Đắk Nông:

Cô giáo trẻ trăn trở vì học trò nghèo vẫn chưa có áo ấm mùa đông

(Dân trí) - Chứng kiến cảnh cả trăm học trò đến trường chỉ trong những bộ quần áo lấm lem bùn đất, rồi mùa khô các em lại run lên cầm cập vì không có áo ấm, cô giáo Hồ Thị Hương đã đi xin quần áo về tặng cho học trò của mình.

Cô Hương tâm sự, đó như là cách giữ chân học trò ở lại trường, giúp nuôi dưỡng ước mơ thoát nghèo của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nơi khó khăn nhất tỉnh Đắk Nông.

Vượt gần 100km, chúng tôi tìm đến Trường Tiểu học Kim Đồng, tại bản Giang Châu, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Đây là nơi theo học của hơn 300 học sinh, trong đó có đến 97% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Cô giáo trẻ trăn trở vì học trò nghèo vẫn chưa có áo ấm mùa đông - 1
Học sinh Trường tiểu học Kim Đồng trong những bộ quần áo cũ tại lễ khai giảng năm học mới

Di cư từ Bắc vào Nam làm kinh tế, thế nhưng bao năm nay, cái nghèo vẫn đeo bám nhiều hộ gia đình ở đây. Trẻ em trong bản Ninh Giang, có đứa được đến trường, có đứa phải theo chân bố mẹ đi rẫy, đi nương. May mắn khi ở nơi nghèo và khó khăn nhất của tỉnh Đắk Nông ấy có cô giáo trẻ Hồ Thị Hương - Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Kim Đồng.

Cô Hương được những học trò của mình coi như người mẹ thứ hai, người đã vận động bố mẹ để cho chúng được đến trường, người tặng quần áo mới và cho chúng những bữa sáng trước khi vào lớp học.

Cô giáo trẻ trăn trở vì học trò nghèo vẫn chưa có áo ấm mùa đông - 2
Cô Hồ Thị Hương, người mẹ thứ hai của học trò trường Tiểu học Kim Đồng

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp, cô Hồ Thị Hương xin về xã Đắk Ngo công tác. Theo nữ giáo viên, Đắk Ngo là địa bàn khó khăn với chủ yếu là đồng bào dân tộc phía Bắc vào sinh sống. Những năm trước, người dân sống phân tán ở nhiều quả đồi, đường đi lại khó khăn nên nhiều em không được hoặc không thể đến trường.

Gần 10 năm công tác tại trường, cô Hồ Thị Hương cùng các thầy cô giáo khác ngoài công tác giảng dạy, còn đi vận động trẻ đến trường. Trong suy nghĩ của nhiều gia đình, họ không đồng ý cho con đi học vì mất đi một công lao động. Những đứa trẻ chỉ mới 7-8 tuổi nhưng đã có thể tự mình kiếm tiền bằng việc đi mót khoai, mót cà phê… nên phụ huynh muốn con mình ở nhà để phụ giúp gia đình.

Cô giáo trẻ trăn trở vì học trò nghèo vẫn chưa có áo ấm mùa đông - 3

Cô Hương tới từng nhà vận động phụ huynh cho trẻ đến trường.

Nhiều năm công tác tại địa phương khó khăn nhất tỉnh Đắk Nông, cô Hương chứng kiến sự từng sự đổi thay trong đời sống và suy nghĩ của người dân ở đây. Thế nhưng, nhiều năm nay, nữ giáo viên vẫn luôn trăn trở làm sao để giữ được chân học trò, làm sao để không vì thiếu thốn mà các em phải bỏ học.

“Có lẽ trong cuộc đời làm nghề giáo của tôi, tôi sẽ không thể quên cảnh những đứa trẻ đi khai giảng trong bộ quần áo cũ kỹ, nhuộm màu đất đỏ. Chứng kiến những cảnh ấy, tôi tự động viên bản thân, phải làm cái gì đó để các em không phải nghỉ học vì quá khó khăn. Sau đó, tôi đi vận động mọi người, giúp đỡ các em có bộ quần áo mới đầu năm học”, cô Hương kể.

Từ đó, cô Hương cùng nhà trường và các mạnh thường quân tổ chức chương trình “Áo trắng đến trường”, quyên góp lập quỹ áo trắng cho học sinh nơi đây. Mỗi năm học, các học sinh của trường sẽ được tặng 2 chiếc áo trắng mới, giúp các em tự tin đến trường.

Cô giáo trẻ trăn trở vì học trò nghèo vẫn chưa có áo ấm mùa đông - 4
Những bộ quần áo mới tặng học sinh là cách cô Hương giữ chân trẻ ở lại trường

“Ban đầu mới đi xin, đi vận động giúp đỡ cho học trò, tôi đã gặp phải những nghi ngại của một số người. Có lẽ, họ không tin rằng, một cô giáo lại đi xin đồ cho học trò của mình mà lại xin với số lượng lớn đến vậy. Từ một hai chiếc áo trao tận tay học trò, tôi đã tạo được niềm tin nơi các mạnh thường quân, số lượng áo trắng cho các em ngày càng nhiều. Năm học vừa rồi, gần 300 học sinh của trường đã nhận được món quà ý nghĩa này trong ngày đầu năm học mới”, cô Hương tự hào kể về hành trình 6 năm đi xin áo trắng cho học trò của mình.

Áo trắng đã có, song năm nào khi mùa khô về, cô Hương cũng chứng kiến cảnh học sinh phải run lên bần bật vì gió lạnh và sương muối. Nữ giáo viên không khỏi trăn trở, làm sao cho các em được tấm áo ấm trong mùa khô Tây Nguyên.

Cô Hương kể lại, nhiều em đến trường chỉ mặc phong phanh tấm áo trắng, ngồi trong lớp mà run đến nỗi không cầm được bút viết. Đợt vừa rồi được ra Hà Nội dự chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô giáo" nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, thấy có nhiều đồng nghiệp lên mạng xã hội kêu gọi sự giúp đỡ cho học trò, cô Hương cũng học tập làm theo và kêu gọi được hơn 100 chiếc áo.

Cô giáo trẻ trăn trở vì học trò nghèo vẫn chưa có áo ấm mùa đông - 5

Cô Hồ Thị Hương tại chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2019.

“100 áo, cho em này thì em kia lại không có, tội nghiệp các em lắm. Để có đủ cho gần 300 em học sinh của trường, từ món quà nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa rồi, tôi chỉ giữ lại một ít cho con, còn lại dành hết để mua áo ấm cho các em. Nhưng thú thực, số tiền ấy cũng chỉ mua được một ít áo. Đến giờ này tôi vẫn chưa biết xoay xở xin đâu ra số áo còn lại”, nữ giáo viên trăn trở.

Công tác tại vùng khó, nơi bà con vẫn nghĩ đến “cái bụng” hơn nghĩ đến việc học, cô Hương tự nhủ, hành trình phía trước có lẽ còn rất nhiều khó khăn với những vất vả, gian đang chờ phía trước.

Nữ giáo viên tâm sự: “Nếu mình còn sức, trò còn muốn đến trường thì mình vẫn đi xin quần áo cho các em. Những món quà ấy không nằm ở giá trị bao nhiêu mà đó là cách để tôi sẻ chia, động viên các em tiếp tục đến trường”.

Bạn đọc có thể hỗ trợ và chia sẻ đến các em học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) qua số điện thoại của cô giáo Hồ Thị Hương: 0865 220 389.

Số tài khoản: 63510000530683, Ngân hàng BIDV huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông, chủ tài khoản: Hồ Thị Hương. Trân trọng cảm ơn!

Dương Phong