Cô giáo từng khóc vì áp lực nghề giáo: “Hãy cởi trói cho chúng tôi”

(Dân trí) - “Thi xong cấp quận, tôi là một trong hai giáo viên được lựa chọn thi cấp thành phố. Trong khi các giáo viên trong trường đang liên hoan tưng bừng, tối 19/11, một mình tôi ngồi ở lớp, trang trí, dặn dò học sinh cốt cán và xem lại mọi thứ cho ngày thi sắp tới. Lúc đó tôi đã khóc. Tôi chưa bao giờ cảm thấy nghề này lại khổ sở áp lực như thế”.

Trên đây là chia sẻ của cô Dương Thị Phương Thảo - giáo viên trường THCS Mạc Đĩnh Chi (Ba Đình, Hà Nội) tại hội thảo “Áp lực lao động nghề nghiệp của giáo viên phổ thông hiện nay”, do Viện Nghiên cứu hợp tác tổ chức giáo dục tổ chức ngày 16/11.

Khóc vì áp lực nghề nghiệp

Kể về câu chuyện của chính mình tại hội thảo, cô Thảo khiến nhiều người thực sự xúc động.

Cô cho biết, áp lực đầu tiên hiện nay với giáo viên là áp lực về thi cử, của các cuộc thi giáo viên dạy giỏi. “Chúng tôi thường nói đùa với nhau đó là “lên thớt” bởi mỗi lần trải qua cuộc thi này quá vất vả”, cô chia sẻ.

Nhớ lại quãng thời gian vừa trải qua, cô Thảo cho hay: “Tôi còn nhớ lúc mình thi giáo viên dạy giỏi của quận, tôi đã chuẩn bị hơn một tháng trời và đi khắp nơi “tầm sư học đạo”.

Tôi nghĩ, thi xong cấp quận thì thở phào nhẹ nhõm và kê cao gối nằm ngủ. Thế nhưng áp lực hơn, tôi là một trong hai giáo viên xuất sắc được lựa chọn đi thi cấp thành phố”.

Được biết, năm 2015, cô Thảo đoạt giải Nhất cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi toàn thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, để có được giải thưởng ấy, cô đã rơi vào áp lực vô cùng lớn mà như cô nói, đó là lần đầu tiên trong cuộc đời, cô chính thức được trải nghiệm thế nào là áp lực nghề nghiệp.

Cô kể: “Tôi bốc thăm trúng lịch thi là ngày 21/11, đấy cũng là ngày sinh nhật đầu tiên của con gái thứ hai của tôi.

Trong khi các giáo viên trong trường đang liên hoan tưng bừng, 7h tối 19/11, một mình tôi ngồi ở lớp, trang trí, dặn dò học sinh cốt cán và xem lại mọi thứ cho ngày thi sắp tới.

Lúc đó tôi đã khóc. Tôi chưa bao giờ cảm thấy nghề này lại khổ sở áp lực như thế. Qua kỳ thi đó, tôi thấy mình trưởng thành hơn nhiều nhưng tôi nhìn ở các đồng nghiệp của mình những áp lực mà bản thân đã trải qua lúc đó”.


Cô Dương Thị Phương Thảo chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: Đ. T)

Cô Dương Thị Phương Thảo chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: Đ. T)

Áp lực thứ hai cô Thảo đưa ra là thi cử của học sinh. Đối với học sinh THCS đặc biệt với học sinh Hà Nội, thi vào lớp 10 còn áp lực hơn cả đại học bởi Hà Nội có một kiểu đề riêng so với các tỉnh thành khác.

“Bản thân là giáo viên chủ nhiệm của học sinh lớp 9, chúng tôi gánh trên vai nhiệm vụ là làm sao để 44 học sinh của lớp mình vượt qua kỳ thi ấy vào nguyện vọng một. Vì kết quả của kỳ thi ấy sẽ là kết quả đánh giá xếp hạng của trường, giáo viên. Chúng tôi áp lực lắm vì chương trình thì dài, kiểu thi lại đặc thù.

Hiện tại trung bình một tuần 3 buổi, tôi phải ở lại phụ đạo thêm (không phải dạy thêm) cho các học sinh đến 19h mới về đến nhà. Đấy là áp lực thực sự”, cô Thảo chia sẻ.

Mặc dù áp lực như vậy nhưng cô cho rằng không còn cách nào khác bởi chỉ có làm như thế, giáo viên mới đạt được tiêu chí mà “bệnh thành tích” đặt ra: “Bản thân chúng em hiểu, nếu không vượt qua, sẽ bị đánh giá về năng lực nghề nghiệp, bị đồng nghiệp trong trường, quận đánh giá vì đó là kết quả chung của trường”.

Có giáo viên phải bán hàng qua mạng

Áp lực thứ ba đối với giáo viên mà cô Thảo đưa ra là áp lực về kinh tế: Thực sự vấn đề lương bổng giáo viên là áp lực rất nặng nề!

“Tôi ra trường từ năm 2004 nhưng đến cuối 2009 mới được vào biên chế. Hiện lương tháng của tôi là 4.754.000 đồng. Cũng may tôi có sự hỗ trợ của gia đình mới có thể bám trụ nghề. Nhưng không ít giáo viên, không có sự ủng hộ của gia đình sẽ phải suy nghĩ về việc mình có thực sự tâm huyết với nghề không với mức lương như thế”, cô Thảo tâm sự.


