉ. Ba mươi năm rồi có ai quy định nghỉ đâu nhưng đến ngày đó, các nhà trường vẫn tổ chức hoạt động lễ cho thầy cô (tức thầy cô được nghỉ và dự hoạt động kỷ niệm tại trường - PV). Điều này rất cần và không có gì sai cả. Nghỉ 2 ngày thì nên tính lại, chứ nghỉ 1 ngày để tổ chức cho giáo giới thăm viếng, chúc nhau, HS thăm thầy cô giáo tại nhà trường thì quá tốt. Mình chỉ cấm mưa gió, thời tiết bất thuận thì các cháu đi đến nhà thầy cô tội nghiệp, không nên. Cũng như thời tiết thuận nhưng giao thông không thuận thì cũng không nên.

Cho nên tổ chức nghỉ 1 ngày ở nhà trường để HS tặng hoa thầy cô giáo là quá tốt, điều đó nên làm. Nếu buộc họ tổ chức xen ghép, lồng ghép… tận dụng trong thời gian 30 phút, 1 tiếng trong giờ học thì không đúng tầm với quyết định 167. Và cũng không đúng với tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 31 và văn bản 1950 của Sở GD-ĐT”.

Ông Nguyễn Đăng Thạnh - phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết: “Một số trường xin cho HS nghỉ học ở nhà, chúng tôi đã giao việc này cho ngành giáo dục giải quyết. Chúng tôi khẳng định là không có tin cho biết thành phố, Phòng GD-ĐT không cho nghỉ ngày 20/11, điều đó chắc do anh em hiểu không đúng. Các trường sẽ vẫn tiến hành các sinh hoạt tổ chức mừng thầy cô tại trường trong ngày 20/11, nhưng không thể làm “cứng” là buộc thầy cô nhất nhất phải đi dạy được. Hiện nước ta không có văn bản chính thức cho nghỉ ngày 20/11. Chỉ có cho nghỉ theo luật lao động, nghỉ tại các ngày đất nước đã quy định, nghỉ do thiên tai bão lụt, và chỉ có tỉnh có quyền quyết định chứ thành phố thì không có quyền.

Trao đổi với Dân trí về việc này trong sáng 19/11, Th.s. Phan Nam - trưởng Phòng GD-ĐT thành phố Huế giải thích: “Hiện tại toàn thành phố Huế có gần 3.500 GV, 35.000 HS khối cấp 1, 2 và 15.000 HS mầm non. Có một số trường đã gửi đơn lên Phòng chúng tôi xin nghỉ trong ngày này.

Theo tinh thần chỉ đạo của văn bản Sở GD-ĐT thì không thấy ghi là cho GV, HS nghỉ ở nhà ngày 20/11. Nhưng trong khoảng thời gian từ 17 đến 20/11, cho phép nghỉ nhưng GV và HS phải cùng đến trường để tổ chức lễ, làm các hoạt động như tọa đàm, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng kỷ niệm ngày nhà giáo.

Chúng tôi cũng đã thống nhất trên tinh thần này và điện thoại chỉ đạo các trường là không được nghỉ ở nhà vào ngày 20/11 mà thầy cô cùng HS đến trường để làm lễ. Cũng có trường chúng tôi biết cũng chỉ làm lễ một buổi rồi buổi kia dạy. Nếu địa phương mời trường dự lễ 20/11 do địa phương tổ chức thì trường hợp này có thể cho HS nghỉ. Nói chung các năm trước thì nhiều trường linh động cho nghỉ học ở nhà cả GV và HS, nhưng năm nay theo tinh thần mới và cả một phần chỉ đạo chấn chỉnh của UBND TP Huế không cho nghỉ học tùy tiện nên đã có nhiều điểm mới trong việc tổ chức nghỉ ngày 20/11.

Tóm lại, cụ thể là không có chuyện là buộc GV phải dạy học suốt trong ngày 20/11 mà là trường được nghỉ học, nhưng cả thầy và cô cùng đến trường tổ chức lễ 20/11. Điều này cũng tránh tình trạng HS đi thăm thầy cô tại nhà nhiều đâm ra phức tạp và ảnh hưởng đến giao thông. Chúng tôi nghĩ việc này dù không phải ai cũng thích nhưng có phần chặt chẽ và cũng có nhiều mặt tích cực trong cách tổ chức lễ vào ngày 20/11 cho thầy cô giáo”.

Đại Dương