Cô Thảo cùng các học sinh (Ảnh: Facebook nhân vật)

Cô Thảo cùng các học sinh (Ảnh: Facebook nhân vật)

Cũng theo cô Thảo, thực trạng đó khiến chúng ta không thể trách được có những giáo viên bán hàng qua mạng: “Đúng ngày hôm nay (16/11), một đồng nghiệp của tôi theo chồng xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Cô ấy là giáo viên dạy Lịch sử, 8 năm trong nghề, đã từng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quận.

Với giáo viên THCS Lịch sử là môn không thể dạy thêm nên lương cô ấy đến giờ mới 4,1 triệu đồng mà cô ấy thuê nhà, thì làm sao có thể trụ lại với nghề, thế nên chỉ có cách xuất khẩu lao động với chồng.

Trước đây cô ấy rất ao ước về nghề giáo nhưng do quá nhiều bất cập đến mức phải bỏ nghề. Con số giáo viên chán nghề, muốn bỏ nghề mà các thầy cô đã đưa ra, tôi nghĩ bây giờ còn cao hơn chứ không giảm.

Đặc biệt trong thời gian tới, khoảng năm 2020-2021, cấp THCS sẽ bắt đầu áp dụng chương trình mới nhưng đến nay rất đông giáo viên vẫn hoang mang, không biết cái mới ở đây là gì, bởi quá nhiều thông tin. Do đó, áp lực trước lúc dạy chương trình mới cũng là một trong những vấn đề đè nặng lên vai giáo viên.

Hoặc kể về câu chuyện của một đồng nghiệp ở tỉnh phía Bắc về việc mỗi năm ngành giáo dục địa phương này đưa một mẫu giáo án để giáo viên không sử dụng giáo án cũ, cô Thảo phải thốt lên: Quá bất cập và vô lý.

“Hãy cởi trói cho chúng em”

Trước những áp lực như vậy, cô Thảo chia sẻ: "Nếu không có Ban giám hiệu và các đồng nghiệp trong trường động viên, sát cánh bên em trong mọi hoàn cảnh, có lẽ em không thể hoàn thành tốt hơn công việc của mình như bây giờ."

Tuy nhiên, để góp tiếng nói nhỏ bé, giúp cho đội ngũ giáo viên được “cởi trói” hơn, cô cũng mạnh dạn mong muốn một số điều.

Mong ước đầu tiên đó là muốn giảm tải chương trình vì quá nặng. Cụ thể, theo giáo viên này, hiện mỗi giáo viên tiểu học có 21 tiết, THCS là 19 tiết/ tuần. Đây là một con số tưởng chừng ít nhưng công việc hậu trường của 19 tiết ấy quá nhiều.


Nếu không có Ban giám hiệu và các đồng nghiệp trong trường động viên, sát cánh bên em trong mọi hoàn cảnh, có lẽ em không thể hoàn thành tốt hơn công việc của mình như bây giờ. (Ảnh: Facebook nhân vật)

"Nếu không có Ban giám hiệu và các đồng nghiệp trong trường động viên, sát cánh bên em trong mọi hoàn cảnh, có lẽ em không thể hoàn thành tốt hơn công việc của mình như bây giờ". (Ảnh: Facebook nhân vật)

“Nếu giáo viên chỉ phải dạy 13-14 tiết, đảm bảo tiết nào học sinh chúng em cũng được vui như Tết khi lên lớp và giáo viên được đầu tư cho tiết học. Đặc biệt khi áp dụng chương trình SGK mới, chúng em còn phải học nhiều hơn, với số tiết như thế này thì áp lực còn lớn hơn nữa”, cô Thảo nói.

Ngoài ra, có một mong muốn mà cô Thảo đề xuất đó là mong giảm tải hồ sơ. Theo cô Thảo, điều này liên quan đến ban giám hiệu, các nhà quản lý và các phòng giáo dục.

Cô cho rằng, tại sao có những địa phương bắt giáo viên chép tay đến 80 trang của cuốn sổ chủ nhiệm, trong khi tất cả danh sách hồ sơ học sinh, thông tin phụ huynh đã có trên máy tính. Tại sao không cho in ra mà bắt giáo viên phải chép. Rất tốn thời gian và vô lý. Thế nhưng điều bất cập và vô lý này vẫn kéo dài từ năm nay sang năm kia.

“Chúng tôi mong cải thiện về chế độ lương bổng dù là ước mơ xa vời nhưng nên chăng mỗi nhà trường có chính sách nào đó để giáo viên cải thiện mức sống của mình.

Đặc biệt, chúng tôi mong muốn các nhà trường thay đổi cách quản lý bằng cách giao cho giáo viên nhiều quyền tự chủ hơn. Giống như trường tôi, thầy hiệu trưởng giao nhiệm vụ cho giáo viên nhưng không bao giờ soi xét từng hồ sơ sổ sách. Nên tôi cũng mong muốn các trường học được cách quản lý tuyệt vời ấy”, cô Thảo chia sẻ.

Tuy nhiên, theo cô giáo này, trong lúc chưa thể thay đổi người khác thì giáo viên cũng nên tự thay đổi bản thân phù hợp với yêu cầu thực tế hơn, để giảm áp lực cho chính mình.

Mỹ Hà